Sau khi ly hôn vợ vài năm, do khó khăn về nhà ở, nam giáo viên làm đơn và được Nhà nước cấp đất có trả tiền. Bất ngờ sau khi ly hôn đã 8 năm, người vợ cũ nộp đơn đòi chia phần đất này.

Tiền Giang: Nam giáo viên bị đòi chia tài sản sau khi ly hôn 8 năm

12/05/2020, 11:08

Sau khi ly hôn vợ vài năm, do khó khăn về nhà ở, nam giáo viên làm đơn và được Nhà nước cấp đất có trả tiền. Bất ngờ sau khi ly hôn đã 8 năm, người vợ cũ nộp đơn đòi chia phần đất này.

Khi đất có giá, người vợ cũ bất ngờ làm đơn đòi chia tài sản hình thành sau ly hôn - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Mới đây, tại phiên tòa dân sự về tranh chấp tài sản sau ly hôn, một luật sư ở TP.Cần Thơ dọa sẽ làm đơn tố cáo Chủ tịch UBND H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang vì cho rằng ông này chỉ đạo tòa án “ưu ái” cho đương sự.

Ly hôn năm 2010, năm 2018 kiện đòi chia đất

Theo hồ sơ vụ việc thể hiện, ông Nguyễn Văn Chính (ngụ P.3, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) là giáo viên của Trường THPT Long Bình (xã Long Bình, H.Gò Công Tây). Do không có nhà ở nên ông Chính đã xin Ban giám hiệu nhà trường cho ở nhờ trong khu tập thể của trường.

Năm 2008, ông Chính và vợ là bà Đỗ Thị Cẩm Dung (ngụ ấp Khương Ninh, xã Long Bình) phát sinh mâu thuẫn gay gắt nên sau đó ly thân. Bà Dung dọn ra khỏi khu tập thể và ông Chính cũng đi thuê nhà trọ ở, trả lại phần đất của trường học. Vào tháng 4.2010, ông Chính và bà Dung đã chính thức ly hôn theo bản án số 37/2010/HNGĐ-ST của TAND H.Gò Công Tây.

Sau đó, để có chỗ ở ổn định, ông Chính cùng với một số đồng nghiệp đã gửi đơn xin được xét mua lại một phần đất trong khu tập thể trước đây của nhà trường. Ngày 24.3.2011, Phòng TN-MT có tờ trình số 306TTr/TNMT-ĐGĐ về việc định giá giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với ông Chính.

Ngày 27.4.2011, Phó chủ tịch UBND H.Gò Công Tây Mai Thanh Tuyền đã ký quyết định số 1248/QĐ-UBND về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho ông Chính với diện tích là hơn 610 m2. Trong đó có 149 m2 đất ở, 60 m2 đất trồng cây lâu năm và 403 m2 đất nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất này được tách một phần từ thửa đất số 84, tờ bản đồ địa chính số 36, tại ấp An Khương, xã Long Bình. Số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 168 triệu đồng.

Sau khi nhận được quyết định và được bàn giao đất trên thực địa, ông Chính có liên lạc với người con lớn dự định là nhường lại suất đất mà ông được cấp. Điều kiện là con ông phải tự bỏ tiền ra đóng tiền sử dụng đất cũng như các chi phí phát sinh. Tuy nhiên, do bà Dung ngăn cản nên người con không nhận phần tài sản này cũng như không làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Vì văn bản do Chủ tịch huyện ký đề nghị “ưu ái” cho vợ cũ của ông Chính mà luật sư đòi kiện Chủ tịch huyện ra tòa - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Ngày 10.11.2012, ông Chính được cấp quyền sử dụng đất lần đầu. Ngày 27.11.2012, ông Chính được UBND H.Gò Công Tây cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 2 (hợp 2 thửa đất trên 1 giấy chứng nhận) với tổng diện tích 610 m2. Theo ông Chính, toàn bộ quá trình ông được UBND H.Gò Công Tây xem xét cho thanh lý đất, ra quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp GCNQSDĐ đều diễn ra sau ngày ông và bà Dung ly hôn nên tài sản trên không phải là tài sản chung (ông Chính - bà Dung).

Ngoài ra, ông Chính là người bỏ tiền nộp tiền sử dụng đất theo quyết định giao đất, trực tiếp đi làm thủ tục xin cấp giấy tờ đất và đóng thuế, phí theo quy định mà không sử dụng bất kỳ nguồn tài chính nào từ phía bà Dung nên đây không phải là tài sản của hộ gia đình. Bên cạnh đó, quyết định giao đất, GCNQSDĐ là cấp cho cá nhân ông Chính tại thời điểm ông Chính độc thân nên đây là tài sản cá nhân ông, không liên quan gì đến bà Dung và 2 con.

Thế nhưng, vào tháng 10.2018, bà Dung và 2 con gái đã gửi đơn cho TAND H.Gò Công Tây kiện đòi chia tài sản với ông Chính. Do đó, khi vợ mới của ông Chính (kết hôn vào năm 2017) cùng ông đi làm thủ tục sang tên thì bị giữ luôn GCNQSDĐ cho đến nay.

Luật sư dọa tố cáo Chủ tịch UBND huyện

Sau nhiều lần tạm hoãn, ngày 7.5.2020 vừa qua, TAND H.Gò Công Tây đã đưa vụ kiện ra xét xử. Trình bày về nguồn gốc của mảnh đất đang tranh chấp với ông Chính, bà Dung cho biết: năm 2002, gia đình có làm đơn xin cấp 300 m2 đất cạnh trường Long Bình nhưng sau đó được xem xét đến hơn 600 m2. Sau đó vợ chồng bà cất căn nhà ở từ năm 2002 - 2012. Miếng đất được cấp đều có công sức của 3 mẹ con bà. Trong quá trình ly hôn bà không đòi chia tài sản và việc ông Chính xin cấp GCNQSDĐ vào năm 2012 bà cũng không hề hay biết.

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chính, luật sư Võ Thanh Tĩnh (Đoàn luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng: “Sau khi ly hôn, vào năm 2011 có chủ trương cho giáo viên công chức nhà nước không có chỗ ở được xem xét giao khoán đất công. Do vậy ông Chính có làm đơn xin thanh lý phần đất nêu trên và được xem xét. Phần đất được cấp giấy cũng không nằm trong diện tích đất mà vợ chồng ông Chính cất nhà vào năm 2002, cũng như phía bà Dung không có đơn tranh chấp. Đến nay ông Chính vẫn chưa thể cất nhà trên mảnh đất này do điều kiện kinh tế khó khăn”.

Công văn 256/UBND ngày 10.2.2020 do ông Đinh Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND H.Gò Công Tây ký trả lời cho TAND H.Gò Công Tây, có đoạn: Xét thấy việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Chính là đúng vì chính ông Chính là người nộp tiền thanh lý đất sau khi đã ly hôn với vợ.

Tuy nhiên, theo luật sư Tĩnh, trong nội dung công văn này, bất ngờ có thêm đoạn: “UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho người nộp tiền là ông Chính có làm thiệt thòi cho bà Dung và 2 con. UBND H.Gò Công Tây đề nghị TAND H.Gò Công Tây xem xét giúp đỡ cho bà Dung và 2 con của bà trong vụ kiện tranh chấp tài sản để giảm bớt thiệt thòi”.

Luật sư Tĩnh trình bày thêm tại tòa: “Chúng tôi cho rằng việc chỉ đạo trên của Chủ tịch H.Gò Công Tây là vi phạm pháp luật. Cơ quan hành chính không có quyền can thiệp vào hoạt động của cơ quan tố tụng. Tòa án không phải là cơ quan từ thiện nên không thể giúp đỡ cho bà Dung và 2 con được. Do vậy chúng tôi sẽ làm đơn tố cáo người ký ban hành văn bản này”.

Sau buổi xét xử, TAND H.Gò Công Tây đã quyết định nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào ngày 14.5.

Nguyễn Huỳnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Nam giáo viên bị đòi chia tài sản sau khi ly hôn 8 năm