Những động thái của Trung Quốc (TQ) trong mấy năm gần đây cho thấy Bắc Kinh muốn mình là một kẻ lập ra luật, chứ không phải là một người tuân theo luật định sẵn. Vì chưa có dấu hiệu họ sẽ làm chậm dự định lập trật tự thế giới mới.
Cách đây không quá lâu, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã hỏi:
Liệu một TQ đang lớn mạnh có phải là một “cổ đông có trách nhiệm” trong hệ thống toàn cầu thời hậu chiến?.
Giờ đây trong bối cảnh tranh cãi về sáng kiến Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) do TQ đề xướng, họ lại đặt câu hỏi:
Liệu những kế hoạch của TQ có tạo ra một trật tự thế giới mới tồn tại song hành cùng trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu đã có từ năm 1945 ?
Người TQ đang bàn tán về sáng kiến “Một vành đai và một con đường” của chủ tịch Tập Cận Bình.
Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách tham gia Diễn đàn Stockholm ở Quảng Châu, do Quỹ Marshall của Đức và Viện Nghiên cứu quốc tế của Thượng Hải tổ chức trong tuần này, đang suy xét rất nhiều mô tả và định nghĩa về sáng kiến đó.
Không ai biết chính xác sáng kiến đó cụ thể là gì, nhưng có thể lờ mờ nhận thấy Chủ tịch QT Tập Cận Bình đang đẩy cuộc chơi về hướng Tây, một chiến lược Âu-Á đưa TQ trở thành một cường quốc toàn cầu.
TQ không còn thiếu tự tin như xưa. Để chứng minh cho điều đó, TQ đã trở nên quyết đoán và hành động tiêu cực hơn với các nước láng giềng.
Bắc Kinh muốn nói rằng thế kỷ 21, thế giới nên chấp nhận quyền lực của TQ như một thực tế đơn giản trong địa chính trị. Tờ Financial Times nhận định, để giữ thế lực của mình, các cường quốc không tham gia làm thành viên của các tổ chức khác mà họ tự tạo ra tổ chức của mình.
Trong sáng kiến của ông Tập có hai phần. Phần con đường trong kế hoạch không phải là những con đường tơ lụa trong lịch sử, mà là mở rộng và bảo vệ các tuyến đường biển đến Trung Đông và Châu Âu, được xem là "Con đường tơ lụa" mới.
Bắc Kinh luôn xem eo biển Malacca là một yết hầu nguy hiểm. Vì thế TQ tiếp cận Ấn Độ Dương. Kế hoạch cụ thể gồm một căn cứ hải quân ở Pakistan và một căn cứ khác trên biển qua Myanmar và Bangladesh.
Bắc Kinh đang mở các tuyến đường vận chuyển phía bắc đến châu Âu khi băng tan ở Bắc Cực.
Sách trắng của TQ mới phát hành cũng xác nhận hải quân TQ sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ra những vùng biển xa bờ, tập trung vào chiến lược “bảo vệ vùng biển khơi”. Về phần vành đai, tham vọng của TQ là mở rộng các tuyến đường bộ và đường sắt xuyên biên giới.
Trước đó, các quan chức TQ đã rất tự hào khi đưa vào hoạt động tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Trịnh Châu đi xuyên Nga đến Humberg, Đức.
Gần đây, ông Tập cũng công bố gói hỗ trợ 42 tỉ USD cho Pakistan, một phần trong các thỏa thuận và giao dịch đưa TQ tiến nhanh trên con đường đến phía Tây.
Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á thì đang để TQ xây dựng nhà máy điện, nhà máy sản xuất, các đường ống, đổi lại các hợp đồng cung cấp khí đốt.
Một tuyến đường sắt và đường cao tốc sẽ nối TQ với biển Ả Rập. Các liên kết mới với Sừng Châu Phi và Châu Âu sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế Âu-Á.
Một số chuyên gia tham gia Diễn đàn Stockholm nghi ngờ, rằng “Một vành đai và một con đường” đại diện cho một ý tưởng lớn hơn với các mục tiêu, động cơ và dự án tầm cỡ hơn. Có lẽ vì vậy, TQ đã viện trợ cho Islamabad nhằm hạn chế Hồi giáo cực đoan ở Pakistan hỗ trợ cho các phần tử ly khai Uighur ở tỉnh tự trị Tân Cương.
Động thái của TQ với các nước “stan” của Trung Á (5 nước có tên kết thúc bằng stan) cho thấy một kẻ cơ hội, lợi dụng sự ghẻ lạnh từ phương tây với Nga để có được các hợp đồng mua khí đốt giá rẻ của Moscow.
Đằng sau tất cả các động thái chính là nhu cầu đảm bảo các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.
Tuy nhiên, nếu các cường quốc muốn thành lập các tổ chức của chính mình thì họ cũng đồng thời biến sức nặng kinh tế thành sức mạnh địa chính trị. Với lời khẳng định và dỗ ngọt từ TQ, hàng chục nước đã đồng ý tham gia AIIB.
Theo Financial Times, Bắc Kinh đang khai thác tất cả sức mạnh kinh tế, tài chính và ngoại giao để thực hiện tiến trình hội nhập Âu-Á từ biên giới của nó đến Trung Đông, Châu Phi và châu Âu, một phạm vi ảnh hưởng rất rộng lớn.
Dĩ nhiên, tiến trình đó không hoàn toàn thuận lợi vì Moscow hoàn toàn không thoải mái với vai trò “dưới cơ” trong quan hệ Trung-Nga.
Ấn Độ cũng đang tăng cường sự hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương. Mỹ thì có thể nói với Bắc Kinh rằng đổ tiền vào Islamabad không mua được đảm bảo an ninh.
Khánh Nguyên (Theo Financial Times)