Ngày 26.10, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết ngày 24.10 vừa qua bộ này đã có văn bản phản hồi Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất.
Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất, có công suất khoảng 1.000 MW chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, dự án này chỉ được triển khai đầu tư khi được duyệt trong quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý một số đặc thù của các dự án điện gió ngoài khơi như phạm vi khảo sát và thời điểm khảo sát lắp đặt thiết bị lidar đo gió phải đảm bảo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo tuyệt đối về các vấn đề quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc cấp phép để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tiềm năng.
Những vấn đề kỹ thuật quanh điện gió ngoài khơi mà Bộ Công Thương lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không có gì mới. Trong một cuộc hội thảo về điện gió ngoài khơi, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra sự quan trọng của quy hoạch không gian biển. Bởi việc phát triển điện gió ngoài khơi còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản, đặc biệt là an ninh quốc phòng…
Bản thân Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng rất cẩn trọng với các dự án điện gió ngoài khơi. Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thẩm định, chấp thuận khảo sát điện gió ngoài khơi. Theo công bố, đến ngày 31.8.2022, cơ quan này nhận được 55 đề xuất, trong đó, có 1 đề xuất được chấp thuận.
Lý do tạm dừng cấp phép khảo sát điện gió ngoài khơi, được đưa ra là, Nhà nước chưa có quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió.
Hiện tại, các dự án điện gió ngoài khơi cũng hầu như tập trung ở miền Trung và miền Nam, những khu vực vốn đã sở hữu phần lớn nhà máy năng lượng tái tạo của cả nước, nhưng nhu cầu tăng trưởng điện lại thấp hơn miền Bắc. Vậy nên, khi lưới điện bị quá tải, khả năng cắt giảm sản lượng hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật, chẳng hạn như chưa quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiêu héc-ta trên 1 MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển; chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 1 dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5 GW, 1 GW hay 2 GW... để vừa đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện… Do đó, bộ này đề xuất tạm dừng việc cấp phép cho đến khi xây dựng được quy định liên quan.
Và lực cản lớn nhất phát triển điện gió là bài toán lợi nhuận.
Nhiều năm trước, để khuyến khích thu hút đầu tư vào điện mặt trời, điện gió, Nhà nước đã có cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) cho các dự án vận hành thương mại (COD) trước thời gian quy định. Điều này thúc đẩy rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, khả năng huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước cũng gặp nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, sau khi thời hạn hưởng giá FIT kết thúc từ năm 2021, các ách tắc về giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đến ngày 3.10.2022, Bộ Công Thương mới ký ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, mở ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp. Để có một khung giá hợp lý cho điện gió ngoài khơi sẽ là một câu chuyện dài hơi khác.
Cho đến khi cơ chế giá chưa được ban hành, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là “rất khó” trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài.
Để giải quyết bài toán cho điện gió ngoài khơi, chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng:
Thứ nhất, về mặt quy hoạch điện, phải có những tính toán và phân tích kỹ lưỡng về khả năng huy động các nguồn phụ trợ, để có thể xử lý được các thách thức liên quan đến nguồn điện có tính chất không ổn định như điện gió, điện mặt trời. Thông thường, để có thể huy động được các nguồn phụ trợ này, cần phải có sự điều chỉnh liên quan đến những cơ chế chi trả giá mua điện vào những khung giờ khác nhau.
Thứ hai, Chính phủ cần phải chủ động hơn trong việc đưa ra các định hướng, chiến lược, chính sách hài hòa giữa các bên: Nhà đầu tư phải cảm thấy có sự tin cậy khi bỏ vốn đầu tư; EVN cũng cần có được kế hoạch đầu tư về hạ tầng truyền tải điện cũng như có các hướng dẫn cụ thể để huy động các dự án đúng quy định pháp luật.
Một điều quan trọng nhất là Chính phủ cần có những cam kết mang tính chất dài hạn, thay vì chỉ đưa ra những chính sách mang tính chất ngắn hạn dẫn tới những sự đứt gẫy trong triển khai như thời gian qua. Bởi hiện nay, khi giá FIT 1, FIT 2 hết hiệu lực, vẫn chưa có một cơ chế nào được đưa ra như cơ chế đấu thầu hay mua bán điện trực tiếp. Đây là thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ hơn của tư nhân nhằm đảm bảo câu chuyện về an ninh năng lượng.