Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã về nơi an nghỉ cuối cùng sáng nay 30.7. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã đến Nhà tang lễ quốc gia phía nam (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thắp hương tiễn biệt ông.
Lễ tiễn đưa nhạc sĩ Tôn Thất Lập về nơi an nghỉ cuối cùng được tổ chức đơn giản, gọn gàng nhưng rất xúc động. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc điếu văn ghi nhận những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho nền văn nghệ, âm nhạc nước nhà. Thay mặt gia đình, anh Tôn Thất Định (con trai nhạc sĩ Tôn Thất Lập - PV) đã nghẹn ngào nói lời cảm tạ những tình cảm mà mọi người đã dành cho cha anh từ lúc sinh thời cho đến ngày ông mất đi.
Hình ảnh vợ ông, bà Liên Hương ngồi trên xe lăn rồi cố đứng dậy lên trước linh cữu chồng thắp hương bái lạy tiễn biệt đã khiến cho nhiều người không thể cầm được nước mắt.
Đúng 7 giờ, linh cữu nhạc sĩ Tôn Thất Lập rời nhà tang lễ để về nơi an nghỉ cuối cùng ở Nghĩa trang TP.HCM trong niềm tiếc thương vô hạn của những người ở lại.
Video lễ tiễn đưa nhạc sĩ Tôn Thất Lập về nơi an nghỉ cuối cùng
Một số hình ảnh trong lễ tiễn đưa nhạc sĩ Tôn Thất Lập về nơi an nghỉ cuối cùng
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Đà Nẵng, mất ngày 26.7.2023 tại Bệnh viện 175 (TP.HCM), hưởng thọ 82 tuổi.
Ông là một trong những nhạc sĩ tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" bằng nhiều ca khúc hùng tráng cổ vũ phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam. Dấu ấn rất lớn của nhạc sĩ Tôn Thất Lập từ phong trào là một loạt ca khúc Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Tự nguyện, Đêm hồng, Người mẹ Bàn Cờ, Hát cho quê hương...
Sau năm 1975 ông công tác tại Sở VH-TT TP.HCM. Ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.
Nhiều ca khúc của ông sáng tác sau năm 1975 đến ngày qua đời đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi...