Một trong các nhiệm vụ được đưa ra là thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về trí tuệ nhân tạo trên thế giới…
Bộ KH-CN đã ban hành kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”.
Theo đó, Bộ KH-CN nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng trí tuệ nhân tạo, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Theo bản đề án, sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ, xây dựng các nền tảng nội địa cho tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu, cộng đồng nghề nghiệp phát triển về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ KH-CN còn đề cập tới việc triển khai mạnh mẽ hình thực hợp tác công-tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong các trường đại học, viên nghiên cứu công lập.
“Thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về trí tuệ nhân tạo trên thế giới”, Bộ KH-CN nêu rõ.
Bên cạnh đó là các nhiệm vụ liên quan đến việc tổ chức triển khai nghiên cứu cơ bản về trí tuệ nhân tạo, giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ… Tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm trí tuệ nhân tạo dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam; triển khai chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về trí tuệ nhân tạo gắn với đào tạo nghiên cứu sinh…
Thúc đẩy hình thành nhóm các chuyên môn mở trong các lĩnh vực, cho phép rút ngắn thời gian hoàn thành các kết quả nghiên cứu, thúc đẩy sử dụng chung, chia sẻ, mở dữ liệu, công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để thúc đẩy nhanh tốc độ hình thành các kết quả, nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực khác…
Bộ KH-CN cũng khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo đặc thù của Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Bộ KH-CN đề cập tới chính là tổ chức các chuỗi hoạt động sự kiện về trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong nước tham gia hội thảo triển lãm về trí tuệ nhân tạo. Thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu trí tuệ nhân tạo; các dự án chuyển giao công nghệ, khai thác sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về trí tuệ nhân tạo…
Trên cơ sở nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, lãnh đạo Bộ KH-CN đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc Bộ. Vụ Công nghệ cao chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ KH-CN theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch.
Cụ thể, các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo được giao cho Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN. Những nhiệm vụ về xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán được giao cho Cục Thông tin KH-CN quốc gia, Vụ Công nghệ cao, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN.
Đối với các nhiệm vụ về nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo, Bộ KH-CN giao cho Vụ Công nghệ cao, Quỹ phát triển KH-CN quốc gia, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ…