Trang Interesting Engineering cho biết các nhà nghiên cứu Đại học Monash (Úc) phát hiện một loại enzyme mới có thể sử dụng lượng nhỏ hydro có sẵn trong không khí để tạo ra năng lượng, đem đến tiềm năng phát triển thiết bị tạo điện từ không khí.
Phát hiện trên có nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang tìm kiếm những cách thức tạo năng lượng mới không cần đến nhiên liệu hóa thạch, theo Interesting Engineering.
Công nghệ năng lượng mặt trời cùng năng lượng gió dù không ngừng mở rộng quy mô nhưng vẫn không thể liên tục tạo ra điện đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, thiết bị tạo ra điện dùng enzyme mà các nhà nghiên cứu Đại học Monash phát hiện hoàn toàn có thể bật tắt theo ý muốn giống như máy phát điện thông thường.
Giới nghiên cứu lâu nay đã biết vi khuẩn sống ở môi trường nghèo dinh dưỡng (đất ở Nam Cực, miệng núi lửa, đáy biển sâu) chuyển hóa được hydro trong không khí thành năng lượng. Tuy nhiên họ chưa hiểu rõ về cơ chế chuyển hóa này.
Các nhà nghiên cứu Đại học Monash muốn tìm hiểu sâu hơn bằng cách xem xét vi khuẩn Mycobacterium smegmatis thường có trong đất, và từ đây họ chiết xuất một enzyme tên Huc sở hữu khả năng chuyển đổi hydro thành điện.
Dùng nhiều công nghệ tiên tiến như kính hiển vi điện tử lạnh (cryo-EM) hay điện hóa học xác định cấu trúc lẫn chức năng enzyme, nhóm ghi nhận Huc hoạt động ngay cả khi nồng độ phút trong không khí chỉ ở mức 0,00005%.
Họ cũng phát hiện Huc ở trạng thái tinh khiết rất ổn định, tồn tại được ở nhiệt độ khắc nghiệt lên tới 80 độ C. Các nhà nghiên cứu gọi chúng là “pin bền vững”.
Dù công nghệ mới cần cải tiến nhiều trước khi được nhân rộng, nhưng enzyme Huc được tìm thấy ở không ít sinh vật trong đất và cũng có thể được nuôi cấy số lượng lớn.