Theo nguồn tin của Bloomberg, TikTok chuẩn bị sa thải giám đốc chủ chốt chịu trách nhiệm thuyết phục chính phủ Mỹ rằng công ty đã làm đủ tốt để ngăn chặn những lo ngại liên quan an ninh quốc gia về mối liên hệ của họ với Trung Quốc. Thế nhưng, người phát ngôn TikTok đã bác tin này.
Thế giới số

TikTok bác tin loại bỏ giám đốc chịu trách nhiệm giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ

Sơn Vân 22/04/2024 18:35

Theo nguồn tin của Bloomberg, TikTok chuẩn bị sa thải giám đốc chủ chốt chịu trách nhiệm thuyết phục chính phủ Mỹ rằng công ty đã làm đủ tốt để ngăn chặn những lo ngại liên quan an ninh quốc gia về mối liên hệ của họ với Trung Quốc. Thế nhưng, người phát ngôn TikTok đã bác tin này.

Erich Andersen, Giám đốc pháp lý ở Mỹ của TikTok và công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc), đã dẫn đầu các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với chính phủ Mỹ nhằm chứng minh rằng ứng dụng này đã hoạt động đủ tốt để ngăn Trung Quốc truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ hoặc ảnh hưởng đến những gì họ xem trên nguồn cấp dữ liệu.

Những nỗ lực đó đã không thể thuyết phục được ủy ban liên cơ quan thuộc chính phủ Mỹ tiến hành đánh giá an ninh với TikTok và các nhà làm luật đưa ra dự luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ.

Hôm 20.4, Hạ viện đã thông qua dự luật yêu cầu TikTok phải được ByteDance bán trong vòng 1 năm hoặc đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.

Theo nguồn tin của trang Bloomberg, TikTok đang lên kế hoạch để Erich Andersen rời khỏi vai trò hiện tại của mình. Một nguồn tin cho biết Erich Andersen hiện vẫn làm việc ở TikTok.

Khi được hỏi liệu TikTok có sắp loại bỏ ông khỏi vai trò giám đốc pháp lý hay không, Erich Andersen đã chuyển câu hỏi cho đội truyền thông của công ty.

Alex Haurek, người phát ngôn của TikTok, đã phủ nhận hoàn toàn điều này: "Thông tin đó 100% sai sự thật".

Dự luật yêu cầu bán hoặc cấm TikTok đang được đẩy nhanh để trở thành luật, với việc Thượng viện dự kiến thông qua nó vào tuần tới. Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã tuyên bố ông sẽ ký ban hành luật nếu dự luật được thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện, yêu cầu TikTok phải được bán trong vòng một năm.

Erich Andersen gia nhập TikTok vào năm 2020. Trước đó, ông là Phó chủ tịch phụ trách sở hữu trí tuệ tại Microsoft.

tiktok-bac-tin-loai-bo-giam-doc-chiu-trach-nhiem-giai-quyet-cac-lo-ngai-ve-an-ninh-quoc-gia-my.jpg
TikTok bác tin loại bỏ Erich Andersen khỏi vai trò giám đốc pháp lý ở Mỹ - Ảnh: Internet

TikTok: Dự luật của Hạ viện Mỹ 'chà đạp' quyền tự do ngôn luận

TikTok hôm 21.4 một lần nữa bày tỏ lo ngại về quyền tự do ngôn luận liên quan đến dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua.

Hạ viện đã thông qua dự luật này với tỷ lệ 360 đồng ý và 58 phản đối. Hiện dự luật được chuyển đến Thượng viện, nơi nó có thể được đưa ra bỏ phiếu trong những ngày tới.

Nhiều nhà làm luật Mỹ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng như chính quyền Biden cho rằng TikTok gây ra rủi ro an ninh quốc gia vì chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty này chia sẻ dữ liệu của 170 triệu người dùng ở Mỹ.

Việc đưa TikTok vào gói viện trợ nước ngoài rộng lớn hơn có thể đẩy nhanh tiến độ cho lệnh cấm tiềm năng, sau khi một dự luật riêng biệt trước đó bị đình trệ tại Thượng viện. Gói viện trợ nước ngoài thường được sử dụng để tài trợ cho các nỗ lực an ninh quốc gia, nên việc đưa TikTok vào gói này có thể ngầm ám chỉ rằng ứng dụng này là mối đe dọa an ninh.

“Thật không may khi Hạ viện sử dụng lý do hỗ trợ nhân đạo và viện trợ nước ngoài quan trọng để thúc đẩy thông qua một dự luật cấm TikTok, điều này sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ”, TikTok cho biết trong một tuyên bố.

Hồi tháng 2, TikTok đã chỉ trích dự luật ban đầu của Hạ viện (hiện bị đình trệ tại Thượng viện), nói rằng nó sẽ "kiểm duyệt hàng triệu người Mỹ". Công ty Trung Quốc cũng lập luận tương tự rằng lệnh cấm của bang Montana với TikTok vào năm ngoái là vi phạm Tu chính án thứ nhất.

Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.

Liên minh Tự do Dân sự Mỹ cũng phản đối dự luật của Hạ viện vì lý do hạn chế quyền tự do ngôn luận. TikTok khẳng định chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo ở Thượng viện, hôm 21.4 nói TikTok có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng làm công cụ tuyên truyền, đồng thời lưu ý rằng “nhiều người trẻ” sử dụng ứng dụng này để tiếp nhận tin tức.

Ông nói với kênh CBS News: “Ý tưởng rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Trung Quốc một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ như vậy cùng khả năng thu thập dữ liệu cá nhân của 170 triệu người Mỹ, là một rủi ro an ninh quốc gia”.

Viện The Knight First Amendment tại Đại học Columbia, một nhóm tự do ngôn luận, cho biết dự luật mới nhất “không mang lại lợi ích thực sự” vì Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ vẫn có thể mua dữ liệu người Mỹ từ các nhà môi giới trên thị trường mở và tham gia các chiến dịch thông tin sai lệch bằng cách sử dụng nền tảng truyền thông xã hội tại Mỹ.

Một số đảng viên đảng Dân chủ cũng nêu lên mối lo ngại về quyền tự do ngôn luận về lệnh cấm và thay vào đó đề xuất luật bảo mật dữ liệu mạnh mẽ hơn.

Hôm 21.4, nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna nói với ABC News rằng ông cảm thấy lệnh cấm TikTok có thể không vượt qua được sự giám sát pháp lý tại các tòa án, viện dẫn quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ.

Hạ viện từng bỏ phiếu để thông qua dự luật ban đầu vào ngày 13.3, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trong khoảng 6 tháng hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này phải đối mặt với lệnh cấm. Trong khi đó, dự luật được Hạ viện thông qua hôm 20.4 đưa ra thời hạn 9 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng nếu Tổng thống Mỹ xác định được tiến độ hướng tới việc thoái vốn.

Maria Cantwell, Chủ tịch Ủy ban Thương mại ở Thượng viện, bày tỏ sự ủng hộ với dự luật mới nhất. Trước đó, bà đã yêu cầu Hạ viện sửa đổi một số chi tiết trong dự luật ngày 13.3.

TikTok cũng là chủ đề trò chuyện trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4. Ông Biden nêu lên mối lo ngại về quyền sở hữu ứng dụng này.

Ngay từ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ cấm TikTok, nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra.

Đầu tháng 3.2023, chính quyền Biden đã yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm này chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ Mỹ.

Cả Cục Điều tra liên bang (FBI) lẫn Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ hơn một lần cảnh báo việc chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC giữa tháng 3, Steven Mnuchin (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ) cho biết ông đang xây dựng một nhóm các nhà đầu tư có thể mua lại TikTok trong vòng 6 tháng.

Việc này diễn ra sau khi Hạ viện Mỹ hôm 13.3 đã thông qua một dự luật lưỡng đảng.

“Tôi nghĩ dự luật này nên được thông qua và TikTok nên được bán đi. Đó là doanh nghiệp tuyệt vời và tôi sẽ thành lập một nhóm để mua TikTok”, Steven Mnuchin, người lãnh đạo công ty Liberty Strategic Capital, nói trên CNBC.

Có điểm chung giữa Liberty Strategic Capital và ByteDance. Quỹ SoftBank Vision của tỷ phú Son Masayoshi đã đầu tư vào ByteDance vào năm 2018 và cũng là đối tác với Liberty Strategic Capital.

“TikTok nên thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Mỹ. Không đời nào người Trung Quốc lại để một công ty Mỹ sở hữu thứ như thế này ở Trung Quốc”, Steven Mnuchin nói.

Thế nhưng, kế hoạch của ông đang vấp phải sự hoài nghi.

Thứ nhất, TikTok, với hơn 170 triệu người dùng đang hoạt động ở Mỹ, rất đắt tiền. Theo ước tính, ứng dụng này trị giá 100 tỉ USD, CNN đưa tin. Hãy nhớ lại chuyện Elon Musk, một trong những người giàu nhất thế giới, từng gặp khó khăn mới huy động được số tiền cần thiết để mua lại Twitter (hiện là X) với mức giá 44 tỉ USD.

Thứ hai, Steven Mnuchin báo hiệu rằng ông có thể vượt qua rào cản của Trung Quốc về cấm xuất khẩu thuật toán công nghệ bằng cách xây dựng lại TikTok từ đầu, tờ The Washington Post đưa tin.

“Ứng dụng này cần được xây dựng lại ở Mỹ, nó cần phải là công nghệ của Mỹ”, Steven Mnuchin tuyên bố.

Nói cách khác, Steven Mnuchin muốn mua TikTok mà không có thuật toán cung cấp nội dung phù hợp cho người dùng (được phát triển ở Trung Quốc). Đây là thành phần chính khiến ứng dụng này trở nên có giá trị và gây nghiện. Một số người tỏ ra hoài nghi về đề xuất này.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói với các nhà đầu tư tiềm năng rằng việc mua TikTok mà không có thuật toán của nó có thể khiến giá ứng dụng này rẻ hơn, hai nguồn tin tiết lộ với The Washington Post. Tuy nhiên, chính những gì ẩn sâu bên trong đã khiến TikTok thành công đến vậy và có thể thu hút hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu.

Bài liên quan
Các chính trị gia châu Âu vẫn dùng TikTok bất chấp lo ngại về bảo mật dữ liệu
Hãng Reuters cho biết mặc dù bị phương Tây nghi ngại cung cấp dữ liệu người dùng cho Trung Quốc nhưng TikTok vẫn được giới chính trị gia châu Âu sử dụng để thu hút giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TikTok bác tin loại bỏ giám đốc chịu trách nhiệm giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ