Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết Thụy Sĩ muốn làm trung gian hòa giải tại biển Đông, nơi tranh chấp lãnh thổ đang làm gia tăng căng thẳng an ninh trong khu vực.
"Thụy Sĩ không phải là nước có cái gọi là sức mạnh hải quân. Điều này đúng, bất chấp thực tế rằng thuyền buồm Alinghi của Thụy Sĩ giành cúp tại Mỹ tới hai lần", ông Burkhalter nói đùa trong tuyên bố của mình tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 30.5.
"Nhưng trong khi chúng tôi không phải là lực lượng có sức mạnh hải quân, chúng tôi có thứ khác, đó là quyền lực hòa giải. Là một bên vô tư và đáng tin cậy, Thụy Sĩ tạo điều kiện cho tất cả các đối thoại mang tính chất xây dựng ở nhiều nơi xung đột trên toàn thế giới. Chúng tôi có Geneva, trung tâm hòa bình của châu Âu, nơi có rất nhiều cuộc đàm phán quốc tế để giải quyết những khác biệt và ngăn chặn hoặc giải quyết các cuộc xung đột đã xảy ra trên toàn thế giới", ông nói.
"Hơn nữa, Thụy Sĩ là một định chế tài chính mạnh mẽ. Chúng tôi có mối quan tâm rất lớn đến sự ổn định trong khu vực và an toàn của tuyến đường vận chuyển của khu vực châu Á - Thái Bình dương. Theo chúng tôi những thách thức an ninh của người châu Á thì nên để người châu Á giải quyết, Thụy Sĩ sẵn sàng làm mọi thứ nếu được yêu cầu hỗ trợ", ông Didier Burkhalter tuyên bố Thụy Sĩ muốn làm trung gian hòa giải tại biển Đông.
Ông Burkhalter đã phát biểu trong hội nghị bàn tròn tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, để giải quyết các vấn đề, chẳng hạn làm thế nào để tránh một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. "Chúng tôi quan tâm tới hành động đơn phương trên biển Đông gần đây (Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp ở Trường Sa - PV). Tuy nhiên, căng thẳng chưa đạt đến mức mà những nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh tại châu Á trở thành vấn đề vô ích", ông nói.
"Bây giờ là lúc phải hành động. Là lúc để thực hiện việc trấn an dư luận. Thực hiện các cơ chế đối thoại đa phương mà trong những năm qua là cơ sở xây dựng nên sự ổn định an ninh trong khu vực (DOC và tương lai là COC - PV)".
Trung Quốc gần đây đã dấy lên sự lo ngại của cả thế giới, khi xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thiên Hà (theo SWI)