Đó là nhận định của ông Vũ Kim Giang - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thái Minh Quang, trước quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân về cách tính thuế suất cho người có bất động sản (BĐS) chuyển nhượng.
Cụ thể của quy định này là thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản được áp 2% trên tổng giá bán ghi trên hợp đồng (với điều kiện giá vốn không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp đầy đủ để chứng minh) hoặc 25% chênh lệch giá (giá bán trừ giá mua và trừ các chi phí liên quan như chi phí cải tạo, sửa chữa bất động sản).
Tuy nhiên, cách tính thuế này người kinh doanh bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn, do trong thời gian trước nhiều người dân đổ xô mua nhà đất, nhưng nay thị trường nguội lạnh nên họ đành phải báo tháo. Số thuế được tính 2% trên giá nhà đất báo tháo, bán lỗ như vậy cũng còn cao đối với người dân khi họ không nhận được đồng lợi nhuận nào mà còn phải nộp thuế. Nếu chuyển nhượng bất động sản được áp dụng nộp 25% thì sẽ có lợi cho người dân.
Theo ông Giang, đa phần người dân chọn phương án 2%, hiện tượng người dân viết giá chuyển nhượng thấp hơn để trốn thuế, nếu ghi đúng thì mức đóng lớn, do vậy, sẽ dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, pháp luật đã quy định rất rõ về từng cách áp thuế. Tuy nhiên, hai cách tính này đều có những điểm bất cập.
Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các cục thuế tỉnh, thành về việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản. Theo hướng dẫn mới này, người nộp thuế tự xác định thu nhập tính thuế, khai thuế đối với cả trường hợp áp dụng thuế suất 25% và thuế suất 2%. Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra và xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo quy định.
Mặc dù đã có những hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Tài chính, tuy nhiên những bất cập này chưa thể giải quyết ngay một sớm một chiều, mà cần phải có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách xác thực và có tính khả thi hơn.