Hai tháng nay, báo chí và mạng xã hội tràn ngập thông tin Covid 19 (Cô Vi). Ban đầu còn tò mò, theo dõi sít sao diễn biến. Giờ thành đại trà, hoa mắt, chẳng biết đọc gì. Cứ lơ đi cho lành và tìm đọc nhưng trang mục khác, nhẹ nhàng, giảm tress và thêm hiểu biết, không bổ ngang cũng bổ dọc.

Thú vui trong những ngày 'cách ly xã hội'

06/04/2020, 07:30

Hai tháng nay, báo chí và mạng xã hội tràn ngập thông tin Covid 19 (Cô Vi). Ban đầu còn tò mò, theo dõi sít sao diễn biến. Giờ thành đại trà, hoa mắt, chẳng biết đọc gì. Cứ lơ đi cho lành và tìm đọc nhưng trang mục khác, nhẹ nhàng, giảm tress và thêm hiểu biết, không bổ ngang cũng bổ dọc.

Lạ là mấy trang mục giải trí, nhất là mục du lịch qua các trang báo, lại bị cắt bớt hoặc tạm dừng, vô tình tạo tâm lý bất an. Cứ tưởng thông tin dịch bệnh càng chi tiết càng tốt nhưng ngược lại. Chỉ còn phim ti vi, youtube và truyện cười lên ngôi vì tạo sảng khoải, thêm tiếng cười, giảm căng thẳng.

Bây giờ, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội (có lẽ nên dùng từ “giãn cách xã hội”, chữ cách ly dễ nhầm “phong tỏa”) để chống dịch, nên thứ gì cũng online. Từ học hành, hội họp, khám chữa bệnh, ăn uống cho đến hẹn hò, yêu đương, tám chat…Chỉ duy nhất nhậu là khó online vì phải có không khí, mùi vị, giao tiếp trực tiếp mới ra nhậu. Không ai nhậu "mình ên".

"Giãn cách xã hội" khiến người ta phải giao tiếp online là nhiều - Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet

Đi làm cật lực chỉ mong được nghỉ ngơi vài ngày đúng nghĩa. Mơ được, ước thấy. Giờ cấm túc dài ngày, lại thèm được đi làm bận rộn. Mới biết giá trị công việc và trân quí đồng nghiệp. Trước, bận tối mặt. Giờ rảnh đơ tay. Phải ở nhà nên nhóm bạn cũ hè nhau lập hội online lấy tên là “Câu lạc bộ Nguyễn Công Trứ” (1778 – 1858) để tụ họp cà phê, thích nghi hoàn cảnh mới theo quan điểm sống của Uy Viễn Tướng Công “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhà, đãi nhàn, hà thời nhàn”.

Ban đầu tưởng họp cho vui, ai dè đâm nghiện vì có quá nhiều lợi ích. Tự pha cà phê phin ở nhà chưa tới 6.000 đồng mỗi ly. Cà phê hòa tan càng bèo. Quá tiết kiệm. Cà phê online kết nối từng đứa, có chủ đề và phần chuyện trong nhà của nhau. Chủ đề ra mắt, về cà phê rôm rả hơn chợ, ai cũng giành nhau nói. Từ lịch sử cà phê thế giới đến cà phê Việt Nam, cà phê Sài Gòn, cà phê chồng, cà phệ vơ, cà phê con.

Từ cà phê nhão, cà phê vợt đến cà phê chồn, cà phê voi, cà phê gà... Từ cà phê bơ, nước mắm, bắp, đậu, gạo đến các loại trái cây như cau, ớt, sầu riêng, cam, ổi…sáng tạo không ngừng. Nghe đồn có trinh nữ cà phê, kiểu trinh nữ trà. Chẳng biết thực hư thế nào. Kết luận lại, cà phê là thức uống đã không thể tưởng. Con người không thể ăn nguyên trái hay hạt mà phải “cà” (hồi xưa, bây giờ thì xay), uống mới “phê”. Đáng lẽ gọi là “xay phê” nhưng gọi là cà phê cho bảo tồn. Tây họ cũng gọi theo Việt Nam, đọc trệch thành coffee?

Phần chuyện trong nhà, không có ngoài phố, vì cách ly. Bắt đầu bằng việc các hội viên tự giới thiệu. Thế là nhờ online, các hội viên biết mặt vợ chồng con cái của nhau để mai này hết dịch, ra đường còn chào hỏi, lỡ va quệt xe thì xí xóa. Cả hội bỗng dưng thân thiết như người nhà, chia sẻ mọi chuyện có lợi. Mấy chuyện bí mật, “Sống để bụng, chết mang theo”, có lỡ bề gì cũng không dại khai báo thành khẩn vì mang họa.

Nhiều người bỗng phát hiện ra năng khiếu của người thân. Đứa thì kể con gái mẫu giáo bỗng dưng thành họa sĩ thiên tài. Ngủ trưa dậy, thấy tranh trừu tượng đầy tường nhà như bích họa. Vì nghỉ học, nó dậy trễ nên trốn ngủ trưa và thành họa sĩ. Đứa khoe vợ giỏi xem phim bộ, con xem hoạt hình cả ngày lẫn đêm, chỉ cần ăn uống cầm hơi, tiết kiệm được bao nhiêu là tiền bạc vì khỏi lo shopping, ăn uống nhà hàng, tốn kém như trước. Nhiều đứa nhận ra lâu nay con mình là những tín đồ game thủ cuồng nhiệt, giờ mới phát lộ..

Có người khoe vợ trổ tài nấu nướng, toàn món ngon đãi chồng con, cả tuần chưa hết món. Nhờ cách ly, nàng mới bộ lộ tài năng như đầu bếp trứ danh. Đứa thì than vãn ngược lại, phải xăn tay vào bếp vì vợ chỉ biết ăn chứ không biết nấu. Có đứa khoe tài ngủ nướng cả cha lẫn con, cứ thi đua nên mỗi ngày đỡ tốn tiền ăn sáng, chỉ cần hai bữa trưa và tối. Có đưa khen người nhà mình hát giỏi, chứ không phải hát hay. Hát giỏi vì hát cả ngày không mệt nhưng mệt người nghe… Cả nhà được nghỉ, ai cũng có dịp bộc lộ tính cách, cả tài lẫn... xỉu.

"Nhờ" cách ly mà mỗi người đều có thể "tu tại gia" và bộc lộ sở thích, tài lẻ của mình. Một số cô gái có dịp trổ tài nấu nướng và "khoe" con cái, gia đình hạnh phúc của mình - Ảnh: Internet

Cà phê online phiên mới nhất gặp sự cố. Số lượng thành viên gia nhập đột biến tăng. Có thành viên chưa nắm rõ cả nội quy lẫn kỹ thuật. Bố mẹ đang online cà phê thì con đang online học chung phòng khách. Cùng bật chế độ ON trực tuyến, cô giáo tiểu học hoảng hồn. Bỗng dưng nghe toàn giọng người lớn. nói chuyện đâu trên trời, chẳng ăn nhập gì tới bài giảng. Cứ tưởng bị khủng bố, ai dè lỗi kỹ thuật của phụ huynh. Hú Hồn.

Mai này hết dịch, cà phê online có thể bớt sôi động vì bận rộn nhưng chắc chắn vẫn được duy trì. Thiên hạ cũng bớt cà phê quán, trừ những cặp đôi hẹn hò riêng tư bí mật. Cứ online minh bạch, quang minh chính đại cho người thân bớt nghi ngờ, ghen tuông chóng mặt, hại não.

Được tu tại gia cũng là hạnh phúc với những niềm vui trước đây không dễ kiếm tìm. “Tu đâu bằng tu tại gia. Yêu con, chiều vợ mới là cốt tu”.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thú vui trong những ngày 'cách ly xã hội'