Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 13.5, ông Phan Thanh Bình thông tin về việc Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xin phép vắng mặt để làm việc với đoàn thanh tra khu đô thị Thủ Thiêm.

Tiếp xúc cử tri chiều 13.5: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân vắng mặt vì bận tiếp thanh tra

Tố Loan | 13/05/2018, 19:19

Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 13.5, ông Phan Thanh Bình thông tin về việc Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xin phép vắng mặt để làm việc với đoàn thanh tra khu đô thị Thủ Thiêm.

Chiều 13.5, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cùng các ông Trần Hoàng Ngân (Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM) và ông Ngô Minh Châu (Phó giám đốc Công an TP.HCM) đã có buổi gặp gỡ với cử tri quận 8.

Tại buổi tiếp xúc, ông Phan Thanh Bình cho biết đã lắng nghe các ý kiến của người dân và tổng kết được 4 vấn đề chính gồm tổ chức cán bộ,đấu tranh phòng chống tham nhũng, quản lý sử dụng đất; quy hoạch đô thị.

"Các cử tri nói nhiều về công tác phòng chống tham nhũng và quy hoạch đô thị. Đây là 2 vấn đề quan trọng của thành phố. Đáng lẽ hôm nay Bí thư Nguyễn Thiện Nhân sẽ có mặt ở đây để lắng nghe chia sẻ của các cử tri, nhưng Bí thư xin phép vắng mặt vì đang làm việc với đoàn thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm", ông Bình thông tin.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc, các cử tri chia sẻ sự vui mừng trước những thành tựu về kinh tế, xã hội mà thành phố nói riêng, cả nước nói chung đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời góp ý những vấn đề còn tồn tại.

Cử tri Trang Hùng Châu (trú phường 6) cho rằng việc mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5.000 là vấn đề nghiêm trọng. "Đây là công trình lớn, được kỳ vọng là gương mặt mới của thành phố, nhưng không có bản đồ thì giải tỏa, xây dựng, đầu tư kiểu gì?", ông Châu đặt câu hỏi.

Ngoài ra, ông đề nghị thêm việc các đại biểu HĐND tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, và có hướng giải quyết cho những người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa đất mà chưa được đền bù thỏa đáng, dẫn đến việc thường xuyên phải đi khiếu nại, tố cáo, cuộc sống không ổn định trong 20 năm qua.

Cử tri Trương Hồng Sơn (trú phường 16) phản ảnh còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng.

"Mong Chính phủ quản lý việc sử dụng đất của các khu vực quy hoạch, để không phát sinh khiếu kiện, làm sai lệch mục đích sử dụng quỹ đất, và nhất là ảnh hưởng tới lòng dân".

Cử tri này cũng nhắc tới vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt) và kiến nghị liên tục kiểm tra công tác PCCC tại các khu nhà dân, các chung cư, công khai chung cư vi phạm để không xảy ra hỏa hoạn đau lòng như vừa qua.

Nhiều cử tri lên tiếng về những vấn đề tham nhũng, kiện toàn bộ máy nhà nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc (ngụ phường 9) bày tỏ sự ủng hộ việc xử lý những quan tham, các nhóm lợi ích, cơ quan công quyền câu kết, bao che, nhũng nhiễu dân.

"Cần sớm công khai vi phạm, ban hành luật phòng chống tham nhũng, chỉ rõ những vi phạm của những vị quan đang vơ vét, đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính, đặc biệt là ở các ngành thuế, hải quan, quản lý đất đai, xây dựng", bà Ngọc nói.

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là tinh giản biên chế. "Càng giảm càng phình ra", ông Vũ Thành Dương (ngụ phường 15) khẳng định.

Theo ông Dương, vài năm gần đây, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh còn nhiều thủ tục này lại tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian, khiến tỷ lệ giữ chức danh ở một số cơ quan ở mức cao, không hợp lý. Việc sử dụng lao động làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.

Cử tri cũng kiến nghị thành phố xem xét các vấn đề tồn tại ở BOT Cai Lậy, quản lý sử dụng đất, lương hưu, BHXH, chất lượng bệnh viện, cải cách giáo dục...

Theo Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp xúc cử tri chiều 13.5: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân vắng mặt vì bận tiếp thanh tra