Sự khủng hoảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, giảm niềm tin của thị trường. Đại biểu quốc hội đề nghị Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Thị trường trái phiếu khủng hoảng, đại biểu chất vấn trách nhiệm của cơ quan quản lý

Hoài Lam | 08/06/2023, 14:50

Sự khủng hoảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, giảm niềm tin của thị trường. Đại biểu quốc hội đề nghị Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Thị trường trái phiếu khủng hoảng

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) nêu rõ, thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng, doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền.

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể nói là khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp BĐS chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn. Điều này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đạt thấp thì tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội", ông Lềnh nói.

Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, đồng thời cho biết những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới.

lenh.jpg
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai)

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị vướng xử lý trái phiếu có nguyên nhân đầu tiên là quản lý luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính chưa hợp lý. Một số trường hợp vi phạm, ngành công an đã điều tra, truy tố.

“Thị trường trái phiếu cũng chưa bền vững về cơ cấu, nghiêng về thị trường rủi ro như bất động sản. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 khó khăn về tài chính, nên thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng rất khó khăn”, ông Khái nêu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trái phiếu đến hạn thanh toán tính đến 31.12.2022 là 1,2 triệu tỉ đồng, trong đó đáo hạn của năm 2023 là 290.000 tỉ đồng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán. Bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân về pháp lý, cơ cấu sản phẩm như sản phẩm giá thấp ít, sản phẩm giá cao nhiều; năng lực chủ đầu tư.

Phó thủ tướng cho biết, vừa qua, Thủ tướng lập tổ công tác do hai Phó thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra giải pháp. Khi hai tổ công tác này có báo cáo, Chính phủ sẽ chỉ đạo để gỡ khó cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này minh bạch.

Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự, tuy nhiên Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư.

dong-3.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn

Theo ông Khái, trong quý 1, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã ổn định tình hình, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trên tinh thần doanh nghiệp có trách nhiệm theo hợp đồng dân sự, nhà nước tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy thực hiện cam kết theo nghĩa vụ, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi người dân, nhà đầu tư.

Sớm có giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị) đặt vấn đề, triển vọng FDI vào Việt Nam không lạc quan khi luật thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024. Có chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt, đối xử các quốc gia khiến các hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam bị suy giảm hiệu quả. Ông đề nghị Phó thủ tướng nói rõ hơn về vấn đề này.

dong.jpg
ĐBQH Hà Sỹ Đồng

Trả lời đại biểu về thuế tối thiểu toàn cầu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tháng 6.2021 nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%. Tính đến tháng 7.2021 các nước G20 đã thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu. Cuối năm 2022, 138 nước đã thống nhất về khung thuế.

Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế hội nhập, không bắt buộc, tuy nhiên các nước đã tham gia và đã nội luật hóa, có hiệu lực thi hành trong năm 2024. Vấn đề này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, đã có nhiều diễn đàn có chỉ đạo về vấn đề này.

“Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động để đề xuất. Tổ công tác vừa báo cáo, Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá tác động, Chính phủ sẽ trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới nhằm bảo đảm được quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư, lợi ích của quốc gia”, ông Khái nêu.

Hiệu ứng tăng lương - tăng giá

Đại biểu Triệu Thị Huyền cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023. Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?

dong-4.jpg
Đại biểu Triệu Thị Huyền

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật "cần sự uyển chuyển", tuân theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước, đặc biệt quan tâm tới đời sống lao động, đồng bào vùng sâu vùng xa. Điều hành giá phải căn cứ vào tín hiệu thị trường mà thị trường thì thay đổi hàng ngày. Ví dụ như xăng dầu cần có kịch bản, nắm bắt thị trường để điều hành, đáp ứng nhu cầu, mục tiêu Quốc hội giao, như năm ngoái CPI là 4% và năm nay 4,5%.

Theo đó, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung cầu, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu. Với mặt hàng nhà nước định giá thì phải giữ được giá, còn lại mặt hàng không định giá thì theo thị trường nhưng phải niêm yết, kiểm tra yếu tố hình thành giá.

"Chúng tôi đã tính toán kỹ, tới tháng 7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì giá cũng sẽ không thay đổi nhiều nhưng vẫn phải hết sức quan tâm để điều hành giá sao cho CPI không vượt 4,5%", ông Khái cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường trái phiếu khủng hoảng, đại biểu chất vấn trách nhiệm của cơ quan quản lý