Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu mà phải đi kèm với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng.

Thuế tài sản: Nguồn thu phải đi kèm với trách nhiệm giải trình của chính quyền

08/06/2018, 13:10

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu mà phải đi kèm với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione - Ảnh: VGP

Được tổ chức theo đề nghị của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhằm lắng nghe kinh nghiệm của các quốc gia, tổ chức tài chính - kinh tế trên thế giới khi thực hiện chính sách thuế tài sản, cuộc làm việc diễn ra vào chiều ngày 7.6 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng - ông Vũ Viết Ngoạn.

Theo ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), thuế tài sản không chỉ là nguồn thu mà còn là công cụ góp phần nâng cao tính công bằng và hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, góp phần phát triển thị trường nhà đất, cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia của WB đánh giá nếu thực hiện chính sách thuế này, Việt Nam còn nhiều dư địa khi hiện nay thuế tài sản chỉ chiếm 0,04% GDP, trong khi ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi tỷ lệ này là 0,5% và ở các nước đang phát triển là 2%.

Căn cứ vào dự thảo chính sách thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới công bố gần đây, WB cho biết có khoảng 1,8 triệu hộ gia đình (7,2% số hộ) sẽ chịu tác động của thuế này và đánh giá thuế nhà ở tác động rất nhỏ tới hộ nghèo (khoảng 23.000 hộ) và đóng góp khoảng gần 3.000 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tỷ lệ số thuế nhà phải nộp so với thu nhập của hộ nghèo (0,83%) lại cao hơn tỷ lệ này của hộ gia đình giàu có (0,58%).

Do vậy, phía WB cho biết số thu từ chính sách này ở Việt Nam sẽ không lớn, trong khi chi phí quản lý thuế là không nhỏ (chiếm từ 10-20% số thu). Để thực hiện, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục gia cố chính sách thuế theo từng giai đoạn, xem xét cách tính thuế theo giá trị tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ giá trị tài sản...

Đặc biệt ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu mà phải đi kèm với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng. Việt Nam cũng không nên thực hiện chính sách thuế này một cách đơn lẻ mà đặt trong cải cách hệ thống chính sách tài chính nói chung thì mới đạt được mục tiêu.

Đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện WB tại Việt Nam, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát các chính sách thuế nói chung trong thực hiện tái cơ cấu thu, chi ngân sách, tăng cường cải cách hành chính, cắt giảm chi phí quản lý chính sách thuế.

Qua các góp ý của chuyên gia, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu đầy đủ về chính sách thuế tài sản, lựa chọn các phương án phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng đánh thuế tài sản là cần thiết. Đầy là sắc thuế mà rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và rất thành công, đem lại nguồn thu tương đối ổn định cho ngân sách. Luật thuế này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân đóng thuế cũng như với Chính phủ.

“Tính hợp lý và hợp pháp của loại thuế này là khi anh có một lượng tài sản lớn, anh phải sử dụng lượng dịch vụ công và cơ sở hạ tầng lớn hơn những người khác; có nhu cầu về dịch vụ nhiều hơn… vì thế anh phải đóng góp nhiều hơn để Chính phủ xây dựng”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, cá nhân có tài sản lớn thì Nhà nước cũng phải bảo vệ an ninh cho tài sản của mình. Muốn tài sản đó được an toàn, không bị trộm cắp, không có ai gây phương hại đến tài sản của mình thì phải đóng một khoản tiền để Chính phủ duy trì sự quản lý tài sản cho anh; duy trì lực lượng an ninh và các vấn đề liên quan đến quản lý.

“Thuế này cũng có tính công bằng là khi anh có một lượng tài sản lớn, có nghĩa là người có thu nhập cao hơn những người khác trong xã hội. Người có thu nhập cao hơn, sử dụng nhiều hơn phải có trách nhiệm đóng góp, cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Đó là trách nhiệm xã hội”, ông Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, để tránh thuế chống thuế, ông Thịnh cho rằng tất cả những khoản phí nào trước nay đang thu mà có tính chất tương tự như thuế tài sản thì bây giờ phải bỏ đi khi áp dụng thuế tài sản, phải làm rõ để người dân hiểu.

“Khi giải thích vậy thì người dân họ sẽ hiểu rằng bất cứ nước nào cũng phải đóng thuế, nếu thấy hợp lý thì dân sẵn sàng đóng thôi. Còn chúng ta đưa ra mà không giải thích thì họ phản ứng là điều tất nhiên”, ông Thịnh chia sẻ.

Cũng theo ông Thịnh, các nước quy định theo giá thị trường và dựa trên mức giá chung, có cơ sở dữ liệu về các tài sản khác nhau. “Thậm chí từng cá nhân có tài sản nào có giá trị họ đều biết, còn chúng ta chưa có. Nhưng nếu chúng ta không làm thì không bao giờ làm được hệ thống cơ sở dữ liệu. Cứ làm dần thì chúng ta mới có ngân hàng dữ liệu để quản lý”.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuế tài sản: Nguồn thu phải đi kèm với trách nhiệm giải trình của chính quyền