Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa được gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Theo đó, Chính phủ nhận định cung ứng điện giai đoạn cuối mùa khô 2023 vừa qua gặp khó khăn. Khu vực miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt luân phiên từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6.2023. Việc này đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân.
Vì thế, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt vừa qua để có hình thức xử lý theo đúng quy định.
Xác định cung ứng điện cho nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, Tập đoàn EVN, PVN, TKV và các bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và trong năm năm 2024.
Về kế hoạch cung ứng điện các tháng cuối năm nay và năm 2024, Thủ tướng lưu ý cần căn cứ vào tăng trưởng nền kinh tế để dự báo nhu cầu điện sát thực tế và cân đối cung - cầu điện, huy động nguồn lực của hệ thống (nguồn điện, lưới truyền tải, phân phối và nhập khẩu điện) để tối ưu giá sản xuất điện.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo thực hiện kế hoạch cung ứng điện, vận hành ổn định hệ thống và khắc phục nhanh các sự cố nguồn điện (nhất là nhiệt điện) trong nước.
Các tập đoàn EVN, PVN và TKV rà soát, cập nhật kế hoạch này, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam thiệt hại 1,4 tỉ USD vì đợt mất điện vừa qua tại các tỉnh phía bắc. Theo World Bank, miền Bắc đang gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung. Do nguồn điện khu vực này lệ thuộc chủ yếu vào thủy điện và nhiệt điện, chậm đầu tư hệ thống truyền tải, trong khi nhu cầu sử dụng tại miền Bắc tăng nhanh mỗi năm.
Báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 6, EVN cho biết nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng bình quân 10% một năm, tương đương 2.400 - 2.900 MW. Nhưng các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024 và 2025 lần lượt 780 MW và 1.620 MW, tức chỉ bằng 30 - 50% nhu cầu. Do đó, EVN cho rằng cung ứng điện cho miền Bắc tới 2025 vẫn gặp khó khăn, nhất là giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp.
EVN cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tập đoàn cũng đang tính toán, phân tích kịch bản và nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt hơn cung ứng điện các năm tới.