Cộng đồng tình báo mới đây Anh cho rằng cần đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc bởi Bắc Kinh sẽ trở nên quyết đoán hơn trong các chiến lược của mình sau khi khống chế thành công đại dịch COVID-19, và kêu gọi chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn các ngành công nghiệp quan trọng.

Tình báo Anh kêu gọi ‘đề phòng’ Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc

14/04/2020, 07:29

Cộng đồng tình báo mới đây Anh cho rằng cần đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc bởi Bắc Kinh sẽ trở nên quyết đoán hơn trong các chiến lược của mình sau khi khống chế thành công đại dịch COVID-19, và kêu gọi chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn các ngành công nghiệp quan trọng.

Trụ sở Cục Tình báo Mật (MI6) bên bờ sông Thames ở trung tâm London - Ảnh: Reuters

Theo The Guardian, Cục Tình báo Mật (MI6) và Cơ quan An ninh, phản gián (MI5) của Anh nhận định rằng Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ mô hình nhà nước của mình sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lắng xuống và Thủ tướng Boris Johnson cùng các bộ trưởng phải có "quan điểm thực tiễn" để xem xét chiến lược đối phó của Anh cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các ngành công nghiệp chiến lược và công nghệ cao.

Cụ thể, các vấn đề được nêu ra bao gồm việc Anh có muốn hạn chế Trung Quốc kiểm soát các công ty chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ cao về viễn thông kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, hay giảm số sinh viên Trung Quốc được tiếp cận nghiên cứu tại các trường đại học và những nơi khác trên lãnh thổ của Anh.

Cả MI6 và MI5 đều tin tưởng rằng việc để tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei tham gia vào việc xây dựng hệ thống mạng 5G tại Anh với tỷ lệ 35% theo quyết định hồi tháng 1 của Thủ tướng Johnson là đúng đắn. Tuy nhiên, việc cộng đồng tình báo Anh đưa ra các đánh giá về Trung Quốc có thể khiến chính phủ Anh khó bảo vệ quyết định này hơn, khi các thành viên cấp tiến của phe Bảo thủ yêu cầu chính quyền Phố Downing cân nhắc lại.

Một nguồn tin của chính phủ Anh cho biết nước này cần đảm bảo đa dạng về nguồn cung trong việc phát triển hệ thống mạng 6G và 7G" nhằm bảo vệ những tài nguyên “quý gia" về công nghệ, nghiên cứu và đổi mới.

MI6 trước đó được cho là đã thông báo với các bộ trưởng Anh rằng Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 trong tháng 1 và 2 thấp hơn thực tế, tương tự như quan điểm của cộng đồng tình báo Mỹ nêu ra trước Nhà Trắng. Các cơ quan tình báo Anh nhiều tháng qua cũng đã kêu gọi chính quyển của Thủ tướng Boris Johnson quan tâm nhiều hơn vào hoạt động của Trung Quốc. Trong phát biểu nhậm chức, tân giám đốc của MI5 Ken McCallum hồi cuối tháng 3 khẳng định cơ quan này sẽ tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc.

Cuối tháng trước, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh và Thủ hiến xứ Lancaster Michael Gove đã cáo buộc Trung Quốc hạ thấp mối đe dọa ban đầu do đại dịch COVID-19 gây ra. "Đây là trường hợp một số báo cáo của Trung Quốc không rõ ràng về quy mô, bản chất và mức độ lây nhiễm của đại dịch", ông Gove nói.

Ngoài ra, các bộ trưởng khác trong nội các Anh cũng được biết đến là những người thường có quan điểm hoài nghi Trung Quốc bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và Chủ tịch Hạ viện Jacob Rees-Mogg.

Tuy nhiên, mối quan ngại về Trung Quốc bị giảm bớt bởi ràng buộc về quan hệ thương mại của Bắc Kinh với London. Điều này đã được củng cố khi Bộ trưởng Gove buộc phải làm dịu đi những lời lẽ chỉ trích khi nhận số máy thở cần thiết từ Trung Quốc để đối phó với đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại quốc gia châu Âu này. "300 máy thở mới từ Trung Quốc đã được chuyển tới. Tôi muốn cảm ơn chính phủ Trung Quốc vì sự hỗ trợ của họ", ông Gove cho hay.

Dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron và cựu Ngoại trưởng George Ostern, Anh đã theo đuổi chính sách tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc vào các lĩnh vực năng lượng hạt nhân và viễn thông. Khi bà Theresa May nắm quyền thủ tướng, bà đã yêu cầu cân nhắc lại khoản đầu tư của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc vào nhà máy điện hạt nhân Hinckley Point, nhưng cuối cùng dự án vẫn được cho phép tiến hành.

Charles Parton, cựu cố vấn cao cấp phụ trách về vấn đề Trung Quốc của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh nhận định rằng cần suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc về mặt dài hạn bởi Bắc Kinh vốn từ lâu được coi mình là đối thủ cạnh tranh lâu dài với phương Tây. Tuy nhiên, ông lập luận rằng công việc của các cơ quan tình báo không phải "xây dựng chính sách mà là cung cấp thông tin". Ông Parton cho rằng dù họ có cảnh báo về công nghệ cao, nhưng chưa chắc họ đã là chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Mối quan hệ tương lai với Trung Quốc là một trong nhiều vấn đề sẽ được nêu ra bằng đánh giá tổng hợp qua chính sách đối ngoại và quốc phòng mới, được chính phủ Anh bắt đầu triển khai xây dựng vào tháng 2. Chính sách này dự kiến công bố vào mùa thu nhưng có thể bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý, 15 nhà lập pháp đảng Bảo thủ dẫn đầu bởi nghị sĩ Bob Seely cuối tuần trước cũng gửi thư cho Thủ tướng Johnson yều cầu Anh đánh giá lại "quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc" sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. "Chúng ta đã thất bại trong việc đưa ra tầm nhìn chiến lược về các nhu cầu kinh tế, kỹ thuật và an ninh lâu dài của nước Anh", họ viết.

Hoàng Vũ (theo The Guardian)

Bài liên quan
Quan chức Anh kêu gọi NATO đi đầu trong chạy đua vũ trang AI
Theo Reuters, quan chức cấp cao nội các Anh Pat McFadden nhân dịp phát biểu tại Hội nghị Phòng thủ không gian mạng NATO ngày 25.11, ông sẽ kêu gọi các đồng minh trong khối phải đi đầu trong cuộc chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo (AI) mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 phút trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình báo Anh kêu gọi ‘đề phòng’ Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc