Theo một báo cáo gần đây, thị trường 5G đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung gần 260 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2030, với số lượng kết nối 5G chiếm gần 1/3 tổng số toàn cầu.
Nhịp đập khoa học

Thị trường di động sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1.100 tỉ USD vào 2030, Trung Quốc đầu tư mạnh vào 5.5G và 6G

Sơn Vân 29/03/2024 14:24

Theo một báo cáo gần đây, thị trường 5G đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung gần 260 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2030, với số lượng kết nối 5G chiếm gần 1/3 tổng số toàn cầu.

Ngành công nghiệp di động đã đóng góp tới 5,5% GDP của Trung Quốc vào năm 2023 và trong mỗi năm tiếp theo cho đến năm 2030, gần 1/4 đóng góp đó sẽ đến từ 5G (công nghệ di động cao cấp nhất hiện tại), theo kết quả một nghiên cứu của Hiệp hội Di động Toàn cầu (GSMA).

Viễn thông là ngành trụ cột hỗ trợ hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, nguồn tăng trưởng tiềm năng nhất trong tương lai giữa bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi cơ cấu và sự cạnh tranh công nghệ khốc liệt với Mỹ.

Nhìn chung, đóng góp của thị trường di động cho nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt khoảng 1.100 tỉ USD vào năm 2030, GSMA cho hay.

Trong báo cáo The Mobile Economy China 2024 (Nền kinh tế di động Trung Quốc năm 2024), GSMA cho biết toàn bộ lĩnh vực di động của nước này đến nay đã cung cấp tổng cộng gần 8 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời tạo ra 110 tỉ USD tiền thuế chỉ riêng trong năm 2023.

Những thông tin từ GSMA phù hợp với sự bùng nổ được dự đoán trong lĩnh vực này, khi Trung Quốc cố gắng cải tổ nền kinh tế của mình thông qua việc áp dụng và phát triển các công nghệ mới – lĩnh vực có khả năng thúc đẩy tăng trưởng và đóng vai trò là phương thuốc cho thị trường bất động sản đang suy yếu, dân số già đi nhanh chóng và những bất ổn về địa chính trị.

GSMA cho biết việc áp dụng 5G ở Trung Quốc “đang tăng nhanh hơn dự đoán do tốc độ triển khai mạng và hệ sinh thái thiết bị đang trưởng thành”, đồng thời dự đoán số lượng kết nối 5G sẽ vượt 1,6 tỉ vào năm 2030, chiếm gần 1/3 tổng số toàn cầu.

Vào cuối năm 2023, số người dùng 5G của Trung Quốc đã lên tới 810 triệu, tỷ lệ sử dụng là 45% trên tổng số người dùng thiết bị di động. Chỉ có Mỹ và Hàn Quốc xếp hạng cao hơn Trung Quốc.

Trung Quốc có số lượng người sử dụng điện thoại di động nhiều nhất thế giới. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, tính đến cuối năm 2023, cứ 100 người dân Trung Quốc thì có đến 122,5 chiếc điện thoại di động. Ngoài ra, đến cuối năm 2023, số lượng trạm gốc 5G ở Trung Quốc là gần 3,38 triệu, tăng 46% so với năm 2022.

Trong báo cáo công việc của chính phủ được đưa ra hồi đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa đổi mới kỹ thuật số, cho rằng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nước này cần "được xây dựng vượt kế hoạch một cách hợp lý".

GSMA cho biết: “Trung Quốc tiếp tục đặt ra tốc độ cho các tiêu chuẩn công nghệ 5G tiên tiến”, đồng thời nói thêm các nhà khai thác của nước này đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi sang mạng 5.5G (5G-Advanced) và 5G ReCap.

Mạng 5.5G là bản nâng cấp của 5G. Nó sẽ mang lại tốc độ tăng gấp 10 lần so với các mạng 5G cũng như độ trễ thấp hơn và mức tiêu thụ điện năng ít hơn cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp. Xét về tốc độ, 5.5G vượt trội so với 5G khi đạt tốc độ tải xuống 10 GB/giây, tải lên 1 GB/giây. Trong kỷ nguyên dữ liệu khổng lồ được đưa lên đám mây, tính năng livestream trở nên phổ biến và công nghệ 3D trở nên phổ biến, 5.5G được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng ở nhiều ngành khác nhau. Trong lĩnh vực IoT (internet vạn vật), 5.5G hỗ trợ 100 tỉ kết nối, nhiều gấp 10 lần 5G hiện tại.

Mạng 5G ReCap (hay 5G NR-Light) là phiên bản của 5G đáp ứng cho các trường hợp sử dụng ở phân khúc trung cấp. 5G ReCap cung cấp sự cân bằng giữa tốc độ truyền tải dữ liệu, thời lượng pin, độ phức tạp và mật độ thiết bị, giúp tiết kiệm chi phí cho các tình huống sử dụng đa dạng không cần đến hiệu suất cao như công nghệ 5G thông thường.

“Điều này được dự đoán sẽ khởi động một vòng đầu tư 5G mới vào năm 2024 và hơn thế nữa”, GSMA nhận định.

Đầu tư mạnh vào 5.5G và 6G

Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển thế hệ công nghệ di động 6G, một phần của cuộc đua toàn cầu nhằm đạt đến tầng kết nối tiếp theo.

Dù 6G vẫn chưa được chuẩn hóa chính thức nhưng China Mobile, nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao di động, đã công bố vào tháng trước rằng đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới để thử nghiệm kiến trúc 6G.

Dự kiến Trung Quốc bắt đầu triển khai mạng di động 6G từ năm 2030. Cuối năm 2020, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh thử nghiệm mang theo các ứng cử viên cho công nghệ 6G tiềm năng, với hy vọng xác minh hiệu suất của dải tần số 6G trong không gian.

Chính phủ Mỹ cũng đang có kế hoạch phát triển mạng 6G với hy vọng sẽ mang lại cho nước này lợi thế công nghệ trong tương lai. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại về những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông.

6G được kỳ vọng là nền tảng cho kỷ nguyên thông minh, không chỉ giúp con người tương tác với nhau mà còn giúp kết nối giữa thiết bị với thiết bị không có độ trễ nhờ khả năng truyền tải tốc độ cao. Song đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G.

3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, cũng chưa công bố lộ trình cho 6G.

Theo các chuyên gia trong ngành, mạng di động 6G dự kiến sẽ nhanh hơn và đáng tin cậy hơn 5G hiện tại, đồng thời cung cấp độ trễ thấp hơn và sử dụng phổ vô tuyến hiệu quả hơn. Các chuyên gia cho biết 6G sẽ hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu có thể lên đến một terabit/giây.

Các mạng này có khả năng sử dụng các công nghệ mới như sóng terahertz để cải thiện truyền thông không dây, giúp kích hoạt các ứng dụng như thực tế ảo độ nét cao, giao tiếp 3D thời gian thực và các tác vụ dữ liệu có độ phức tạp cao khác mà không thể thực hiện được với công nghệ hiện tại.

Ngành công nghiệp truyền thông di động thường tuân theo chu kỳ thế hệ 10 năm. Việc chuyển từ 4G sang 5G đã thay đổi trải nghiệm internet di động và ngành này đang mong đợi ứng dụng thương mại của thế hệ tiếp theo. Trong thời gian chờ đợi đó, 5.5G đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc.

Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế 3GPP, chịu trách nhiệm ban hành các thông số kỹ thuật, đã thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho 5.5G vào năm 2021.

“Bản cập nhật có tên Release 18 chỉ ra các hướng phát triển công nghệ cho 5.5G, dự kiến sẽ được 3GPP hoàn thiện vào nửa đầu năm 2024. Sự phát triển đó chỉ ra rằng những nhà cung cấp toàn cầu sẽ điều chỉnh sản phẩm của họ theo các tiêu chuẩn này, dự kiến 2024 sẽ là năm đầu tiên triển khai 5.5G thương mại”, theo Song Xiaodi, Giám đốc tiếp thị của Huawei Carrier Business Group.

Sự phát triển của công nghệ 5G rất nhanh chóng và rộng khắp. Đến nay, hơn 260 mạng 5G đã được triển khai trên toàn thế giới, phủ sóng gần một nửa dân số toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc đã nổi lên như nước dẫn đầu toàn cầu trong cả việc triển khai và phát triển thương mại 5G, đã thiết lập gần 3,38 triệu trạm gốc 5G và cung cấp dịch vụ 5G cho gần 810 triệu người dùng di động cùng hơn 17.000 nhà máy tính đến cuối năm 2023.

Trong giai đoạn 5.5G, các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tái hiện vị trí dẫn đầu về tốc độ xây dựng. Các công ty viễn thông lớn, gồm cả Huawei và China Unicom, đang nhanh chóng triển khai các tiêu chuẩn kỹ thuật này để cải thiện tốc độ mạng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy thông minh, nâng cấp công nghiệp.

Nhà phân tích Cui Kai của hãng IDC, chuyên về công nghệ 5G và Internet of Things (IoT), cho biết 5.5G về cơ bản đã tối ưu hóa việc xây dựng mạng 5G, mang lại những cải tiến đáng kể. Băng thông người dùng di động dự kiến sẽ tăng từ 1Gbps lên 10Gbps, độ trễ sẽ giảm đáng kể và những tiến bộ trong công nghệ IoT nhờ tối ưu hóa phổ tần cùng công nghệ khác sẽ giúp mang lại độ tin cậy cao và độ trễ thấp cho dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Sự phát triển công nghệ này không chỉ liên quan đến khoa học và kỹ thuật mà còn đáp ứng nhu cầu của người dùng.

“Trong tiến bộ khoa học, thường là các nhà khoa học là người tạo ra những đột phá mới và các kỹ sư đưa nó vào cuộc sống. Trong viễn thông, các kỹ sư tùy chỉnh thiết bị dựa trên nhu cầu của người dùng”, Cui Kai nói.

Trong khi 5G truyền thống tập trung vào ba yếu tố là băng thông, độ trễ và số lượng người dùng được kết nối, không phải cả ba đều cần được tối ưu hóa đồng thời. Với khả năng phân bổ phổ động (dynamic spectrum), 5.5G cho phép các trạm gốc mới chủ động phân phối lưu lượng, tối ưu hóa tài nguyên mạng cho từng người dùng và nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng.

Sự dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ 5G đã tạo ra nhiều ứng dụng thực tế và hữu ích trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Với công nghệ 5.5G, các ứng dụng này sẽ được cải thiện hơn nữa.

Bài liên quan
Tìm hiểu độ an toàn 6G, phát hiện bức xạ terahertz làm tăng sự phát triển tế bào não chuột
Các nhà khoa học quan sát sự phát triển nhanh chóng của tế bào thần kinh chuột sau khi loài gặm nhấm tiếp xúc với bức xạ liều thấp, ngắn từ sóng terahertz, chỉ ra phát hiện của họ có ý nghĩa với các thiết bị liên lạc trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21.11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến ngày 23.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường di động sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1.100 tỉ USD vào 2030, Trung Quốc đầu tư mạnh vào 5.5G và 6G