Quận Thủ Đức đang đứng đầu TP.HCM về số vụ vi phạm trật tự xây dựng, riêng phường Hiệp Bình Chánh đã có 129 vụ. Đứng sau quận Thủ Đức là quận 9 có 111 vụ, quận 12 có 100 vụ.

Thủ Đức, quận 9 đứng đầu về nạn xây dựng không phép, sai phép

13/12/2019, 07:35

Quận Thủ Đức đang đứng đầu TP.HCM về số vụ vi phạm trật tự xây dựng, riêng phường Hiệp Bình Chánh đã có 129 vụ. Đứng sau quận Thủ Đức là quận 9 có 111 vụ, quận 12 có 100 vụ.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm sau 4 tháng thực hiện chỉ thị 23 - Ảnh: Internet

Thông tin này được Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết tại hội nghị sơ kết việc thực hiện chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Hòa Bình, sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện chỉ thị số 23 và kế hoạch số 3333, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi thực hiện chỉ thị số 23 là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân 5,4 vụ/ngày. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 (8,5 vụ/ngày), thì số vụ vi phạm giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9%.

Tuy nhiên, hiện chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm còn tồn đọng từ trước, tỷ lệ thực hiện chưa cao. Đáng chú ý, có 5 địa phương gia tăng tình trạng xây dựng sai phép, không phép là các quận: 1, 4, 11 và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

Địa phương có số vụ vi phạm trật tự xây dựng cao nhất là quận Thủ Đức với 144 vụ, tiếp theo là quận 9 có 111 vụ, quận 12 có 100 vụ, quận 2 có 59 vụ… Báo cáo của UBND quận Thủ Đức cho thấy, các công trình vi phạm tập trung ở phường Hiệp Bình Chánh gồm 82 công trình không phép và 47 công trình sai phép.

Ông Bình cho biết hiện nay, lực lượng tham mưu cho UBND quận huyện thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng chưa được quy định cụ thể nên còn nhiều khó khăn về nhân sự và chỉ đạo điều hành. Việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc khó thực hiện.

Đặc biệt, việc không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm...

Trước tình trạng này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận, huyện có số vụ xây dựng sai phép, trái phép tăng hoặc không giảm, sau hội nghị cần có sự thảo luận sâu hơn.

Cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong chấp hành pháp luật; phải suy nghĩ giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, nhất là nhu cầu về chỗ ở chính đáng của người dân. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy của các đơn vị có số vụ vi phạm trật tự xây dựng tăng thêm rà soát ngay để bước sang năm 2020 không còn quận, huyện nào tình trạng vi phạm tăng hơn 2019.

Ông Nhân cũng đề nghị UBND TP cho UBND quận, huyện tạm ứng kinh phí thực hiện việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng để cơ sở chủ động triển khai. Sở Xây dựng cố gắng trước 31.12.2019 đưa sổ tay hướng dẫn về xây dựng xuống tất cả các phường và đưa lên trang tin điện tử của Sở. Hướng dẫn về niêm yết giấy phép xây dựng và từ tháng 1.2020 tất cả các giấy phép xây dựng quận, huyện cấp đều nằm trên trang tin điện tử quận, huyện. Ngoài ra, Sở Xây dựng cần sớm cấp mã code để rà soát giấy phép xây dựng thật hay giả giúp người dân kiểm soát được.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn cho biết, người dân vi phạm về trật tự xây dựng chủ yếu là vì muốn chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không được. Nguyên nhân là do kế hoạch sử dụng đất không đồng bộ theo kỳ kế hoạch.

Người dân chủ yếu xây dựng sai phép, trái phép trên các khu vực quy hoạch công viên cây xanh, giao thông, đất công trình phúc lợi công cộng, đất xây dựng mới, đất xây dựng hỗn hợp… Sở đã thường xuyên phối hợp với UBND quận, huyện để báo cáo UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ nhưng việc này không đơn giản. Vì vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị UBND TP, Bộ Xây dựng sửa đổi văn bản luật liên quan đến chính sách nhà đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ Đức, quận 9 đứng đầu về nạn xây dựng không phép, sai phép