Ít thì tăng gấp đôi, nhiều thì gấp ba hoặc thậm chí cao hơn nữa, nhiều người dân Hà Nội phát hoảng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 5.2020. Để những tháng sau không phải chịu cảnh sốc khi cầm hóa đơn tiền điện, nhiều ý kiến đề xuất kiểm tra chỉ số điện năng tiêu thụ hằng ngày.

Tiền điện tăng sốc, người dân muốn biết chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày

18/06/2020, 13:50

Ít thì tăng gấp đôi, nhiều thì gấp ba hoặc thậm chí cao hơn nữa, nhiều người dân Hà Nội phát hoảng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 5.2020. Để những tháng sau không phải chịu cảnh sốc khi cầm hóa đơn tiền điện, nhiều ý kiến đề xuất kiểm tra chỉ số điện năng tiêu thụ hằng ngày.

Tiền điện tháng 5.2020 của người dân đồng loạt tăng mạnh so với những tháng trước đó - Ảnh: Internet

Chị Quỳnh (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết "bị sốc" khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5.2020 với số tiền phải trả tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Chia sẻ chuyện này với nhiều người quen, đồng nghiệp, chị mới biết nhiều người cũng chịu chung cảnh như mình.

Chị Quỳnh cho biết mỗi tháng, gia đình chị tiêu thụ điện từ 1.500 kWh đến khoảng 1.800 kWh tương ứng với số tiền điện hằng tháng khoảng 4,6 triệu - 5,1 triệu đồng. Đến hóa đơn tháng 5.2020, tiền điện tăng vọt lên tới 8,6 triệu đồng đồng (gấp đôi so với tháng trước).

Không chỉ riêng gia đình chị Quỳnh, nhiều gia đình khác cũng chịu chung số phận khi phải cầm hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba so với tháng trước đó. Thậm chí, có gia đình về quê nửa tháng 5 mà vẫn phải đóng tiền điện tăng gấp đôi so với tháng 4.2020.

"Nhà mình về quê tránh dịch đến 16.5 mới ra Hà Nội. Tính 15 ngày tháng 5 gia đình không dùng gì mà vẫn hết hơn 600.000 đồng tiền điện, trong khi tháng 2, 3 hết có hơn 300.000 đồng", chị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở nói.

Trước thực tế hoá đơn đột ngột tăng cao, những lời giải thích từ phía EVN cho rằng nắng nóng nên dùng nhiều điều hòa được cho là chưa thỏa đáng. Nhiều ý kiến nghi ngờ rằng công tơ điện chưa chính xác. Trên mạng xã hội nhiều người không khỏi nghi ngờ về sự tác động để điều chỉnh số điện trên công tơ, vì người dân không thể nắm cũng như kiểm soát được số điện năng tiêu thụ hàng ngày.

Vì vậy, nhiều ý kiến người dân đề xuất cho rằng EVN cần phải ứng dụng công nghệ số cho phép khách hàng truy cập kiểm tra chỉ số điện năng tiêu thụ hàng ngày để tránh sai số khi chốt chỉ số điện năng tiêu thụ của mỗi hộ gia đình hàng tháng.

Hay cũng có những đề xuất cho rằng nên để 1 bậc giá điện để tránh thiệt thòi cho người tiêu dùng. Hiện nay, điện sinh hoạt đang được chia làm 6 bậc. Trong đó, bậc 1 từ 0kWh - 50kWh được tính 1.678 đồng/số điện, bậc 6 từ 401kWh trở lên, được tính 2.927 đồng/số điện.

Trước những thắc mắc và hoài nghi của người dân về hóa đơn và công tơ điện, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết hiện nay, giá điện và biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tiền điện sinh hoạt hàng tháng theo Quy định giá bán điện có hiệu lực từ 2019 của Bộ Công Thương đã giúp khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website.

“Không thể có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng. Hóa đơn tiền điện hàng tháng được tính theo mức tiêu thụ điện, chốt chỉ số đúng ngày cũng như tuân thủ theo đúng quy định. Nếu có bất cứ thông tin nào nói chỉ số sai, người dân cần thông báo ngay để EVN phúc tra làm rõ”, ông Lâm cho biết.

Về công tơ điện, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN khẳng định không có chuyện ngành Điện tự điều chỉnh công tơ như thông tin trên các mạng xã hội. Bởi mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại, đều phải được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng.

Cũng theo ông Dũng, trong trường hợp công tơ điện của người dân bị tác động, cơ quan quản lý sẽ nắm được vì thường xuyên có kiểm tra, công tơ điện có niêm phong, có tem kiểm định. Chính vì thế, trong quá trình thu thập chỉ số công tơ, nếu có bất kỳ thay đổi tăng - giảm bất thường của chỉ số điện năng, nhân viên sẽ kiểm tra lại tất cả chỉ số và sẽ phát hiện ra có bị can thiệp hay không.

Theo tính toán của EVN, khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ, mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt sẽ tăng từ 2 – 3% tuỳ từng loại điều hoà người dân sử dụng. Nếu nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Nghiên cứu cho thấy, lượng tiêu thụ điện của điều hòa chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của mỗi gia đình.

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết trong tháng 5, Hà Nội dù chỉ hứng chịu đợt nắng nóng duy nhất kéo dài trong 2 ngày (ngày 20 và 21.5) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày).

Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Với hiệu ứng nhà kính và sức nóng từ các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C. Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9.6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. Đây là lượng điện tiêu thụ cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay.

Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thủ đô trong tháng 6.2020 đã tăng rất cao. Cụ thể, tính đến ngày 12.6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 80,082 kWh, tăng 28% so với tháng 5.2020 và 86% so với tháng 4.2020.

"Như vậy, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6.2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ ngày 1 đến 12.6). Vì vậy, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16.5 đến ngày 15.6.2020, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra", đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho hay.

Đại diện EVN Hà Nội cho biết đơn vị sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của khách hàng và có trách nhiệm kiểm tra, xử lý và giải đáp một cách thỏa đáng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền điện tăng sốc, người dân muốn biết chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày