Giữ vai trò giám đốc điều hành sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook giúp Apple vượt qua bao sóng gió để từng trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Hiện Apple là công ty có vốn hóa thị trường cao thứ hai thế giới sau Microsoft.
Khi Apple vượt qua mức vốn hóa thị trường 2.000 tỉ USD vào năm 2020, Tim Cook lần đầu tiên đạt được vị thế tỷ phú.
Ông sống trong ngôi nhà trị giá 2,3 triệu USD ở thành phố Palo Alto (bang California, Mỹ) nhưng hiếm khi có những kỳ nghỉ đắt tiền và không sở hữu du thuyền hay máy bay riêng như các CEO công nghệ khác. Giống một số đồng nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, Tim Cook cam kết sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình.
Sáng 15.4, Tim Cook bất ngờ đến Hà Nội bằng máy bay riêng trong chuyến thăm kéo dài dự kiến 2 ngày, nơi ông sẽ có một lịch trình dày đặc để gặp gỡ các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung và phát triển ứng dụng nổi bật trên App Store.
Ngay khi vừa đến Hà Nội, Giám đốc điều hành Apple hào hứng cho biết: "Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường".
Với sự xuất hiện của Tim Cook tại Việt Nam, Apple cũng thông báo tăng cường cam kết với nước ta, bao gồm nâng các khoản chi cho nhà cung cấp, tài trợ cho sáng kiến nước sạch tại các trường học địa phương.
Dù Tim Cook ngày nay được công nhận trên toàn cầu với tư cách là nhà lãnh đạo của một trong những hãng công nghệ quan trọng nhất, ông lại xuất phát từ nền tảng khiêm tốn.
Tim Cook sinh ra ở thành phố Mobile (bang Alabama, Mỹ) vào năm 1960. Cha ông, Donald Cook, là công nhân xưởng đóng tàu và mẹ ông, Geraldine Cook, làm việc tại một hiệu thuốc.
Tim Cook tốt nghiệp Đại học Auburn ở Alabama năm 1982 với bằng kỹ sư công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học này, Tim Cook làm việc tại IBM 12 năm. Tại IBM, ông đã lấy được bằng MBA ở Đại học Duke bằng cách tham gia các lớp học ban đêm.
Tim Cook bị chẩn đoán nhầm mắc bệnh đa xơ cứng vào năm 1996, trải nghiệm mà CEO Apple nói rằng đã khiến ông nhìn thế giới theo một cách khác. Kể từ đó, Tim Cook được biết đến như người yêu thích tập thể hình.
Khi rời IBM, Tim Cook giữ vai trò Giám đốc vận hành (COO) Intelligent Electronics. Tiếp đó, ông trở thành Phó chủ tịch phụ trách vật liệu doanh nghiệp tại Compaq, một trong những nhà sản xuất PC nổi tiếng nhất thời đó.
Trong khi Steve Jobs vừa lên nắm quyền tại Apple với tư cách là CEO, sau khi Gil Amelio bị phế truất. Steve Jobs phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vực dậy Apple sau nhiều năm lụi tàn. Ông đi tìm lực lượng mới cho đội ngũ điều hành của mình. Steve Jobs tiếp cận Tim Cook, xác định ông là một ứng cử viên tiềm năng cho đội ngũ mới ở Apple.
Tim Cook đã làm việc tại Apple vào năm 1998 với tư cách là Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu. Đó hẳn là một quyết định khó khăn với Tim Cook. Năm 1997, Apple trở thành trò cười trong ngành khi Michael Dell (Giám đốc điều hành Dell), một trong những đối tác thân cận nhất của Microsoft, từng nói rằng: “Nếu ông rơi vào hoàn cảnh của Steve Jobs thì tôi sẽ đóng cửa Apple và trả lại tiền cho các cổ đông”.
Tim Cook trải qua thất bại lớn nhất cùng Steve Jobs chỉ vài năm sau đó, chỉ ra rằng quá trình vực dậy Apple không hề dễ dàng. Năm 2000, Apple phát hành Power Mac G4 Cube, chiếc PC nhỏ mà Tim Cook gọi là "kỳ quan kỹ thuật", nhưng lại không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Thế nhưng, Tim Cook cho biết thất bại đó đã dạy cho ông một bài học quan trọng về sự khiêm tốn và trung thực về tư duy.
"Thực ra đây là một điều khác mà Steve đã dạy tôi. Bạn phải sẵn sàng nhìn mình trong gương và nói: Tôi đã sai, điều đó không đúng", Tim Cook thổ lộ trong chuyến thăm Đại học Oxford (Anh) năm 2017.
Một trong những thành công ban đầu lớn nhất của Tim Cook là đóng cửa các nhà máy và kho hàng Apple và thay thế chúng bằng các nhà sản xuất theo hợp đồng. Điều này nghĩa là các thiết bị của Apple có thể được sản xuất với số lượng lớn hơn và giao hàng nhanh hơn.
Năm 2005, Tim Cook bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư có thể đặt nền móng cho tương lai của Apple, gồm cả việc hình thành các thỏa thuận quan trọng với các nhà sản xuất về bộ nhớ flash, thành phần lưu trữ tạo nền tảng cho iPhone và iPad sau này.
Nhờ vào chuyên môn quản lý, địa vị của Tim Cook trong công ty tăng lên nhanh chóng. Apple trên đà phát triển và có lợi nhuận lớn nên Tim Cook càng được đánh giá cao. Khi ảnh hưởng của ông ngày càng lớn, Tim Cook trở nên nổi tiếng trong công ty với phong cách đặt câu hỏi không khoan nhượng, sẵn sàng tổ chức cuộc họp kéo dài nhiều giờ, thích gửi email vào mọi thời điểm và đợi nhận câu trả lời.
Năm 2007, Apple giới thiệu iPhone - thiết bị đã thay đổi mọi thứ. Cùng năm đó, Steve Jobs đã đưa Tim Cook đến gần hơn với vai trò cốt lõi của doanh nghiệp khi bổ nhiệm ông làm COO.
Với vai trò mới, Tim Cook đã giúp điều hành hoạt động kinh doanh của Apple và xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện công cộng trước các giám đốc điều hành, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư.
Đề nghị hiến gán cho Steve Jobs
Năm 2009, Tim Cook được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Apple tạm thời trong khi Steve Jobs nghỉ phép vì sức khỏe suy giảm. Setve Jobs được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy vào năm 2003 và căn bệnh này bắt đầu tác động đến ông.
Khi biết Steve Jobs phải phẫu thuật ghép gan, Tim Cook thậm chí đề nghị hiến tặng một phần lá gan của mình bởi cả hai có chung một nhóm máu hiếm. Thế nhưng, Steve Jobs từ chối và nói: "Tôi sẽ không bao giờ cho phép cậu làm điều đó. Tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra".
"Steve Jobs chỉ to tiếng với tôi đúng 4 lần trong suốt 13 năm làm việc cùng ông. Đó là 1 trong 4 lần đấy”, Tim Cook chia sẻ về khoảnh khắc đó.
Vào tháng 1.2011, Tim Cook một lần nữa đảm nhận vị trí CEO Apple tạm thời khi Steve Jobs nghỉ phép vì lý do y tế. Đến tháng 8.2011, Steve Jobs từ chức để tập trung vào sức khỏe của mình và hội đồng quản trị khi đó đã bổ nhiệm Tim Cook làm CEO chính thức của Apple. Khi Steve Jobs qua đời vào tháng 10.2011, Tim Cook đã cho treo cờ rủ trong khuôn viên trụ sở Apple để tưởng nhớ ông.
Tim Cook coi khoảng thời gian sau khi Steve Jobs qua đời là giai đoạn cô đơn nhất trong cuộc đời ông. "Khi mọi chuyện lắng xuống, tất cả những gì tôi biết là sẽ phải trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình", Tim Cook thổ lộ.
Tim Cook phải gánh trên vai trách nhiệm vô cùng lớn, đặc biệt khi iPhone là một sản phẩm Apple được yêu thích trên toàn thế giới và Steve Jobs được coi là một trong những CEO vĩ đại nhất trong lịch sử.
“Món quà lớn nhất của ông ấy không phải là một sản phẩm đơn lẻ, mà là chính Apple”, Tim Cook nói về Steve Jobs vào năm 2017.
Steve Jobs từng nói rằng làm ra mọi thứ với "sự quan tâm và tình yêu lớn lao là điều giữ cho Apple luôn là mình". Tim Cook nói rằng ông tin rằng tầm nhìn của Steve Jobs tồn tại ở mọi nơi trong công ty.
"Triết lý của Steve Jobs sẽ có ở Apple 100 năm nữa"
Trong bài viết trên tạp chí Popular Mechanics hồi tháng 8.2022, Tim Cook hồi tưởng về Steve Jobs: "Tôi nghĩ về ông ấy rất nhiều. Tôi nhớ ông rất nhiều. Ông ấy sẽ luôn ghé qua văn phòng của tôi trên đường đi ra ngoài. Không bao giờ có sự thay thế cho điều đó. Chúng tôi sẽ trao đổi mẩu tin trong ngày và nói về tương lai... Chúng tôi cố gắng thực hiện sứ mệnh mà ông ấy đã đặt ra, đó là xây dựng những sản phẩm tốt nhất trên thế giới làm phong phú thêm cuộc sống của mọi người. Và điều đó không thay đổi. Rất nhiều thứ thay đổi theo thời gian, nhưng lý do tồn tại của chúng tôi giống nhau".
Tim Cook thậm chí còn đề cập đến việc Steve Jobs thường xuyên không hài lòng, đặc điểm vẫn là một phần của Apple ngày nay.
"Tôi nghĩ ông ấy sẽ tìm thấy những thứ mình yêu thích và những thứ mà ông sẽ nói: 'Chúng ta có thể làm tốt hơn về điều đó'. Tôi nghĩ ông ấy sẽ làm cả hai. Chúng tôi không bao giờ thực sự hài lòng. Chúng tôi luôn nỗ lực cho ngày mai", Tim Cook kể thêm.
Giám đốc điều hành Apple đã đề cập đến cách công ty thực hiện một điều mà Steve Jobs muốn hoàn thành và cải thiện nó rất nhiều.
Theo Tim Cook, Steve Jobs muốn có máy Mac trong mọi lớp học. "Sau đó, chúng tôi đã sửa đổi điều đó để tất cả mọi người trong lớp học đều có máy Mac của riêng họ", ông lưu ý.
Khi được hỏi làm thế nào Apple có được những ý tưởng của mình, Tim Cook nói rằng nó không phải từ sự hiển linh. Tất cả bắt đầu từ việc suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề của người dùng.
Từ đó, Tim Cook cho hay: "Bạn chọn các nhóm khác nhau nhìn vấn đề qua các lăng kính khác nhau. Chúng tôi tranh luận về những điều chúng tôi làm và không làm, bởi chúng tôi biết rằng chỉ có thể làm tốt một số điều. Bạn phải tranh luận và nói ‘không có nhiều ý tưởng tuyệt vời’ để có thể dành thời gian của mình cho những ý tưởng thực sự không thể tin được".
Tim Cook cho biết mục tiêu của ông là điều hành Apple giống hệt như cách Steve Jobs từng làm. Song ảnh hưởng của Steve Jobs vẫn được cảm nhận mạnh mẽ tại Apple và có khả năng sẽ luôn như vậy.
"Chúng tôi không ngồi xung quanh và nói: ‘Steve sẽ làm gì?’. Ông ấy bảo chúng tôi đừng làm vậy. Song thực tế ông ấy là người thầy tốt nhất mà tôi từng có. Những lời dạy đó tồn tại không chỉ trong tôi mà cả hàng loạt người tại Apple", Tim Cook cho biết tại Hội nghị Code 2022 của công ty truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Vox Media ở thành phố Los Angeles (Mỹ).
Một ví dụ về ảnh hưởng lâu dài của Steve Jobs tại Apple: Tim Cook cho biết đã duy trì truyền thống của người đồng sáng lập quá cố là tổ chức các cuộc họp dành cho các lãnh đạo hàng đầu Apple lúc 9 giờ sáng thứ Hai hằng tuần để thảo luận về các vấn đề lớn nhất của công ty.
Tim Cook nói: “Theo nhiều cách, công ty vẫn vận hành theo cách mà Steve đã thiết lập”, đồng thời trích dẫn thông lệ của Apple là chỉ có một báo cáo lãi và lỗ, trái ngược với việc chia công ty thành các đơn vị kinh doanh riêng biệt cho từng nhóm sản phẩm. Điều đó vẫn xảy ra miễn là Tim Cook còn là Giám đốc điều hành Apple.
Trong bài phát biểu năm 2017 tại Đại học Glasgow (Scotland), Tim Cook cho biết Steve Jobs là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời ông và triết lý của Steve Jobs “sẽ vẫn ở Apple 100 năm nữa”.
“DNA của Steve sẽ luôn là cốt lõi của Apple. Steve đã gắn bó sâu sắc với công ty”, Tim Cook nhấn mạnh.
Điều đó không có nghĩa là Tim Cook và Steve Jobs không bao giờ bất đồng. Giám đốc điều hành Apple chỉ ra rằng tranh luận về công việc thường là cách duy nhất để đảm bảo tiếng nói của bạn được lắng nghe.
“Luôn luôn có tranh luận. Tôi biết có một câu chuyện truyền miệng rằng bạn không được tranh luận với ông ấy, nhưng điều đó không đúng. Trên thực tế, nếu bạn không tranh luận với Steve, ông sẽ hạ gục bạn. Ông ấy không làm việc tốt với những người không cảm thấy thoải mái khi tranh luận và phản bác", Tim Cook kể.
Theo Tim Cook, một cuộc tranh luận như vậy là về chiến lược bán hàng của Apple cho iPhone khi smartphone này ra mắt vào năm 2007.
Steve Jobs lập luận về việc Apple nhận được một phần doanh thu hằng tháng của các nhà cung cấp dịch vụ smartphone. Khi đó còn là Giám đốc vận hành Apple, Tim Cook muốn có mô hình trợ giá, trong đó các nhà mạng sẽ trả trước cho Apple một phần chi phí iPhone và sau đó kiếm lại số tiền đó từ phí đăng ký hàng tháng của khách hàng.
“Cách của ông ấy sáng tạo hơn và khác biệt hơn. Cách của tôi sẽ mở rộng nhanh hơn”, Tim Cook kể.
Ban đầu Apple đã sử dụng mô hình của Steve Jobs trước khi chuyển sang ý tưởng của Tim Cook. Ý tưởng này được cho đã thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của iPhone.
Thiên hướng của Steve Jobs với các phương pháp tiếp cận sáng tạo là thông lệ tiêu chuẩn tại Apple. Khi được hỏi mô tả Steve Jobs chỉ bằng một từ, Tim Cook đã chọn “tò mò”.