Sau khi dư luận phản ứng với những quảng cáo "thần kỳ" chữa, phòng chống COVID-19 của thuốc xuyên tâm liên và viên nang Kovir, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng.

Thuốc xuyên tâm liên và viên nang Kovi được quảng cáo chữa COVID-19, Cục An toàn thực phẩm lên tiếng

Dạ Thảo - Ảnh: Chụp màn hình | 27/07/2021, 22:00

Sau khi dư luận phản ứng với những quảng cáo "thần kỳ" chữa, phòng chống COVID-19 của thuốc xuyên tâm liên và viên nang Kovir, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng.

Vừa qua, truyền thông đưa tin về 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền "có tác dụng phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19" khiến nhiều người dân xôn xao và đổ xô đi tìm mua dự trữ.

Giá các loại thuốc y học cổ truyền này tăng bất hợp lý sau khi có những “quảng cáo trên trời” là chữa được cho người mắc COVID-19 đang ở thể nhẹ. Việc quảng cáo các thuốc này như là "thần dược" phòng, chữa bệnh COVID-19 khiến dư luận xôn xao. Đáng chú ý nhất là trong một số sản phẩm "thuốc hỗ trợ" thuộc danh mục của Bộ Y tế, viên nang bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương tăng giá chóng mặt từ 200.000 đồng lên đến cả triệu đồng/hộp.

so-sanh.jpg
Giá viên nang Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương tăng lên chóng mặt chỉ sau 1 tuần

Trước sự phản ứng của dư luận, ngày 26.7 vừa qua, Bộ Y tế đã cho thu hồi công văn về việc "tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo danh mục gồm 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19".

Trả lời về vấn đề về tăng giá bất hợp lý với viên nang Kovir chỉ trong 1 tuần qua, ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương, cho biết ông cũng không hề biết vì sao sản phẩm này được Bộ Y tế đưa vào danh sách.

Ông Thắng cho rằng có thể viên nang Kovir được Công ty CP Sao Thái Dương đưa vào hỗ trợ cho đợt phòng chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang, sau đó Bộ Y tế và các Cục của Bộ yêu cầu các bệnh viện đánh giá tác dụng của các loại thuốc, có lẽ thấy được tác dụng của nó trong việc phòng chống dịch nên Bộ Y tế đưa vào danh mục khuyên dùng.

img-096111.jpg
Công văn tăng giá sản phẩm

Trả lời thêm về lý do giá viên nang Kovir tăng đột ngột, ông Thắng nói: “Sản phẩm Kovir viên nang cứng mới được ra mắt gần đây và được chiết xuất từ sài hổ, phục Linh, đẳng sâm, tiền hồ và các dược liệu quý,... còn ovir viên nang mềm ra mắt vào năm ngoái (2020) thì chiết xuất từ các phụ liệu. Tuy nhiên, cả hai sản phẩm đều được các bác sĩ đánh giá tốt. Sau khi sử dụng sản phẩm, các bệnh nhân giảm nhanh các triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, mất vị giác… Viên nang mềm đã được nghiên cứu tiền lâm sàng, mở rộng nghiên cứu trên vi rút SARS-CoV-2 tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương”.

Dù thừa nhận viên nang Kovir là thực phẩm chức năng nhưng việc quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm khiến người dân hiểu nhầm tác dụng thì ông Thắng không trả lời về vấn đề này.

lien(1).jpg
Một sản phẩm xuyên tâm liên được quảng bá như thần dược phòng và chữa bệnh COVID-19

Phóng viên Một Thế Giới liên lạc với đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để hỏi về nhiều sản phẩm được quảng cáo phòng, chữa bệnh COVID-19 như Xuyên tâm liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên tâm liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), viên nang Kovir... Câu trả lời phóng viên nhận được là những sản phẩm này không có công dụng phòng, chữa bệnh COVID-19. Hiện Cục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Bộ, ngành để xác minh, xử lý theo quy định.

Ngoài các sản phẩm này, trên thị trường còn xuất hiện những loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có thành phần xuyên tâm liên, được chào bán vào các nhà thuốc và quảng cáo có công dụng kháng vi rút, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID-19… Song theo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm này chưa được công bố và đăng ký với cơ quan chức năng.

co1.jpg
co2.jpg
2 sản phẩm giả mạo được quảng cáo có công dụng kháng vi rút, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp...

Theo ông Trần Minh Ngọc - Phó cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), người dân không nên tự ý mua thuốc xuyên tâm liên để sử dụng, đặc biệt với mục đích phòng ngừa COVID-19. Chỉ dùng xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Cục vẫn đang phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện y dược học dân tộc TP.HCM, cho rằng xuyên tâm liên chỉ là loại thuốc thanh nhiệt, giải độc và không thể coi là thần dược vì nó chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm lượng vi rút.

"Chúng tôi đang nghiên cứu loại thuốc từ thảo dược (trong đó có xuyên tâm liên) với công dụng tiêu diệt vi rút. Thảo dược trong y học cổ truyền có nhược điểm là tác dụng chậm so với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc tây y có thể diệt vi khuẩn nhưng không diệt được siêu vi. Xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ diệt siêu vi, nên thảo dược này được đưa vào phác đồ điều trị COVID-19", bác sĩ Ngọc Lan cho hay.

Bài liên quan
Hà Nội: Hàng tết dồi dào, sẵn sàng phục vụ người dân
Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ tết tùy từng mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuốc xuyên tâm liên và viên nang Kovi được quảng cáo chữa COVID-19, Cục An toàn thực phẩm lên tiếng