Hiện tại, nhiều đối tượng núp bóng các doanh nghiệp đòi nợ để tạo vỏ bọc cho hoạt động “tín dụng đen” nhằm thu lời bất chính. Do vậy, lãnh đạo TP.HCM muốn đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Tín dụng đen 'núp bóng', TP.HCM muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Phan Thị Diệu | 31/08/2019, 06:06

Hiện tại, nhiều đối tượng núp bóng các doanh nghiệp đòi nợ để tạo vỏ bọc cho hoạt động “tín dụng đen” nhằm thu lời bất chính. Do vậy, lãnh đạo TP.HCM muốn đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp, khi một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Các công ty đòi nợ thường sử dụng những đối tượng có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm đến nhà khách nợ để đòi nợ. Hoặc gây áp lực lên khách nợ bằng hình thức treo các băng rôn đòi nợ tại nơi khách nợ đang sinh sống, hoặc làm việc nhằm gây áp lực lên khách nợ buộc phải trả tiền.

Chưa kể, nhiều đối tượng núp bóng các doanh nghiệp đòi nợ để tạo vỏ bọc cho hoạt động “tín dụng đen” nhằm thu lời bất chính. Nếu các con nợ không trả đúng hạn, họ thường bị các đối tượng có tiền án tiền sự đe dọa, gây hoang mang, mất uy tín cho cá nhân, gia đình.

Mặt khác, do mức phí dịch vụ để thực hiện hợp đồng đòi nợ hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định mà hầu hết là tự thỏa thuận, có khi 10% hoặc 20, 30, 50% tùy theo số tiền nợ phải đòi, khả năng, điều kiện của khách nợ, từ đó kích thích vào lòng tham doanh nghiệp. Họ tìm mọi biện pháp để thực hiện đòi nợ bằng được như tạt sơn, ném chất bẩn... vào nhà để uy hiếp tinh thần.

"Tình trạng này xuất phát từ việc nhiều người dân có nhu cầu vay vốn không thế chấp. Do họ không đủ điều kiện vay tại các kênh chính thức (như ngân hàng) nên đã tìm đến tín dụng đen. Tương tự, một số thanh niên cần tiền để tham gia các hoạt động như cờ bạc, cá độ, ma túy… nên cũng tìm đến vay”, TP.HCM chỉ rõ.

Trước tình trạng này, ông Trần Vĩnh Tuyến đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Lãnh đạo TP.HCM cho rằng quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thoả thuận hoặc để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như: toà án, viện kiểm sát, thi hành án… Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của toà án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

Ngoài ra, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẽhở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư, hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, thành phố kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.

Để tránh tình trạng các công ty đòi nợ có trụ sở tại một tỉnh, thành mở văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh, thành khác để lách luật hoạt động, UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đưa văn phòng đại diện của các công ty đòi nợ vào diện cấp giấy an ninh trật tự để tiện việc theo dõi quản lý.

Được biết, đây là lần thứ 2 UBND TP.HCM gửi đề xuất này lên Bộ Tài chính, lần 1 là hồi tháng 9.2018.

Theo thống kê của UBND TP.HCM, tính đến quý 1/2019, TP.HCM có 99 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đăng ký và được cấp phép hoạt động ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động.

Nhân sự các tổ chức này gồm 711 người Việt và 5 người nước ngoài, tổng số vốn điều lệ là 111 tỉ đồng. Về kết quả kinh doanh, trong kỳ các doanh nghiệp đạt tổng số lãi là 2,5 tỉ đồng; tổng số lỗ là 3 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp lãi cao nhất đạt 957 triệu đồng; doanh nghiệp lỗ thấp nhất 15 triệu đồng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín dụng đen 'núp bóng', TP.HCM muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê