Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là CNTT đang trở thành một xu thế trong kỷ nguyên 4.0 đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực; và ngành Tài nguyên và Môi trường cũng không ngoại lệ.
Một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2020 vừa được công bố chính là việc tích hợp, vận hành Chính phủ điện tử, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với khối lượng thông tin dữ liệu lớn và chất lượng cung ứng dịch vụ công lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thiết lập cơ sở hạ tầng CNTT đã đảm bảo hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt đã tổ chức hàng loạt hội nghị quốc tế quy mô khu vực và toàn cầu thông qua hình thức trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) ngành tài nguyên và môi trường được đánh giá cao.
Ngày 4.6.2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức khai trương Trung tâm điều hành thông minh của Bộ. Trung tâm do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế và các đơn vị đã xây dựng giải pháp triển khai, là một trong những giải pháp tích hợp kết nối với nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quan trọng khác của Bộ và ngành tài nguyên và môi trường, bao gồm Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử, hệ thống quản lý kết quả nhận và giải quyết thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, viên chức… để hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai từ năm 2016 với sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT-TT, Ban Cơ yếu chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ Viettel, VNPT, VNPOST, FPT, DELL, Mircrosoft, ESRI…
Phát triển nguồn lực ngành tài nguyên môi trường
Chương trình KH-CN cấp quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020 được tổng kết đánh giá với nhiều đóng góp quan trọng. Nhiều đề tài, công trình đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; xuất bản sách chuyên khảo, chuyên ngành; công bố 233 bài báo, trong đó 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus, 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước.
Chương trình đã tập hợp, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường thông qua việc tăng cường đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu với 1.844 thạc sĩ, 980 tiến sĩ, 186 phó giáo sư, 38 giáo sư.
Các kết quả của Chương trình góp phần nghiên cứu, ứng dụng, cung cấp luận cứ khoa học, công cụ, mô hình tiên tiến, giải pháp, cơ chế chính sách có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và các nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ thực hiện hiệu quả hơn với những thách thức về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của nước. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần tăng cường năng lực, giải pháp quản lý và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia thời gian tới.
Cũng trong năm 2020, nhiều cá nhân ngành tài nguyên và môi trường được quốc tế vinh danh. Cụ thể, Tổ chức UNESCO bổ nhiệm PGS.TS Trần Tân Văn đảm nhiệm thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2024; PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được Tạp chí Asian Scientits xếp hạng 23/100 nhà khoa học tiêu biểu của Châu Á năm 2020 với công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo.