Với thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết trong trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn hạ để đảm bảo tính răn đe.
Làm rõ nội hàm kinh doanh tàu bay không người lái
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân ngày 27.6, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng ngày nay với nền khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đã xuất hiện những phương tiện chiến tranh mới nguy hiểm, đặc biệt về đường không. Để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa trong cục diện mới nếu có chiến tranh xảy ra, xây dựng luật rất cần thiết.
Quan tâm đến việc thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (điều 28), ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị làm rõ nội hàm của “kinh doanh” tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Ngoài ra, đại biểu Lan Anh cũng băn khoăn việc quy định “thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm” tại điều 28 có thuộc nội hàm của “kinh doanh” không?
Đại biểu Lan Anh cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các Bộ.
ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng nêu, về khái niệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, cần tham chiếu các khái niệm quốc tế và một số khái niệm đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất.
“Cần phân định rõ về khái niệm và cách hiểu, cũng như khi triển khai thực hiện, đồng thời, đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với tính đa dạng của các loại phương tiện này cũng như dự liệu được sự phát triển mạnh mẽ của các loại phương tiện này trong tương lai, nhất là trong ứng dụng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội”, ông Hải Anh nói.
Đại biểu Hải Anh cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội hàm để hai khái niệm này được đầy đủ hơn, bao gồm tính năng vận hành của phương tiện, tự điều khiển bằng hệ thống máy tính lắp sẵn trên phương tiện hoặc được điều khiển từ xa...
ĐBQH Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cũng góp ý, về giải thích từ ngữ quy định tại khoản 7 điều 2: Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay dân gian, dù bay mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh và an toàn hàng không.
Tại khoản 2 điều 21 Luật Hàng không Việt Nam có quy định: phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay. Khí cầu là thiết bị bay mà lực nâng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó bao gồm khí cầu bay có người điều khiển và khí cầu bay không có người điều khiển.
Mô hình bay bao gồm các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay được gắn với động cơ, được điều kiện bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn...
Đại biểu Đức đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định của dự thảo để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Không gian tầm thấp sẽ là… chiến trường nhộn nhịp
ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đề nghị cần có chính sách, thể chế hoàn thiện để tổ chức hiệu quả thế trận phòng không đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ông Thành cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao, trong đó đặc biệt có máy bay không người lái với số lượng lớn, giá rẻ, vừa tác chiến diện rộng, vừa có thể tấn công được mục tiêu rất nhỏ như xe tăng, xe thiết giáp… thậm chí là các mục tiêu nằm sâu nội địa của đối phương.
“Như vậy cho thấy, trong tương lai nếu có chiến tranh xảy ra, khu vực không gian tầm thấp chắc chắn sẽ là chiến trường nhộn nhịp không thua kém vùng chiến trường dưới mặt đất”, đại biểu Thành nói.
Do vậy, đại biểu Thành đề nghị cần phải có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng tổ chức hiệu quả thế trận phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng đề nghị xem xét bổ sung trong định nghĩa về phòng không nhân dân nội dung về quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác khoảng không tầm thấp dưới 5.000m. Điều này nhằm bao quát đầy đủ, toàn diện nội hàm của phòng không nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
“Đó là vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh, vừa tạo điều kiện tổ chức tốt công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn phòng không. Quy định như vậy cũng sẽ góp phần phân định rõ các nhóm đối tượng của phòng không nhân dân thuộc diện phòng ngừa, đấu tranh, chế áp, thậm chí là bắn hạ nếu đe dọa đến quốc phòng - an ninh của đất nước và những đối tượng mà phòng không nhân dân quản lý, bảo vệ, khuyến khích vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Hải Anh nêu.
Không chấp hành chế áp; quân đội có quyền bắn hạ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết việc xác định độ cao 5.000m không phải việc khó. Về cấp phép bay, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Giang, các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.
"Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao cho Cục Tác chiến cấp phép, nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều, bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên, khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay", ông Giang nói.
Về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Về việc tập huấn, nội dung chương trình phải được thống nhất, nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, từ nội dung cơ bản, nội dung chuyên sâu, nội dung nâng cao, nội dung đặc thù.
Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng Giang nhấn mạnh trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.