Kể từ năm 1995, Việt Nam - Mỹ bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng gần 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức 123 tỉ USD vào năm 2022.

Thương mại Việt - Mỹ tăng gần 300 lần, có thể chạm mốc 100 tỉ USD năm nay

Tuyết Nhung | 11/09/2023, 08:35

Kể từ năm 1995, Việt Nam - Mỹ bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng gần 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức 123 tỉ USD vào năm 2022.

Tính từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỉ USD năm 2022.

thuong-mai-viet-my.jpg
Mỹ duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN - Ảnh: IT

Thời gian gần đây, thương mại song phương tăng trưởng mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt hơn 123 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2022 đạt mức kỷ lục, vượt mốc 700 tỉ USD.

Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc hơn 100 tỉ USD. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 60 tỉ USD, dự kiến kim ngạch thương mại song phương cả năm 2023 vẫn có thể đạt lại mốc 100 tỉ USD.

Về đầu tư của Việt Nam sang Mỹ, đến năm 2023, Việt Nam đang có 230 dự án đầu tư tại Mỹ, tổng vốn đăng ký 1,264 tỉ USD. Mỹ đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.

Quan hệ Việt - Mỹ đã có những phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, khi trải qua 28 năm (từ 1995) thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013).

Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ sâu sắc thêm trong nhiều lĩnh vực, kỳ vọng nhiều nhất là thúc đẩy đầu tư, thương mại. Điều này được thể hiện qua việc các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Intel, Walmart... nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.

Chỉ tính riêng Apple đã dịch chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM tổng trị giá đầu tư 4 tỉ USD...

Mỹ coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực. Các sáng kiến hợp tác của Mỹ như IPEF, năng lượng sạch, kinh tế số... nhận được sự quan tâm hợp tác. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện tại, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong thời gian tới.

Trao đổi với báo chí nhân dịp Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10.9 đến 11.9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc nhiều tập đoàn Mỹ mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam đặt ra đòi hỏi nước ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. "Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu", ông Diên nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ có tính chất bổ trợ cho nhau. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...

Ở chiều ngược lại, Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ... để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, hai bên tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...

Bài liên quan
Hợp tác Việt-Mỹ: Khánh thành thêm 2 Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng EOC
Ngày 15.3 tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tham dự lễ khánh thành Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) tại Viện Pasteur Nha Trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
23 phút trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương mại Việt - Mỹ tăng gần 300 lần, có thể chạm mốc 100 tỉ USD năm nay