Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã cho thấy tiềm năng về phương pháp tiếp cận mới nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng 4G và 5G hiện có lên 6G, thế hệ công nghệ truyền thông tiếp theo, theo truyền thông nhà nước.
Nhịp đập khoa học

Thử nghiệm 6G thông minh ở Trung Quốc có mở đường cho công nghệ truyền thông thế hệ mới?

Sơn Vân 22:59 13/07/2024

Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã cho thấy tiềm năng về phương pháp tiếp cận mới nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng 4G và 5G hiện có lên 6G, thế hệ công nghệ truyền thông tiếp theo, theo truyền thông nhà nước.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh cho biết đã đạt được mục tiêu thông qua “tích hợp thông minh” trong một mạng thử nghiệm được hãng thông tấn Tân Hoa Xã mô tả là đầu tiên trên thế giới. Tân Hoa Xã dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết mạng này cũng đã đạt được sự cải thiện đáng chú ý gấp 10 lần về các số liệu truyền thông quan trọng, gồm dung lượng, phạm vi phủ sóng và hiệu quả.

Công nghệ không dây thế hệ thứ sáu (6G) được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa truyền thông với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn tới 50 lần so với 5G. Độ trễ trong việc gửi và nhận thông tin dự kiến sẽ giảm xuống còn 1/10 so với thế hệ trước đó.

6G cũng được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn 5G về tốc độ dữ liệu cao nhất, số lượng kết nối, tính di động, hiệu suất phổ tần và khả năng định vị.

Liên minh Viễn thông Quốc tế (cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc) cho biết 6G ​​có thể thúc đẩy phát triển của hàng loạt sự tiến bộ, cho phép truyền thông trở nên sống động và kết nối trở nên toàn diện.

Song với việc công nghệ truyền thông hiện tại đã đạt đến giới hạn băng thông lý thuyết, có hàng loạt vấn đề lớn cần phải khắc phục, gồm khó khăn trong việc tăng dung lượng, chi phí phủ sóng cao và mức tiêu thụ năng lượng lớn.

Cách tiếp cận thông thường để khắc phục những hạn chế này là xếp chồng nhiều tài nguyên hơn để tăng hiệu suất của mạng truyền thông. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng đáng kể độ phức tạp của mạng.

Tiết lộ về nghiên cứu của nhóm mình tại hội nghị ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), Giáo sư Zhang Ping nói rằng để tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực này, công nghệ phải chuyển từ “đổi mới xếp chồng” sang “đổi mới đột phá”. Trong trường hợp này, đổi mới là áp dụng công nghệ truyền thông ngữ nghĩa. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tiềm năng của công nghệ này trong việc làm cho hệ thống truyền tải hiệu quả hơn và cắt giảm chi phí xử lý thông tin.

1. Đổi mới xếp chồng (stacked innovation) là phương pháp tiếp cận truyền thống để phát triển công nghệ mới bằng cách thêm vào các tính năng, chức năng hoặc cải tiến mới trên nền tảng công nghệ hiện có. Cách tiếp cận này giống như việc xếp chồng các khối lego lên nhau, mỗi khối đại diện cho một lớp cải tiến mới.

Ưu điểm của đổi mới xếp chồng

- Dễ dàng thực hiện: Việc xây dựng dựa trên nền tảng hiện có thường đơn giản và ít tốn kém hơn so với việc phát triển một công nghệ hoàn toàn mới.

- Giảm thiểu rủi ro: Sử dụng các công nghệ đã được thử nghiệm và kiểm chứng giúp giảm thiểu nguy cơ thất bại.

- Nhanh chóng đưa ra thị trường: Các sản phẩm hoặc dịch vụ mới có thể được phát triển và đưa ra thị trường nhanh hơn bằng cách sử dụng đổi mới xếp chồng.

Một số nhược điểm của đổi mới xếp chồng

- Có thể dẫn đến phức tạp: Việc thêm nhiều lớp cải tiến mới có thể khiến hệ thống trở nên phức tạp và khó quản lý.

- Hạn chế khả năng đổi mới đột phá: Đổi mới xếp chồng thường chỉ tập trung vào việc cải thiện các công nghệ hiện có, thay vì tạo ra những đột phá mới.

- Có thể bị lỗi thời: Nếu nền tảng công nghệ hiện có trở nên lỗi thời, các sản phẩm hoặc dịch vụ được xây dựng dựa trên nó cũng sẽ trở nên lỗi thời.

Ví dụ về đổi mới xếp chồng

- Smartphone: Mỗi thế hệ smartphonemới thường có thêm nhiều tính năng và chức năng mới so với thế hệ trước, chẳng hạn như camera tốt hơn, màn hình lớn hơn...

- Mạng xã hội: Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, X liên tục bổ sung các tính năng mới để thu hút người dùng và duy trì sự tham gia của họ.

- Ô tô: Các nhà sản xuất ô tô thường xuyên giới thiệu các mẫu xe mới với các cải tiến về hiệu suất, nhiên liệu và tính năng an toàn.

Đổi mới xếp chồng là một phương pháp tiếp cận có giá trị để phát triển công nghệ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận thức được cả ưu điểm và nhược điểm của đổi mới xếp chồng để sử dụng nó một cách hiệu quả.

Ngoài đổi mới xếp chồng, còn có một phương pháp tiếp cận khác để phát triển công nghệ mới gọi là đổi mới đột phá (disruptive innovation). Đổi mới đột phá tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới hoàn toàn có khả năng thay thế hoàn toàn các sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có.

2. Truyền thông ngữ nghĩa (semantic communication) là phương pháp truyền thông thông minh tập trung vào việc truyền tải ý nghĩa thay vì chỉ truyền tải dữ liệu thô. Trong truyền thông ngữ nghĩa, hệ thống không chỉ đơn thuần là gửi và nhận dữ liệu mà còn cố gắng hiểu và truyền tải ý nghĩa thực sự của thông tin đó.

Các yếu tố chính của truyền thông ngữ nghĩa gồm:

- Hiểu ngữ cảnh: Hệ thống phải có khả năng hiểu ngữ cảnh của thông tin được truyền tải. Điều này có thể liên quan đến việc phân tích ngữ cảnh, nội dung và ý định của người gửi.

- Truyền tải ý nghĩa: Thay vì gửi toàn bộ dữ liệu, hệ thống chỉ gửi những phần thông tin cần thiết để người nhận có thể hiểu đúng ý nghĩa. Điều này giúp giảm bớt lượng dữ liệu cần truyền tải và tăng hiệu suất truyền thông.

- Sử dụng AI: AI và học máy thường được sử dụng để phân tích, hiểu và xử lý thông tin một cách thông minh. AI có thể giúp hệ thống xác định những thông tin quan trọng và loại bỏ những thông tin không cần thiết.

- Tối ưu hóa hiệu suất: Bằng cách tập trung vào ý nghĩa thay vì dữ liệu thô, truyền thông ngữ nghĩa có thể cải thiện hiệu suất của hệ thống truyền thông, giảm chi phí xử lý thông tin và tiêu thụ năng lượng.

Trong bối cảnh của 6G, truyền thông ngữ nghĩa được kỳ vọng sẽ làm cho các hệ thống truyền thông trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn và có khả năng xử lý thông tin phức tạp hiệu quả.

Theo Tân Hoa Xã, mạng thử nghiệm của nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho thấy truyền thông ngữ nghĩa có thể đạt được khả năng truyền dẫn 6G trên cơ sở hạ tầng 4G hiện có.

Giáo sư Zhang Ping cho biết sự tích hợp sâu sắc giữa truyền thông và trí thông minh là “một hướng quan trọng” trong sự phát triển của công nghệ truyền thông. AI sẽ biến đổi hoạt động truyền thông và 6G cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của AI, ông nói tại hội nghị do Viện Truyền thông Trung Quốc tổ chức.

Zhang Ping cho biết: “AI sẽ cải thiện nhận thức và hiểu biết ngữ nghĩa về truyền thông. Trong khi truyền thông phổ biến của 6G sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận AI đến mọi ngóc ngách của mọi lĩnh vực. Sự tích hợp của cả hai sẽ đẩy nhanh việc hình thành các hình thức kinh doanh mới của nền kinh tế kỹ thuật số”.

thi-nghiem-6g-thong-minh-o-trung-quoc-co-mo-duong-cho-cong-nghe-truyen-thong-the-he-tiep-theo.jpg
Theo kết quả của một mạng thử nghiệm, cơ sở hạ tầng 4G và 5G hiện tại có tiềm năng nâng cấp lên 6G - Ảnh: Shutterstock

Cuộc đua đang diễn ra trên khắp thế giới để phát triển thế hệ công nghệ truyền thông tiếp theo.

Trung Quốc đang nỗ lực thương mại hóa 6G vào khoảng năm 2030, với các tiêu chuẩn 6G dự kiến ​​sẽ được áp dụng vào năm tới.

Cuối tháng 2, Mỹ và 9 quốc gia khác đã đặt ra một bộ nguyên tắc cho hệ thống liên lạc 6G, gồm cả việc chúng được phát triển bằng “công nghệ đáng tin cậy để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tuyên bố được đưa ra bởi Mỹ, Úc, Canada, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Anh. Điều này nhấn mạnh việc tạo ra các công nghệ an toàn, linh hoạt và bảo vệ quyền riêng tư tuân thủ những tiêu chuẩn toàn cầu.

10 nước này kêu gọi sự đổi mới mở, được củng cố bởi hợp tác quốc tế, để đảm bảo 6G có giá cả phải chăng, bền vững và có thể truy cập được trên toàn thế giới, kể cả ở các quốc gia đang phát triển.

Tuyên bố này nhấn mạnh mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái 6G an toàn, toàn diện và bền vững, đồng thời cho biết “sự hợp tác và thống nhất là điều cần thiết trong việc giải quyết những thách thức quan trọng mà chúng ta gặp phải trong quá trình phát triển công nghệ 6G”.

Trong 10 quốc gia nêu trên, một số nơi đặt trụ sở các công ty viễn thông lớn như AT&T ở Mỹ, Nokia tại Phần Lan, Ericsson ở Thụy Điển và Samsung Electronics tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, danh sách đáng chú ý này không có Trung Quốc.

Một nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường IDC coi động thái này là nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển 6G của Trung Quốc, nhưng cho rằng điều này có thể không hiệu quả.

Nhà phân tích giấu tên lưu ý rằng 6G vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu trên toàn thế giới và cho biết quỹ đạo của nó sẽ phụ thuộc vào cách thức phát triển các hoạt động thương mại cùng nguyên tắc công nghệ.

Nhà nghiên cứu từ một trường đại học Trung Quốc (từ chối nêu tên) cho biết quy mô thị trường nơi công nghệ đang được phát triển cũng là một yếu tố. Ông nói Trung Quốc có lợi thế đặc biệt nhờ lượng người dùng khổng lồ so với các quốc gia có dân số nhỏ hơn, chẳng hạn Úc.

Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể về lĩnh vực truyền thông không dây, âm thầm tiến lên vị trí dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G. Cường quốc châu Á này dẫn đầu thế giới về số lượng trạm cơ sở, thiết bị kết nối và sở hữu bằng sáng chế, đánh dấu bước nhảy vọt lớn so với vị thế của mình trong thời kỳ 3G và điều chỉnh tốc độ phát triển của mình theo các tiêu chuẩn toàn cầu vào thời 4G.

Nhà nghiên cứu giấu tên nói động thái đó từ 10 quốc gia khó có thể cản trở tiến trình phát triển hệ thống truyền thông không dây 6G của Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng những gã khổng lồ công nghệ nước này, chẳng hạn Huawei, sẽ có chiến lược độc lập cho 6G.

Nhật Bản có kế hoạch thiết lập các công nghệ then chốt vào khoảng năm 2025 và bắt đầu cung cấp các dịch vụ truyền thông vượt xa 5G trong 2030, với sự hợp tác của các công ty như NTT Docomo và Sony.

Bài liên quan
Trung Quốc tiến gần hơn tới mạng 6G sau thử nghiệm công nghệ truyền thông vệ tinh mới
Thành tựu quan trọng về thiết bị liên lạc có thể mở đường cho internet vệ tinh, một phần đáng chú ý trong việc phát triển mạng 6G, vừa được nhóm các nhà khoa học ở Trung Quốc công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại
2 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thử nghiệm 6G thông minh ở Trung Quốc có mở đường cho công nghệ truyền thông thế hệ mới?