Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20.3 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế; không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp; giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Công điện của Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức...
Thực hiện việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý theo thẩm quyền phù hợp quy định…; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22.3.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho biết Nghị định 24 ra đời vào năm 2012 đã giúp ngăn chặn tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, ngăn chặn việc vàng được sử dụng như một loại tiền tệ.
Tuy nhiên, hiện nay, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước, chủ yếu nằm ở vàng miếng SJC, với giá vàng thế giới ở mức rất cao, có khi lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Do đó, cần phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với bối cảnh mới.
Ông Thịnh cho rằng vàng vẫn là mặt hàng cần được quản lý chặt, là ngành kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cần quản lý để vàng có sự liên thông hợp lý giữa thị trường trong nước và thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và chống vàng hoá nền kinh tế…
Theo đó, cần tiến tới bỏ độc quyền vàng miếng, để một số lượng doanh nghiệp nhất định được tham gia kinh doanh mặt hàng này dưới các quy định và sự giám sát chặt chẽ của pháp luật.
Chuyên gia Thịnh cũng ủng hộ vàng chứng chỉ. Ông cho rằng nên xây dựng các quy định phù hợp theo thông lệ thế giới, để người dân quen với giao dịch vàng chứng chỉ, giảm giao dịch vàng vật chất.
Lý giải hiện tượng sốt vàng thời gian vừa qua, PGS -TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng do lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tâm lý của đa phần người dân là tích trữ vàng và giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng, càng đẩy giá vàng lên cao.
Nêu giải pháp "hạ nhiệt" giá vàng và USD tại phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải triển khai đồng bộ loạt giải pháp mới ngăn chặn được tình trạng tăng liên tục của giá vàng.