Theo Thượng tọa Thích Tịnh Giác, trên tinh thần của Đức Phật, phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi, tôn trọng sự sống và hòa bình của tất cả hữu tình chúng sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng cần được nhận thức và hiểu biết đúng đắn.

Thượng tọa Thích Tịnh Giác: Nhiều người đang hiểu sai tinh thần của việc phóng sinh

13/02/2017, 09:17

Theo Thượng tọa Thích Tịnh Giác, trên tinh thần của Đức Phật, phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi, tôn trọng sự sống và hòa bình của tất cả hữu tình chúng sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng cần được nhận thức và hiểu biết đúng đắn.

Ảnh minh họa

Ngày 5.2 (mùng 9 tháng giêng), hàng nghìn người từ các tỉnh, thành đã đổ về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) tham dự lễ phóng sinh 10 tấn cá do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì. Trong sự kiện này, có thông tin cho rằng trong số cá được thả có loài xâm hại, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái sông Hồng.

Liên quan đến thông tin trên, chiều 10.2, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên tiếng khẳng định số cá được thả xuống sông Hồng là loài nằm trong danh mục được nuôi, không phải loài gây hại.

Dù sự việc đã được xác minh, nhưng qua câu chuyện trên, phần nào ý nghĩa của việc phóng sinh đã bị ảnh hưởng và thậm chí nhiều người đang hiểu sai hành động đó.

Phóng sinh - ý nghĩa của sự từ bi và hòa bình

Luận bàn về ý nghĩa việc phóng sinh và phóng sinh như thế nào là đúng, trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, Thượng tọa Thích Tịnh Giác, trụ trì chùa Phúc Sơn (thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) giảng giải: Trên tinh thần của Đức Phật, phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi, tôn trọng sự sống và hòa bình của tất cả hữu tình chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có sự sống. Có 2 loại chúng sinh là hữu tình và vô tình. Hữu tình là loại có cảm xúc như con người, động vật... Còn loại vô tình là các loại thực vật như cây, cỏ, hoa lá...

Thượng tọa Thích Tịnh Giác - Ảnh: Tuyết Nhung

"Với loại vô tình, chúng ta chặt chém không ảnh hưởng đến cảm xúc, sự sống nhưng với loại hữu tình khi chúng ta giết là mất, là đau đớn, là tổn thương. Con vật cũng như con người đều ham sống sợ chết nên bảo vệ sự sống là quyền của tất cả các loài. Trong giới cấm đầu tiên của Đức Phật là cấm sát sinh, mục đích của người là để các hữu tình chúng sinh có thể từ bi, yêu thương và được hưởng phước báu trường thọ. Đó cũng là tinh thần của Đức Phật về nhân và quả", sư thầy Thích Tịnh Giác cho biết.

Ngoài ra, phóng sinh trên tinh thần của Đức Phật cũng mang ý nghĩa hòa bình. Sư thầy Tịnh Giác nói rằng dân tộc Việt Nam luôn tôn trọng hòa bình, bằng chứng là ngày xưa các chư Tổ đã dạy cho con cháu thả cá vào ngày 23 tháng chạp để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Câu chuyện này lại một lần nữa là bài học nhằm giáo dục người Việt về văn hóa phóng sinh tốt đẹp. Ý nghĩa sâu xa bên trong câu chuyện thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời là tập hạnh từ bi, yêu thương tôn trọng sự sống, nghĩa là dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Đây là điều đáng quý mà chúng ta nên phát huy.

Phóng sinh sao cho đúng?

Thượng tọa Thích Tịnh Giác cho rằng hiện nay nhiều người vẫn chưa thực hiện đúng tinh thần của việc phóng sinh. Theo sư thầy, hành động phóng sinh thực sự là chúng ta phải cứu được những con vật mà thường ngày bị đem ra làm thịt như: cá, cua, gà, bò... Đây là những con vật đang cận kề cái chết, không cứu là nó sẽ bị mất mạng, cho nên phát tâm phóng sinh như vậy là cứu sinh mạng đó khỏi cái chết.

Còn phóng sinh theo kiểu chúng ta đặt hàng để người khác đi bắt về thì không đúng tinh thần của phóng sinh. Ví dụ như con chim, do nhiều người chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc phóng sinh nên thường đặt những người bắt chim với số lượng lớn để họ thả. Tuy nhiên, trong quá trình săn bắt, những người này lại vô tình làm tổn thương những con chim. Như vậy, việc bắt rồi lại thả vô tình làm biến tấu, mất dần đi ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh.

Liên quan đến câu chuyện người dân phóng sinh 10 tấn cá xuống sông Hồng, Thượng tọa Thích Tịnh Giác cho rằng đây là một hành động mang ý nghĩa tốt đẹp trên tinh thần của Đức Phật. Tuy nhiên, theo sư thầy, khi phóng sinh tôm, cá... cũng nên tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về môi trường sống của các loài để đảm bảo bình an cho hệ sinh thái sông, hồ.

"Nếu có sự việc đáng tiếc xảy ra thì tôi chắc chắn rằng đó là ngoài ý muốn, vì không ai muốn làm tổn thương chính chúng sinh mà họ đang cố gắng phóng sinh. Trên tinh thần của Đức Phật, tôi cho rằng chúng ta nên rút kinh nghiệm, đừng ầm ĩ để làm mất ý nghĩa phóng sinh, vô tình làm tổn thương đến những người phát tâm.

"Tâm bình, thế giới bình; tâm vui, cảnh cũng vui; tâm buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ. Tôi khuyên mọi người nên bình tâm lại để giữ được nét văn hóa phóng sinh cao đẹp trên tinh thần của Đức Phật", Thượng tọa Thích Tịnh Giác chia sẻ.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
4 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng tọa Thích Tịnh Giác: Nhiều người đang hiểu sai tinh thần của việc phóng sinh