Larry Hogan, Thống đốc bang Maryland (Mỹ), hôm 6.12 đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm sử dụng ứng dụng TikTok, WeChat, Kaspersky trên các thiết bị và mạng của chính quyền bang.
Lệnh cấm của Larry Hogan bao gồm nhiều sản phẩm, nền tảng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga vì ông cho biết chúng gây ra "mức độ rủi ro an ninh mạng không thể chấp nhận được với bang".
Các cơ quan hành pháp của bang Maryland phải xóa những sản phẩm này khỏi mạng của bang và ngăn chặn truy cập.
TikTok cho biết những lo ngại dẫn đến lệnh cấm của bang phần lớn là do thông tin sai lệch.
“Chúng tôi rất thất vọng vì nhiều cơ quan bang, văn phòng và trường đại học đang sử dụng TikTok để xây dựng cộng đồng và kết nối với cử tri sẽ không còn quyền truy cập vào nền tảng của chúng tôi nữa”, công ty cho biết hôm 6.12.
Chỉ thị của ông Larry Hogan cũng áp dụng với Huawei Technologies, ZTE Corp, WeChat, QQ và QQ Wallet của Tencent Holdings, các sản phẩm Alibaba và Kaspersky Lab (Nga).
Brendan Carr, thành viên đảng Cộng hòa của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FFC), đã ca ngợi hành động của Larry Hogan mà ông nói sẽ "bảo vệ Maryland khỏi các mối đe dọa do các tác nhân nước ngoài ác ý gây ra".
Thống đốc Nam Dakota - Kristi Noem tuần trước đã ký một lệnh hành pháp cấm nhân viên và nhà thầu bang này cài đặt hoặc sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của bang.
Hôm 5.12, Thống đốc Nam Carolina - Henry McMaster đã yêu cầu một cơ quan bang cấm TikTok khỏi smartphone và máy tính của chính quyền bang này.
Tháng trước, Giám đốc FBI - Chris Wray cho biết các hoạt động của TikTok tại Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về an ninh quốc gia, đánh dấu nguy cơ chính phủ Trung Quốc có thể khai thác ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này để tác động đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.
Christopher Wray nói với các nhà làm luật rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để kiểm soát dữ liệu hoặc phần mềm của hàng triệu người dùng và thuật toán đề xuất của ứng dụng (xác định video nào mà người dùng sẽ xem tiếp theo) có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng nếu họ muốn.
“Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty Trung Quốc được yêu cầu về cơ bản làm bất cứ điều gì mà chính phủ muốn họ làm về chia sẻ thông tin hoặc phục vụ như một công cụ của chính phủ Trung Quốc. Đó là lý do cực kỳ đáng lo ngại”, Christopher Wray nói với Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện.
FBI đã chuyển các quan ngại của mình tới Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các thương vụ mua lại của Mỹ bởi các công ty nước ngoài vì những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia.
Chris Wray nói thêm rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng TikTok để "kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị", tạo cơ hội để "thỏa hiệp về mặt kỹ thuật" với các thiết bị đó.
TikTok cũng bị nhắm mục tiêu bởi các đảng viên Cộng hòa, những người nói rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng của họ như lịch sử duyệt web và vị trí.
Các lực lượng vũ trang Mỹ cũng cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này trên các thiết bị quân sự.
Theo báo cáo gần đây từ tổ chức phi lợi nhuận Global Witness và nhóm An ninh mạng vì Dân chủ (the Cybersecurity for Democracy) tại Trường đại học New York, TikTok phải vật lộn để phát hiện các quảng cáo chứa thông tin sai lệch trắng trợn về các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Hôm 22.11, các thành viên đảng Cộng hòa, những người sẽ thiết lập chương trình nghị sự cho Hạ viện vào năm tới, đã hướng sự tập trung vào TikTok vì lo ngại công ty có thể đánh lừa Quốc hội về lượng dữ liệu người dùng mà họ chia sẻ với Trung Quốc.
Cathy McMorris Rodgers (đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện) và James Comer (đảng viên đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Giám sát) đã gửi thư cho TikTok để nói rằng thông tin được cung cấp trong cuộc họp nhân viên công ty này dường như không chính xác.
"Một số thông tin mà TikTok cung cấp trong cuộc họp giao ban nhân viên dường như không đúng sự thật hoặc gây hiểu lầm, gồm cả việc TikTok không theo dõi vị trí của người dùng ở Mỹ", các nhà làm luật của đảng Cộng hòa cho biết trong bức thư gửi cho Giám đốc điều hành TikTok - Shou Zi Chew hôm 22.11.
Trong số các câu hỏi khác, các nhà làm luật yêu cầu TikTok cung cấp bản thảo của bất kỳ thỏa thuận nào đang được thương lượng với chính quyền Biden để cho phép ứng dụng chia sẻ video ngắn này tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi đầu tháng 11, đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1.2023.
Bức thư có thể là một dấu hiệu của sự giám sát chặt chẽ mà đảng Cộng hòa dự định áp dụng cho các công ty Trung Quốc, gồm cả TikTok, mục tiêu của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận kéo dài về an ninh quốc gia. Ngoài ra, ứng dụng này trở thành chìa khóa để tiếp cận các cử tri trẻ tuổi, vốn ngày càng tránh xa các mạng xã hội như Facebook và Twitter.
Chính quyền Biden đang cân nhắc đề xuất cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ dưới quyền sở hữu của ByteDance. Thỏa thuận này sẽ gồm cả việc định tuyến lưu lượng truy cập của người dùng Mỹ thông qua các máy chủ Oracle Corp và công ty phần mềm Mỹ nổi tiếng này kiểm tra các thuật toán của ứng dụng.
Tuy nhiên, nỗ lực đã bị đình trệ vì lo ngại TikTok sẽ vẫn là một mối đe dọa, với việc nhiều nghị sĩ dự kiến sẽ chỉ trích bất kỳ thỏa thuận nào mà không có lệnh cấm ứng dụng này hoàn toàn hoặc bán TikTok cho một công ty Mỹ.
Quốc hội đang cân nhắc luật sẽ chính thức cấm TikTok khỏi tất cả smartphone của chính phủ Mỹ.
Hai nhà làm luật có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa viết trên tờ The Washington Post rằng TikTok nên bị cấm hoàn toàn ở Mỹ. Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida), Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ nghị sĩ Mike Gallagher (bang Wisconsin) cho biết đã lên kế hoạch đưa ra luật cấm TikTok cùng những nền tảng khác “được kiểm soát hiệu quả bởi chính phủ Trung Quốc”.
Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan giám sát các hoạt động phản gián ở Mỹ, từ lâu đã đưa ra những lo ngại về TikTok.
Quan chức số 2 của Bộ Tư pháp Mỹ, Phó Tổng chưởng lý Lisa Monaco, đã bày tỏ mối quan ngại riêng rằng thỏa thuận do chính quyền Biden thiết kế không đi đủ xa để giữ an toàn cho dữ liệu của người dùng Mỹ trước các tác nhân Trung Quốc, trang Bloomberg đưa tin.
Vào năm 2020, CFIUS, cơ quan xem xét việc nước ngoài mua lại tài sản của Mỹ để tìm rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn, đã ra lệnh cho ByteDance thoái vốn khỏi TikTok vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng Mỹ có thể được chuyển cho Trung Quốc.
CFIUS và TikTok trong nhiều tháng đã tìm cách đạt được thỏa thuận an ninh quốc gia để bảo vệ dữ liệu hơn 100 triệu người dùng Mỹ của TikTok nhưng các nguồn tin cho biết có vẻ như sẽ không đạt được thỏa thuận trước tháng 1.2022.
Giám đốc vận hành TikTok - Vanessa Pappas nói với các nhà làm luật hồi tháng 9 rằng TikTok đang đạt được tiến bộ để đạt được thỏa thuận cuối cùng với chính phủ Mỹ.
Cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 cố gắng chặn người dùng mới của Mỹ tải xuống WeChat và TikTok, điều này lẽ ra đã chặn việc sử dụng hai ứng dụng này ở Mỹ một cách hiệu quả, nhưng đã thua trong một loạt vụ kiện tụng.
Vào tháng 6.2021, Tổng thống Joe Biden đã rút lại sắc lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách cấm tải xuống TikTok và chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ tiến hành xem xét các mối lo ngại về bảo mật do ứng dụng gây ra.