Theo báo Navy Times của hải quân Mỹ, các thủy thủ của một tàu chiến kiểm soát CHDCND Triều Tiên than vãn tàu này là ‘nhà tù nổi’, có một hạm trưởng khắc nghiệt chưa hề xem thủy thủ là người trưởng thành.

Thủy thủ hải quân Mỹ than tàu chiến là ‘nhà tù nổi’

11/10/2017, 15:33

Theo báo Navy Times của hải quân Mỹ, các thủy thủ của một tàu chiến kiểm soát CHDCND Triều Tiên than vãn tàu này là ‘nhà tù nổi’, có một hạm trưởng khắc nghiệt chưa hề xem thủy thủ là người trưởng thành.

Thủy thủ tập chiến đấu bảo vệ tàu Shiloh-Ảnh Navy Times

Theo Navy Times ngày 10.10, các thủy thủ được giấu tên đã nộp những lời phàn nàn dựng tóc gáy trong 3 cuộc thăm dò mà hải quân Mỹ tiến hành từ tháng 5.2015 đến tháng 8.2017.

Đó là quãng thời gian hạm trưởng Adam M.Aycock chỉ huy chiếc Shiloh. Chiếc khu trục hạm mang tên lửa này lãnh nhiệm vụ sẵn sàng đối phó hành động quân sự của Triều Tiên cùng 2 lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc.

Thủy thủ thù ghét ‘ngôi nhà’ của họ

Các thủy thủ cho biết họ rất ‘thù’ nhiệm vụ được giao cho họ, và ‘thù’ cả chiếc khu trục hạm tên lửa Shiloh. Họ nói chiếc tàu trở nên nổi tiếng khi cập cảng Yokosuka (Nhật Bản) trụ sở của Hạm đội 7.

Một thủy thủ viết: “Tôi không tự hào khi cho người ta biết là thủy thủ Shiloh. Ngay cả các tài xế taxi biết chúng tôi có một chỉ huy đáng sợ, và có những thành viên muốn tự tử”.

Các thủy thủ còn phàn nàn họ bị bắt làm việc quá sức: “Giống như một cuộc tranh đua xem ai sẽ đổ gục trước, con tàu hay nhóm thủy thủ bệnh hoạn của nó”, một thủy thủ viết.

Họ khẳng định rất sợ hạm trưởng Aycock, người sẵn sàng trừng phạt bất kỳ một sai phạm nhỏ nào bằng cách cũ xưa: nhốt thủy thủ sai phạm trong khoang giam tạm trên tàu trong 3 ngày, chỉ cho người bị nhốt ăn bánh mì không với nước uống.

Một thủy thủ cho biết một số đồng đội người Mỹ da màu kết luận hạm trưởng Aycock kỳ thị chủng tộc.

Các thủy thủ còn than phiền những chính sách hạn chế tự do của thủy thủ, khiến họ bị ức chế. Một thủy thủ cho biết phải báo trước 3 ngày về chuyện đi chơi suốt đêm với bạn bè hoặc thăm gia đình: “Tôi phải giải thích với vợ rằng tôi không thể ra ngoài và ở lại nhà bạn ngoài căn cứ, chỉ vì hạm trưởng không nghĩ tôi là người trưởng thành”.

Một thủy thủ khác viết: “Không còn cảm thấy Shiloh là nhà, thủy thủ không còn cảm thấy như một gia đình. Đấy là nơi chúng tôi rất ghét và sốt ruột chờ đến lúc được rời khỏi”.

Chiếc tàu chiến Shiloh ở Nhật Bản

Thủy thủ ‘rớt xuống biển’ lại xuất hiện

Một thủy thủ bất mãn, thể hiện sự xuống tinh thần trên chiếc Shiloh: “Tôi cầu xin chúng tôi không bao giờ phải bắn hạ một tên lửa Triều Tiên, vì lúc đó sẽ lộ rõ sự không hiệu quả của chúng tôi”.

Những thủy thủ khác than có những đồng đội bị suy nhược thần kinh và thể lực, có ý định tự tử. Họ lo ngại việc chiếc tàu đang trong giai đoạn bảo trì vẫn phải ra khơi, cấp chỉ huy mất đoàn kết.

Nhưng họ không dám tố giác điều kiện sinh hoạt đe dọa mạng sống trên tàu, vì những người dám tố giác đã bị cấm rời khỏi tàu.

Một thủy thủ viết: “Tôi thật sự lo cho những người sẽ ngưng cầu xin sự giúp đỡ, vì họ sợ bị trừng phạt. Tại sao ai đó kêu gọi giúp đỡ lại bị bắt phải ở lại một nơi khiến họ cảm thấy sợ hãi đến vậy?”.

Hồi hè 2017, chiếc Shiloh cũng là tin nóng: một thủy thủ tên là Peter Mims mất tích, được cho là đã rơi khỏi tàu. Vụ này khiến nhiều tàu chiến, máy bay và cả một tàu chiến tham gia cuộc tìm kiếm-cứu hộ suốt 50 giờ. Nhưng một tuần sau, Mims lại xuất hiện trên tàu.

Hóa ra Mims trốn dưới phòng máy. Các sĩ quan hải quân nói anh không bị kỷ luật, dù bị buộc tội bỏ phiên gác và lơ là nhiệm vụ, sau khi Mims thú nhận anh cố tình trốn các đồng đội.

Sau vụ Mims ‘mất tích’, nhiều thủy thủ liên lạc với báo Navy Times, bày tỏ sự lo ngại về chiếc Shiloh, hạm trưởng và thủy thủ đoàn, khiến tờ báo dùng quyền Tự do thông tin để đòi xem các thăm dò của hải quân Mỹ.

Thủy thủ Mims rớt xuống biển rồi lại xuất hiện trên tàu

Năm ‘xui xẻo’ của Hạm đội 7

Chiếc Shiloh thuộc Hạm đội 7 vốn đang bị nhiều rắc rối, bị kiểm tra ráo riết, các sĩ quan chỉ huy cấp cao bị thay thế, sau 2 tàu chiến của Hạm đội đâm vào hai tàu buôn trong năm 2017.

Trước tiên là khu trục hạm Fitzgerald đâm vào một tàu chở container treo cờ Philippines gần Nhật Bản ngày 19.6.

Vụ này khiến 7 thủy thủ chết, mạn phải tàu bị đâm thủng và khoang ngủ của thủy thủ bị nước biển tràn vào. Các thủy thủ chỉ có chưa đầy một phút để thoát khỏi khoang này.

Các nhà điều tra phát hiện các thủy thủ phạm nhiều sai lầm dẫn đến vụ đâm va, gồm phớt lờ cảnh báo của tàu hàng Philippines.

Ngày 21.8, khu trục hạm John S. McCain đâm vào một tàu chở dầu treo cờ Liberia gần Singapore, khiến 10 thủy thủ thiệt mạng, 5 người bị thương. Điều tra sơ bộ phát hiện thủy thủ không nhanh chóng khắc phục việc tàu bị mất hơi.

Hồi tháng 1 và tháng 5 cũng xảy ra hai vụ va chạm nhưng không có thủy thủ thiệt mạng. Họ thuộc hai tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Atietam và Lake Champlain.

Ngày 8.9, Văn phòng Giải trình trách nhiệm (GAO) của chính phủ Mỹ còn phát hiện thủy thủ các tuần dương hạm và khu trục hạm phải làm việc quá tải (có người phải làm việc quá 100 giờ/tuần), thiếu huấn luyện và tàu chiến không được bảo trì đúng thời hạn.

Các tàu chiến này đóng ở Nhật Bản. Chúng thường xuất phát từ thành phố Yokosuka và Sasebo (Nhật) để thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.

Theo báo cáo của GAO, hơn 1/3 chứng nhận huấn luyện chiến đấu của các tuần dương hạm và khu trục hạm đóng tại Nhật Bản đã hết hạn, tăng gấp 5 lần so với 2 năm trước.

Tính đến 6.2017, 37% giấy chứng nhận huấn luyện chiến đấu đã quá hạn, so với 7% vào tháng 1.2015, ông John Pendleton, Giám đốc phụ trách quản trị và năng lực quốc phòng của GAO, lưu ý.

Để được cấp chứng nhận, các tàu chiến của hải quân Mỹ phải thể hiện được khả năng cơ động, kỹ năng điều khiển thiết bị và năng lực chiến đấu chống tàu nổi và chống tên lửa đạn đạo.

Lâu nay, nhiều chỉ huy quân đội, nghị sĩ và GAO đã cảnh báo về hiện trạng sẵn sàng chiến đấu của hải quân, với việc triển khai thường xuyên các nhóm tàu, và thời gian triển khai kéo dài hơn.

"Hải quân buộc phải rút ngắn, cắt bỏ, hay tạm hoãn các giai đoạn huấn luyện và bảo trì để hỗ trợ tần suất triển khai cao như vậy," ông Pendleton trình bày trong văn bản điều trần.

Vì lý do đó, đa số tàu chiến thuộc Hạm đội 7 không được bảo trì đầy đủ để được cấp giấy chứng cho phép tiến hành các hoạt động cơ bản trên biển, gồm hai tàu Fitzgerald và McCain.

Hạm trưởng Aycock đeo ống nhòm, trên boong Shiloh

Hải quân Mỹ đã bãi nhiệm Chuẩn đô đốc Joseph Aucoin, tướng 3 sao chỉ huy Hạm đội 7, sau những thắc mắc về các tàu chiến của Hạm đội 7, gồm tại sao chúng có thể xử lý những nhiệm vụ cơ bản của tàu chiến, tại một trong những vùng bất ổn nhất thế giới.

Hạm trưởng Bryce Benson của chiếc Fitzgerald cũng mất chức. Vậy mà hạm trưởng Aycock của chiếc Shiloh không bị cách chức.

Các sĩ quan hải quân từ chối bàn chi tiết về những thăm dò, nhưng thừa nhận cấp trên của Aycock có biết những vấn nạn trên chiếc Shiloh, ngay sau cuộc thăm dò đầu tiên được thực hiện chỉ 2 tháng sau khi Aycock làm chỉ huy tàu.

Aycock hiện là nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu chiến tranh tương lai thuộc Đại học chiến tranh hải quân Mỹ. Ngoài lần chỉ huy chiếc Shiloh, ông từng là hạm trưởng khu trục hạm Mahan và chỉ huy một trường huấn luyện hải quân ở bang Florida.

Trung Trực (theo Navy Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
13 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủy thủ hải quân Mỹ than tàu chiến là ‘nhà tù nổi’