Chiều 3.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Thủ tướng: Phát huy tinh thần 'ngoại giao cây tre', tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác

L.H | 04/07/2023, 07:55

Chiều 3.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức.

thu-tuong1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhưng quy mô khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam đều bị thu hẹp, nhiều nơi giảm đến 50% nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không khuất phục, không bó tay trước khó khăn, thách thức để triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, khi lạm phát được kiểm soát và giảm dần qua các tháng, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).

Về trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế từ nay tới cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng lớn. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt và bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12.2021, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế.

Thủ tướng cho rằng cần phát huy tinh thần "ngoại giao cây tre", tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời phải bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng trên tinh thần chân thành, tin cậy, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe và thấu hiểu.

Nhắc lại tinh thần "không câu nệ, miễn là có hiệu quả cao nhất" như khi triển khai ngoại giao vắc xin trong thời kỳ dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngoại giao "lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu, đề cao đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương, người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, động lực".

Một định hướng lớn khác là ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo…); đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Các chủ trương phải đi liền với chính sách ưu đãi để thúc đẩy các lĩnh vực này.

thu-tuong2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế cần tranh thủ mọi cơ hội để thúc đẩy các động lực tăng trưởng - Ảnh: VGP

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; có chương trình, dự án có tính khả thi, rà soát, đôn đốc thường xuyên để đạt hiệu quả, kết quả cụ thể.

Nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...

Về xuất khẩu, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu chủ lực, các mặt hàng nông sản, rau củ quả đang có tiềm năng phát triển tốt, phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết, mở rộng mạng lưới FTA với các đối tác tiềm năng, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, thâm nhập vào các thị trường mới tiềm năng.

Cùng với đó, thúc đẩy thu hút FDI chất lượng cao, tranh thủ vốn ODA và vay ưu đãi, kêu gọi, thúc đẩy, thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, mở rộng vào Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực mới nổi như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, thúc đẩy du lịch với các chính sách visa, xuất nhập cảnh vừa được sửa đổi, tận dụng tối đa thời cơ du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ; thúc đẩy xuất khẩu lao động trong bối cảnh nhiều nước đang thiếu hụt lực lượng lao động sau dịch COVID-19.

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế thuộc Chương trình hành động của Chính phủ, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, nội dung kinh tế được thúc đẩy với 70 văn kiện được ký kết. Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 đã làm việc với 9 bộ, ngành, hơn 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn.

Bài liên quan
Thủ tướng Israel tuyên bố không sợ phán quyết từ Tòa án Hình sự quốc tế
Theo Reuters, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 26.4 tuyên bố bất cứ phán quyết nào do Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đưa ra đều không thể ảnh hưởng đến hành động của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Phát huy tinh thần 'ngoại giao cây tre', tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác