Các chuyên gia cho rằng việc thu hút FDI vào bất động sản (BĐS) vẫn còn một số trở ngại, đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thủ tục hành chính vô cùng phức tạp…

Thu hút FDI vào bất động sản và những trở ngại

Hoài Lam | 16/07/2023, 13:44

Các chuyên gia cho rằng việc thu hút FDI vào bất động sản (BĐS) vẫn còn một số trở ngại, đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thủ tục hành chính vô cùng phức tạp…

Bất động sản thu hút FDI

Từ năm 2010 đến nay, BĐS đứng thứ 2 thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỉ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực BĐS có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỉ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho rằng BĐS là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực BĐS giúp đa dạng hóa các loại hình BĐS tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, BĐS công nghiệp, nhà ở và chung cư cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS chăm sóc sức khỏe... đã tăng lên rõ rệt bên cạnh loại hình truyền thống như BĐS nhà ở”, ông Tuấn nêu.

bds-3.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT

Theo ông Tuấn, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư như chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng; vị trí địa lý thuận lợi…; ngoài ra Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài thuận lợi cho xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng; hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện.

Ngân hàng thế giới cũng nhận định, lợi thế về dân số trẻ có học thức cao của Việt Nam đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường BĐS có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

Theo CBRE, khi các nhà đầu tư quốc tế bàn luận về những thị trường mới nổi năng động nhất trên toàn cầu, họ thường nhắc tới Việt Nam. Có 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm đó là động lực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng nhanh.

Ông Vikram Kohli, Tổng giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á cho rằng, từ 2015 đến nay, hầu hết các thương vụ M&A giá trị lớn đều là các khu đất dự án BĐS, sau đó mới là các khách sạn và chung cư, văn phòng. Trong số đó, nhiều thương vụ M&A lớn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào BĐS, đứng đầu là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam”, ông Vikram Kohli nói.

Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ trong việc giảm bớt rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng cũng góp phần giúp cho triển vọng của nền kinh tế được tươi sáng hơn, thúc đẩy nhu cầu về BĐS và giúp Việt Nam tiếp tục nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng kinh tế với các quốc gia cùng đang được xếp hạng tín nhiệm BB.

Vướng mắc lớn từ hệ thống pháp lý

Theo các chuyên gia, hiện nay việc thu hút FDI vào BĐS tại Việt Nam vẫn còn một số trở ngại.

bds-2.png
GS Nguyễn Mại chỉ ra nhiều vướng mắc lớn trong thu hút FDI

GS Nguyễn Mại cho rằng những vướng mắc lớn có thể kể đến là hệ thống pháp luật về thị trường BĐS chưa đồng bộ, không kịp thời hoàn thiện như quy định về condotel, officetel; thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đấu thầu vô cùng phức tạp; tín dụng BĐS và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư xanh vào BĐS.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng một số dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội.

“Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; tín dụng BĐS và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ… sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực BĐS trong thời gian tới”, ông Tuấn nêu.

Thách thức không nhỏ nhưng cơ hội rất lớn

GS Nguyễn Mại lưu ý cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường BĐS, đặc biệt là loại hình BĐS mới (thành phố thông minh, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...) phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách tài chính, tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”, ông Mại nêu.

Ông Mại cũng nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch ngành, vùng và địa phương, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho kinh tế xanh, kinh tế số, tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, đồng thời đề cao trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư đối với tăng trưởng xanh, kinh tế số phù hợp với định hướng của nhà nước Việt Nam.

bds-1.jpg
BĐS đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam

“Phía trước chúng ta là thách thức không nhỏ, nhưng cơ hội là rất lớn. Bối cảnh này đòi hỏi phải tư duy và hành động sáng tạo để vượt qua thách thức, biến cơ hội thành hiện thực phát triển nhanh hơn và có hiệu quả hơn thị trường BĐS theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải nhà kính”, ông Mại nêu.

Để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng Việt Nam cần tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường BĐS, đặc biệt là loại hình bất động sản mới.

Ngoài ra, cần điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.

Bài liên quan
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hút FDI vào bất động sản và những trở ngại