Bất kể sự phân chia của cải trong xã hội có bất bình đẳng đến thế nào, thế giới mà chúng ta sắp tiến tới sẽ giàu có đến mức ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể sống dư dả.
Một thế giới không có bệnh tật, nghèo đói hay chiến tranh là điều mơ ước từ xa xưa của nhân loại, một mơ ước mà chúng ta sắp đạt được. Luận điểm ủng hộ ý kiến này rất đơn giản và dễ hiểu: công nghệ gia tăng sức lao động của con người lên gấp nhiều lần, tạo điều kiện cho của cải không ngừng tăng.
Điều gì khiến chúng ta phải lo lắng?
Bằng cách sử dụng công nghệ, chúng ta có thể giải quyết tất cả những vấn đề thuần túy mang tính kỹ thuật, loại trừ bệnh tật, cung cấp nguồn năng lượng sạch dồi dào và giải quyết hàng loạt những vấn đề toàn thể nhân loại đang phải đối mặt.
Thế nhưng, vì bị nhồi nhét bởi các bản tin trên khắp thế giới, nhiều người thường lo lắng về tương lai. Không ít lần, khi người ta được khảo sát về nguy cơ bị ám sát hay bị đột nhập vào nhà riêng, họ hầu như đều đưa ra một mức độ nguy cơ cao hơn nhiều so với khả năng thực tế. Nhiều người đổ lỗi cho truyền thông, quy trách nhiệm cho những tin khá giật gân của các chương trình thời sự, được phát ngay trước khi chuyển sang quảng cáo, chẳng hạn: “Sau vài phút quảng cáo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem thứ gì trong nước máy nhà bạn đang giết chết bạn”. Tuy nhiên, vẫn còn một thủ phạm nữa. Chúng ta đơn giản là không giỏi đánh giá một số loại rủi ro nhất định.
Thực tế mà nói, chúng ta có nguy cơ bị người cùng thành phố cắn cao hơn gấp mười lần so với bị cá mập cắn. Ở Bắc Mỹ, bạn có nguy cơ tử vong vì nút chai sâm banh hơn là bị rắn cắn chết. Và trên toàn nước Mỹ, số người mất mạng vì những chiếc máy bán hàng đểu nhiều hơn số người chết do gấu tấn công. Vấn đề là chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng những chuyện thế có thể xảy ra. Theo trực giác, chúng ta thường lùi lại khi gặp rắn chứ không phải khi thấy máy bán hàng tự động, và mặc dù ngành hàng không dân dụng đã vận hành vô cùng an toàn suốt hàng chục năm nay, chúng ta vẫn có một cảm giác rất sai lầm rằng đi xe an toàn hơn đi máy bay.
Đó chính là khuynh hướng thận trọng quá mức của con người. Đối với tổ tiên chúng ta, lo lắng là một đức tính tốt. Thà nhầm tảng đá với con gấu rồi bỏ chạy còn hơn là nhầm con gấu với tảng đá rồi đứng yên một chỗ. Thiên kiến nhận thức liên quan tới nỗi sợ hãi không phải lúc nào cũng xấu.
Vậy đâu là những điều chúng ta phải lo lắng trong tương lai? Những thử thách rõ ràng nhất nằm ở lĩnh vực sinh học. Chúng ta sẽ rất khó ngăn cản một ai đó sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra mầm bệnh. Việc chỉnh sửa gien theo công nghệ CRISPR đã trở nên rất dễ dàng và không hề tốn kém, chỉ cần một bộ dụng cụ có giá khoảng 100 đô la là học sinh cấp hai đã có thể thực hành chỉnh sửa gien để khiến men chuyển sang màu đỏ.
Những mầm bệnh hiện tại đã đủ tệ rồi, nếu người ta cứ điều chỉnh mỗi thứ một chút, sớm muộn gì cũng có một thứ khủng khiếp hơn được tạo ra. Rất có khả năng là một loại vũ khí mang tính chủng tộc sẽ được tạo ra, tức là một mầm bệnh có thể tác động không đồng đều lên các chủng tộc khác nhau.
Hơn nữa, dù xuất phát từ ý định tốt thì việc hiệu chỉnh con người vẫn có thể mang lại những rủi ro về mặt sinh học và ảnh hưởng đến sự sống còn của các loài khác, đồng thời gây ra những thử thách về văn hóa. Cuối cùng, chúng ta cũng nên lưu tâm đến những thách thức sâu xa hơn liên quan đến sinh học. Chúng ta đã phát triển được những khái niệm về quyền con người vì những gì làm nên con người là quá rõ ràng. Nhưng còn những chuyện như nhân bản con người để lấy nội tạng thì sao?
Chẳng có con gấu nào chờ chúng ta
Bộ phim Gattaca (Công nghệ gien) đã vẽ nên một bức tranh sống động về một tương lai có những người có gien di truyền và những người không có. Có thể chúng ta sẽ phát minh ra một loại chủ nghĩa mới như chủ nghĩa di truyền, theo đó một số người sẽ được cho là vượt trội hơn những người khác, không chỉ về khả năng mà còn về đạo đức. Điều gì sẽ xảy ra nếu một người nào đó tìm đến bác sĩ và trả một khoản phí để nâng cấp bộ gien của mình?
Danh sách này có thể tiếp tục kéo dài. Trong đó có tình trạng kháng thuốc kháng sinh, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, hoặc một vụ va chạm điện mặt trời khiến cho tất cả vệ tinh trên trời và một nửa số thiết bị điện tử trên hành tinh này bị hư hỏng. Trong đó còn có tình trạng khan hiếm nước, các quốc gia bất hảo sở hữu vũ khí hạt nhân và những nhà lãnh đạo điên rồ. Ngoài ra, vẫn còn có những chính quyền yếu kém, tin tức bị bóp méo, dữ kiện giả và rất nhiều hành động quá quắt. Trên mạng, các cuộc trò chuyện dường như luôn bị nhấn chìm trong những lời cay độc. Nền chính trị dựa trên bản sắc ngày càng phát triển khi ngày càng nhiều người tự đặt mình vào các bong bóng nhận thức, cách ly bản thân khỏi những người có thể sẽ tìm ra lý lẽ hợp lý để phản biện những giá trị họ đề cao.
Nhưng như người ta thường nói, mọi thứ chưa dừng lại ở đó, chúng ta vẫn còn bị khủng bố, bất bình đẳng thu nhập, khủng hoảng tị nạn và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Đôi khi, thế giới ngày nay giống như là đang bùng cháy trong một mớ hỗn độn, hoàn toàn mất phương hướng. Khi đọc về tất cả những điều tồi tệ như vậy, ngay cả những người lạc quan cũng không khỏi bồn chồn. Tuy nhiên, hãy lùi lại một bước và bạn sẽ nhận ra những điều tồi tệ đó không đáng vào đâu so với những gì con người đã vượt qua trên hành trình từ man rợ đến văn minh: khi con người tạo ra lửa và phát triển ngôn ngữ; phát minh ra nông nghiệp, xây dựng; rồi tạo ra bánh xe và chữ viết...
Trong quá khứ, dân số loài người từng giảm thấp đến mức chỉ còn chừng 1.000 cặp nam nữ. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng con số này thật ra chỉ có vài trăm. Con người từng là loài có nguy cơ tuyệt chủng, phải đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Hãy tưởng tượng khả năng sống còn của con người lúc đó mong manh như thế nào. Loài người từng vượt qua những mối đe dọa tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta đang đối mặt.
Chẳng có con gấu nào đang chờ chúng ta ở phía trước, đó chỉ là một tảng đá chắn đường mà chúng ta có thể trèo qua thôi.