Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu City of Hope, bang California, Mỹ), hoại tử xương có thể là hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nêu nguyên nhân chính gây hoại tử xương hậu COVID-19 dẫn đến tử vong

Sơn Vân | 12/07/2022, 15:19

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu City of Hope, bang California, Mỹ), hoại tử xương có thể là hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp.

Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay từ đầu năm đến nay đã phát hiện nhiều bệnh nhân từng mắc COVID-19 (cụ thể là nhiễm biến thể Delta) bị hoại tử nặng xương vùng sọ mặt – viêm xoang trên.

Sau khi khỏi COVID-19, những người này bị sưng mắt, sưng vùng trán sọ rồi hoại tử nặng từ hốc mũi lan đến nền sọ. Thậm chí có người bị biến chứng dẫn đến tử vong.

Các bệnh nhân bị hoại tử xương, chủ yếu là hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái, hoại tử nặng ở hốc mũi lan đến nền sọ.

Theo BS.CK2 Trần Anh Bích, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ tháng 5.2021 đến tháng 5.2022, bệnh viện này đã tiếp nhận 11 bệnh nhân từng mắc COVID-19 bị hoại tử nặng xương vùng sọ mặt – viêm xoang. Tất cả họ đều từng nhiễm biến thể Delta, trong đó một số người có bệnh lý đái tháo đường và bệnh nền khác.

Trong số 11 trường hợp được phát hiện, có 2 người đã tử vong, 3 ca được phẫu thuật loại bỏ xương đã bị hoại tử. Các trường hợp khác được điều trị nội khoa hoặc bệnh nhân từ chối điều trị.

Cả 3 trường hợp đã phẫu thuật ghi nhận dưới vùng xương bị hoại tử có nhiều ổ nhiễm trùng tạo mủ, nếu không phẫu thuật sẽ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa tạng. Các bác sĩ đã phẫu thuật, loại bỏ xương hoại tử, điều trị thuốc kháng sinh, kháng nấm… Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe đang bình phục. Các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh, đánh giá nguy cơ và có giải pháp tái tạo xương đã phải cắt bỏ để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Hiện 3 bệnh nhân được phẫu thuật vẫn chưa biết có khỏi bệnh không, hay còn tiếp tục bị phá hủy xương và tạo ổ mủ nữa. Điều này phải sau 6 tháng nữa, kiểm tra lại mới biết chính xác”, bác sĩ Bích chia sẻ.

tien-si-nguyen-hong-vu-neu-nguyen-nhan-chinh-gay-hoai-tu-xuong-hau-covid-19.png
3 người bị hoại tử nặng xương vùng sọ mặt – viêm xoang trên bệnh nhân từng mắc COVID-19 may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thành công, nhưng chưa biết tương lai sẽ ra sao - Ảnh: PV

PGS.TS.BS Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, cho biết hoại tử nặng xương vùng sọ mặt – viêm xoang trên người từng mắc COVID-19 là một tình trạng bệnh lý nặng, hiếm gặp, thường có nguồn gốc từ những ổ viêm nhiễm mãn tính như viêm tai xương chũm, sâu răng, viêm xoang, đặc biệt xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân có thể do bị tắc mạch trong quá trình mắc COVID-19 (biến thể Delta) nên xương bị hủy từ trong tủy. Nhiều trường hợp nhìn bên ngoài vẫn bình thường, nhưng bệnh trong đã mục nát”, bác sĩ Trường nói.

Theo bác sĩ Trường, đây là căn bệnh chưa có tiền lệ. Dấu hiệu gợi ý là tình trạng đau nhiều ở người bệnh. Trong thời gian mắc COVID-19, tình trạng đau thường xuất hiện ở đầu, mặt, răng, khẩu cái, tiến triển âm ỉ kéo dài. Vùng mắt sưng to do viêm xương sọ, viêm xương sọ vùng trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái, răng lung lay, hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ.

Chúng tôi không dám khẳng định 100% bệnh lý trên là do COVID-19. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua trên thế giới đã có khoảng 80 bài báo cáo liên quan tại Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Á, châu Âu… ghi nhận những trường hợp tương tự bệnh nhân đã gặp tại Chợ Rẫy. Có mối liên hệ với COVID-19 vào giai đoạn bùng phát chủng Delta trên bệnh nhân có sử dụng corticoid, đái tháo đường”, bác sĩ Trường thông tin.

Về nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu City of Hope, bang California, Mỹ) lý giải như sau: "Tôi thấy có nhiều báo trong nước ghi nhận những ca bệnh lạ ở những người mắc COVID-19 trước đó. Cho đến nay, tổng cộng đã ghi nhận có 11 ca:

- 2 ca đã tử vong do suy đa tạng.

- 6 ca đã không đồng ý mổ và xin về nhà.

- 3 ca đã được mổ để xử lý các ổ xương hoại tử và điều trị kháng sinh, kháng nấm. Cả ba bệnh nhân hồi phục khả quan.

Dựa trên các tài liệu khoa học nghiên cứu về COVID-19, tôi nghĩ đây là một trong những các hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở xương trên mặt mà còn được ghi nhận xảy ra ở những loại xương lớn khác trên cơ thể như xương hông, đầu gối, vai, xương cùng và cột sống.

Để hiểu được hiện tượng này, đầu tiên chúng ta nên hiểu nguyên nhân của hoại tử xương. Cũng như các mô khác trên cơ thể của chúng ta, mô xương cũng cần được 'nuôi bằng máu'.

Trong khối xương cứng kia thực ra chứa rất nhiều các mạch máu li ti để đưa máu đến cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào xương. Hoại tử xương thường do tắc nghẽn các mạch máu này mà dẫn đến các tế bào xương chết đi, làm cho mô bị hoại tử. Trong lĩnh vực chuyên môn, người ta thường dùng từ Avascular Necrosis để mô tả cho hiện tượng này.

Theo kết quả nghiên cứu về các hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu COVID-19, nguyên nhân chính có thể do sự hình thành các cục máu đông khi vi rút SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu qua thụ thể ACE2. Việc hư hại của các tế bào thành mạch máu (thường ở những người bệnh nặng) có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tập trung các tế bào miễn dịch như neutrophil, các tiểu cầu, nhân tố Von Willebrand (một trong những nhân tố gây đông máu) gây nên hiện tượng hình thành các cục máu đông.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng tỉ lệ xảy ra tình trạng đông máu hậu COVID-19 là việc sử dụng các thuốc điều trị dạng corticoid quá dài, tình trạng nhiễm nấm (mucormycosis), tiểu đường,...

Tóm lại, đây là một trong những biến chứng hậu COVID-19 nguy hiểm nhưng người dân đừng quá hoang mang, lo lắng vì tỉ lệ xảy ra “rất thấp”. Từ những dữ liệu có được cho đến nay, các chuyên gia khuyến cáo nên chú ý đến hiện tượng hoại tử xương khi những người mắc COVID-19 có các dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân (cho thấy khớp háng bị cứng), thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt là ở những người đã trải qua bệnh COVID-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài trong quá trình điều trị.

tien-si-nguyen-hong-vu-neu-nguyen-nhan-chinh-gay-hoai-tu-xuong-hau-covid-19-23.png
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, nguyên nhân chính gây hoại tử xương hậu COVID-19 có thể do sự hình thành các cục máu đông khi vi rút SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu qua thụ thể ACE2

Cuối cùng, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ khuyên: “Mọi người đừng vì thông tin này mà tự bỏ tiền túi ra đi làm cho được các xét nghiệm mắc tiền như MRI, CT để xem xương mình có sao không. Nên nhớ là tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19 này là rất nhỏ. Hãy lắng nghe cơ thể của mình và trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị có chuyên môn nếu bạn lo lắng”.

Bài liên quan
Tiêm vắc xin giúp giảm bao nhiêu nguy cơ bị di chứng hậu COVID-19?
Theo một nghiên cứu lớn từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ, tiêm vắc xin giúp giảm khoảng 15% nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nêu nguyên nhân chính gây hoại tử xương hậu COVID-19 dẫn đến tử vong