Theo Guardian, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp nhận từ chức trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ của ông rút khỏi nhiệm sở để phản đối nhà lãnh đạo này.
Động thái vẫy cờ trắng của Thủ tướng Johnson khá bất ngờ nhưng cũng không bất ngờ.
Bất ngờ là bởi trước một ủy ban của Hạ viện chiều 6.7, Thủ tướng Boris Johnson còn hùng hồn phát biểu ông không thể ra đi vì những thách thức mà Vương quốc Anh phải đối mặt. Ông nói: "Tôi nhìn vào cuộc chiến lớn nhất ở Châu Âu trong 80 năm và tôi thật vô trách nhiệm nếu ra đi”.
Nhưng việc ông phải ra đi cũng không quá bất ngờ khi uy tín của ông không còn, ngay cả với người trong đảng bảo thủ. Trong vòng chưa đầy 24h qua, ít nhất 50 bộ trưởng, quốc vụ khanh và các quan chức cấp cao trong chính phủ của ông Johnson đã đệ đơn từ chức.
Hãng tin Reuters cho hay trong số các quan chức cấp cao từ chức có Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế Sajid Javi, Bộ trưởng Môi trường Jo Churchill, Bộ trưởng Nhà ở Stuart Andrew, Bộ trưởng phụ trách Gia đình và Trẻ em Will Quince, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bình đẳng, Nhà ở, Cộng đồng Michael Gove và Quốc vụ khanh phụ trách các tiêu chuẩn trường học Robin Walker...
Đây hầu hết là các đồng minh thân cận của Thủ tướng Johnson. Nhiều nghị sĩ từng ủng hộ Thủ tướng Johnson trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cách nay 1 tháng cũng lên tiếng cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để nhà lãnh đạo Anh ra đi.
Cuối cùng trước áp lực đó, Thủ tướng Johnson đã phải chấp nhận từ chức 1 ngày sau phiên chất vấn hằng tuần tại Hạ viện Anh. Sau khi từ chức, ông Boris Johnson sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền tới khi Anh bầu chọn được người mới lãnh đạo Số 10 Phố Downing.
Nguyên nhân khiến ông Johnson mất uy tín là ngoài những bê bối kiểu đời tư thì do chính sách điều hành kinh tế kém cỏi. Theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22.6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân.
Thực ra, bối cảnh khó khăn của nước Anh cũng là khó khăn chung của châu Âu và quốc tế do hiệu ứng cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, việc ông Johnson không lo tập trung giải quyết vấn đề trong nước mà mải mê đóng vai người truyền cảm hứng cho Ukraine đã khiến cho tình hình trong nước thêm rối.
Như vậy, sau khi chính phủ Bulgaria sụp đổ thì đến lượt chính phủ Anh của thủ tướng Johnson tiếp bước sau khi mải theo đuổi cuộc chiến chống Nga mà không quan tâm đúng mức tình hình trong nước.