Cựu thủ tướng Abe đã lên tiếng về sự cần thiết phải có một chính sách an ninh quyết đoán hơn nữa, sử dụng ngôn từ cứng rắn của mình để thảo luận về các chủ đề cấm kỵ một thời, chẳng hạn như khả năng Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Toàn bộ cuộc trả lời phỏng vấn của cựu thủ tướng Abe, từ chuyện Ukraine đến Đài Loan, không ngại điều cấm kỵ

Anh Tú (dịch từ The Economist) | 31/05/2022, 15:48

Cựu thủ tướng Abe đã lên tiếng về sự cần thiết phải có một chính sách an ninh quyết đoán hơn nữa, sử dụng ngôn từ cứng rắn của mình để thảo luận về các chủ đề cấm kỵ một thời, chẳng hạn như khả năng Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ông Abe Shinzo giữ chức thủ tướng lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử Nhật Bản, từ năm 2012-2020. Năm 2020, ông từ chức vì một căn bệnh mạn tính, nhưng nhanh chóng quay trở lại Quốc hội. Ông vẫn là một hiện diện đáng gờm trong chính trường Nhật Bản. Ông là thủ lĩnh phe lớn nhất trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Nhiều ý tưởng chính sách của ông vẫn tồn tại sau khi ông rời nội các. Và với tình thế hiện tại, ông đã lên tiếng về sự cần thiết phải có một chính sách an ninh quyết đoán hơn nữa, sử dụng ngôn từ cứng rắn của mình để thảo luận về các chủ đề cấm kỵ một thời, chẳng hạn như khả năng Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc vai trò của Nhật Bản trong một cuộc khủng hoảng tiềm tàng xung quanh Đài Loan.

The Economist (Anh) đã gặp ông Abe tại nơi làm việc hiện tại - một văn phòng tiêu chuẩn của thành viên Quốc hội - được trang trí bằng nhiều vật lưu niệm từ thời ông còn làm thủ tướng, để thảo luận về chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản, cũng như di sản của ông.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu với cuộc thảo luận về việc Nga tiến quân vào Ukraine đã gây ra dư luận như thế nào ở Nhật Bản và về cách chính sách quốc phòng của Nhật Bản có thể phát triển. Cuộc trò chuyện đề cập khắp các mối quan hệ của Nhật Bản với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Nó cũng xem xét lại di sản của ông và liệu thủ tướng hiện tại, Kishida Fumio, có tìm cách rời bỏ chính sách kinh tế đặc trưng của ông Abe, được gọi là “Abenomics” hay không.

Sau đây là toàn bộ cuộc phỏng vấn của The Economist với ông Abe Shinzo.

The Economist: Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến Nhật Bản như thế nào? Có vẻ như cuộc tiến quân (của Nga) cũng đã mở ra các cuộc thảo luận mới về an ninh ở Nhật Bản, ngài thấy dư luận về các vấn đề an ninh thay đổi như thế nào?

Cựu thủ tướng Abe Shinzo: Tôi tin rằng tác động đến Nhật Bản và người dân Nhật Bản là rất đáng kể. Trước hết, thực tế là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) không hoạt động khi quốc gia được đề cập là thành viên thường trực của hội đồng. Tại Nhật Bản, ý tưởng chủ đạo là LHQ nên thực hiện quyền lực của mình và làm việc để ngăn chặn những cuộc xung đột như vậy hoặc giải quyết chúng sau khi chúng đã xảy ra.

Người dân Nhật Bản đã phải đối mặt với một thực tế rằng, nếu một quốc gia đủ quyết tâm, một cuộc tiến quân, một hành động tiến quân có thể thực sự xảy ra. Hơn nữa, một quốc gia P5 (5 thành viên thường trực) đã thực hiện một mối đe dọa hạt nhân.

Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đang dần nhận ra rằng nỗ lực của bản thân và ý chí của chúng tôilà điều quan trọng hàng đầu khi bảo vệ đất nước của mình. Một số quốc gia có thể gửi vũ khí và hỗ trợ chúng tôi, nhưng ngoại trừ các đồng minh, không có quốc gia nào sẽ chiến đấu cùng chúng tôi.

Các cuộc thăm dò dư luận từ hầu hết các phương tiện truyền thông cho thấy có sự ủng hộ đối với việc tăng chi tiêu quốc phòng. Đó là một sự thay đổi lớn. Đối với thảo luận về vũ khí hạt nhân, các cuộc thăm dò dư luận ở hầu hết các tổ chức tin tức cho thấy số người cho rằng chúng ta “nên” thảo luận về chủ đề này vượt quá số người cho rằng chúng ta “không nên”.

Đảng Dân chủ Tự do đã đề xuất mục tiêu 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Khi ngài nói về việc tăng chi tiêu, điều gì nằm ở đầu danh sách mua sắm của ngài?

Trước hết, chúng tôi thiếu kinh phí cho đạn dược, từ đạn cho súng máy đến tên lửa cho các hệ thống (tên lửa đất đối không) như SM-3 và PAC3. Kinh phí để bảo trì cũng hoàn toàn không đủ. Ví dụ, kế hoạch tái thiết doanh trại hoặc nhà ở cho các nhân viên Lực lượng Phòng vệ đã bị hoãn lại từ lâu, vì vậy các tòa nhà đã khá cũ nát. Đó là một yếu tố tiêu cực lớn trong việc tuyển quân. Ngoài ra, chúng tôi hiện có các hợp đồng cung cấp các thiết bị quốc phòng khác nhau, bao gồm cả (chiến đấu cơ) F-35. Tôi nghĩ rằng cần phải có được những thứ đã có trong hợp đồng trước thời hạn.

Đồng thời, chúng tôi phải tăng đáng kể chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực mới như không gian mạng, vũ trụ và điện từ. Tôi tin rằng, việc tăng ngân sách cho những lĩnh vực này sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Ngân sách quốc phòng của Mỹ là khoảng 100 nghìn tỉ yen. Khoản đầu tư đó là một trong những động cơ thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ.

Gần đây ngài đã nêu ra vấn đề chia sẻ hạt nhân. Chia sẻ hạt nhân sẽ mang lại lợi thế gì cho Nhật Bản?

Nói một cách chính xác, tôi không nói Nhật Bản nên áp dụng chia sẻ hạt nhân. Thực tế là nhiều người Nhật Bản, kể cả các chính trị gia, không biết rằng NATO có chương trình chia sẻ hạt nhân. Các quốc gia như Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan đảm bảo khả năng răn đe bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân ở quốc gia của họ và cho phép lực lượng vũ trang của họ khai hỏa. Ý tôi là không nên cấm kỵ việc thảo luận về thực tế đó.

Ý tưởng là để gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về cách chúng tôi nghĩ về khả năng răn đe hạt nhân. Nhật Bản hiện đang chịu áp lực mở rộng răn đe, đất nước này có khả năng răn đe hạt nhân dưới cái ô hạt nhân của Mỹ. Khi Đức quyết định chia sẻ vũ khí hạt nhân, Thủ tướng (Đức) lúc đó đã tự hỏi liệu nước này có thể đảm bảo an ninh của mình bằng cách giao phó hoàn toàn cho Mỹ hay không.

Trong kỷ nguyên răn đe mở rộng hiện đại, tôi muốn Nhật Bản và Mỹ thảo luận về thời điểm và cách thức trả đũa bằng vũ khí hạt nhân, kể cả trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chúng tôi nên đưa ra một hệ thống cho phép Nhật Bản tham gia vào quá trình ra quyết định. Điều này sẽ làm cho khả năng trả đũa của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân nhân danh Nhật Bản trở nên thực tế hơn, do đó sẽ nâng cao khả năng răn đe của chúng tôi.

Thực tế là Nhật Bản bị bao quanh bởi ba cường quốc hạt nhân: Nga, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Triều Tiên gần đây đã tiến hành một cuộc thử nghiệm ICBM thành công, có nghĩa là họ đã đưa đất liền của Mỹ vào tầm bắn. Do đó, Mỹ phải tính đến nguy cơ bị Triều Tiên tấn công hạt nhân khi đưa ra quyết định phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật vào Triều Tiên vì lợi ích của Nhật Bản.

Nếu Triều Tiên tin rằng Mỹ sẽ không trả đũa, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân vào Nhật Bản sẽ tăng cao. Chúng tôi không được để họ tin vào điều đó. Để đạt được điều đó, điều quan trọng đối với Nhật Bản và Mỹ là phải có các cuộc thảo luận kỹ lưỡng và làm rõ rằng Mỹ sẽ trả đũa nhân danh chúng tôi.

Ngài lo lắng mức nào về độ tin cậy lâu dài của Mỹ?

Mỹ có thể duy trì sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và thực hiện chiến lược triển khai tiên phong vì Nhật Bản có các căn cứ quân sự của Mỹ và cung cấp cảng trú cho hàng không mẫu hạm của họ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự. Tất nhiên, một mình Nhật Bản không thể cân bằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, vì vậy Nhật Bản và Mỹ phải hợp tác để đạt được sự cân bằng. Đó là lý do tại sao trong thời gian tại nhiệm, tôi đã thay đổi cách hiểu về quyền tự vệ tập thể và tạo ra luật an ninh để Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác chặt chẽ để đối phó với những tình huống như vậy. Nhưng liên minh Mỹ-Nhật cũng rất quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt là đối với khả năng duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Khi nhìn vào nước Mỹ ngày nay, ngài sẽ thấy sự chia rẽ nội bộ và xu hướng rút lui khỏi thế giới. Điều đó có khiến ngài lo ngại?

Theo truyền thống, ở Mỹ, đảng Cộng hòa coi trọng các đồng minh của mình. Tuy nhiên, đúng là Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với các quốc gia đồng minh theo chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để giải thích cho Tổng thống Trump về cách liên minh Mỹ-Nhật mang lại lợi ích cho Mỹ.

Các nhân viên của ông dường như có quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa hơn về an ninh. Do đó, tôi tin rằng Tổng thống Trump đã hiểu được tầm quan trọng của liên minh. Tất nhiên, kể từ thời Barack Obama, quân đội Mỹ không còn đóng vai trò là “cảnh sát của thế giới” nữa. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cùng chí hướng cần hợp tác. Nhưng tôi vẫn tin rằng nước Mỹ phải dẫn dắt.

Nhật Bản thích nói về một thế giới lý tưởng. Nhưng chúng tôi phải thay đổi thái độ của mình khi để mọi vấn đề quân sự cho Mỹ. Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về hòa bình và ổn định, và nỗ lực hết sức bằng cách hợp tác với Mỹ để đạt được điều đó.

Ngài đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khoảng 27 lần. Ngài sẽ đưa ra lời khuyên nào về cách đối phó với Putin bây giờ?

Cựu thủ tướng Abe Shinzo: Tôi không nghĩ rằng có nhiều lựa chọn còn lại trong tình huống này. Có rất nhiều cách để phân tích tính cách của Putin, nhưng tôi nghĩ ông ấy là người tin vào quyền lực và đồng thời là một người theo chủ nghĩa thực tế. Ông ấy không phải kiểu người theo đuổi lý thuyết, hay hy sinh vì ý tưởng.

Trước cuộc tiến quân, khi họ (Nga) đã bao vây Ukraine, vẫn có thể (tránh chiến tranh). Giá như Volodymyr Zelensky (Tổng thống Ukraine) có thể thực hiện cam kết rằng đất nước của ông sẽ không tham gia NATO, hoặc thực hiện để trao quyền tự trị ở mức độ cao cho hai vùng ở phía đông. Tôi hiểu điều này sẽ khó thực hiện - có lẽ một nhà lãnh đạo Mỹ đã có thể làm được. Nhưng tất nhiên Zelensky sẽ từ chối.

Tuy nhiên, bây giờ thì mọi chuyện đã rồi, tôi nghĩ rằng con đường duy nhất ở phía trước là sát cánh với Ukraine và triệt để phản đối cuộc tiến quân của Nga. Đó là cách để bảo vệ trật tự quốc tế mà chúng ta đã tạo ra kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Ngài có hối tiếc khi dành quá nhiều vốn liếng chính trị và thời gian cho Putin không?

Không hề. Tôi nghĩ rằng chúng tôi phải giảm bớt mối đe dọa ở phía bắc và dồn lực lượng của chúng tôi ở phía tây nam. Tôi nghĩ trách nhiệm của tôi là phải ký kết một hiệp ước hòa bình, và đàm phán để giải quyết vấn đề của bốn hòn đảo. Nhiều người Nga phản đối kịch liệt việc trả lại Lãnh thổ phía Bắc cho Nhật Bản. Trong tình hình này, sẽ khó cho một nhà lãnh đạo giải quyết vấn đề bốn hòn đảo trừ phi người đó có cơ sở quyền lực vững chắc. Tôi tin rằng Putin là người phù hợp với công việc này. Tôi tin rằng ông ấy hiểu những lợi ích của việc ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản trong trung và dài hạn.

Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận ở Singapore và sau đó đã có tiến triển tại cuộc họp ở Buenos Aires. Nhưng thật không may, ngay cả ông ta cũng không thể một tay nắm trọn quyền lực và thậm chí không thể quyết định mọi thứ. Tôi tin rằng ông ấy đã do dự khi đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ. Hầu như tất cả mọi người. ngoại trừ ông ấy, đều chống lại hiệp ước hòa bình hoặc chống lại việc tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề lãnh thổ. Nó cũng có thể liên quan đến việc mức độ đồng tình với ông ấy khi ấy đang giảm xuống như thế nào.

Ngài nghĩ gì về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc? Họ nói rằng đó là một "tình bạn không có giới hạn". Đối với ngài, chuyện đó như thế nào?

Cả Trung Quốc và Nga đều đang trở thành những kẻ thách thức các trật tự đã được thiết lập kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong vài năm qua, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như Địa Trung Hải. Năm ngoái, đã có một cuộc tập trận của các tàu hải quân Trung Quốc và Nga khi họ đi vòng quanh quần đảo Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, tôi đã nghĩ đến việc chia rẽ quan hệ đối tác Trung-Nga càng nhiều càng tốt.

Xét về sức mạnh kinh tế, Trung Quốc chắc chắn đáng lo ngại hơn. Với tình hình hiện tại, Nga có khả năng mất vị thế và trở thành đối tác cửa dưới của Trung Quốc.

Chính quyền mới ở Hàn Quốc có mở ra cơ hội hàn gắn quan hệ với đất nước không?

Tôi nghĩ rằng có một cơ hội. Về khía cạnh an ninh, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol dường như hiểu rõ tầm quan trọng của hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi đã gặp phái đoàn tham vấn chính sách của họ vào ngày hôm trước, và đó là điều tôi tin tưởng dựa trên những gì tôi nghe được từ họ.

Đối với thỏa thuận của vấn đề Phụ nữ mua vui hoặc vấn đề lao động cưỡng bức, điều quan trọng là họ phải đảm bảo rằng mình đang giải quyết đầy đủ trên cơ sở thỏa thuận và các cam kết đã được thực hiện giữa hai nước. (Vào năm 2015, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận để giải quyết tranh chấp của họ về "phụ nữ mua vui " trong chiến tranh thế giới thứ hai).

Vì vậy, họ phải thực hiện động thái đầu tiên?

Thỏa thuận Phụ nữ mua vui đã được cựu Tổng thống Park Geun-hye đồng ý trên cơ sở đó là “cuối cùng” và “không thể thay đổi”. Nhưng (người kế nhiệm) Tổng thống Moon Jae-in sau đó đã đảo ngược thỏa thuận. Tôi muốn thấy họ khôi phục lại thỏa thuận.

"Chủ nghĩa tư bản mới" của chính quyền Kishida có phải là một điểm khác biệt so với Abenomics không?

Chúng tôi chưa biết nhiều về nội dung của Chủ nghĩa Tư bản Mới, vì vậy tôi thực sự không thể bình luận về nó. Nhưng xem xét tình hình kinh tế hiện tại ở Nhật Bản, tôi tin rằng không có chính sách nào khả thi ngoài “ba mũi tên” (của Abenomics): chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa cơ bản và chiến lược tăng trưởng.

Khi nhìn lại quãng thời gian đương nhiệm, ngài nghĩ di sản của mình sẽ là gì?

Thông qua Abenomics, chúng tôi đã có thể thoát khỏi tình trạng giảm phát - có lẽ không phải hoàn toàn - nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thoát khỏi nó và tạo ra hơn 4 triệu việc làm để phát triển nền kinh tế. Một di sản khác là thay đổi cách giải thích hiến pháp, tạo điều kiện cho quốc gia thực hiện quyền tự vệ cơ bản của mình. Ngoài ra, tôi đã trình bày tầm nhìn lớn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở. Cuối cùng, TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) và EU-Japan EPA (Hiệp định thương mại song phương giữa Nhật Bản và Liên minh Châu Âu) đã giúp tạo ra các khu kinh tế mở và tự do dựa trên trình độ cao, tiêu chuẩn quy tắc thương mại cao.

Chính quyền của ngài đã thực hiện nhiều thay đổi đối với luật pháp về chính sách an ninh và Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản, mà không chính thức sửa đổi hiến pháp. Những thay đổi đó đã đủ chưa?

Việc giải thích lại hiến pháp đã cho phép liên minh Mỹ - Nhật phát triển thành một liên minh mà hai nước có thể giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một kỷ nguyên tạo ra theo nghĩa đó. Ví dụ, chính nhờ luật này mà giờ đây chúng tôi có thể đối phó với tình hình ở Đài Loan. (Trước đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ có thể sử dụng vũ lực để đáp trả một cuộc tấn công trực tiếp vào Nhật Bản, nhưng những thay đổi pháp lý được thực hiện dưới thời chính quyền của ông Abe có nghĩa là họ có thể được điều động để tự vệ tập thể bên ngoài biên giới Nhật Bản, mở ra khả năng cho Nhật Bản để hỗ trợ Mỹ trong cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Đài Loan).

Gần đây ngài đã tuyên bố rằng “một khoản hậu thuẫn cho Đài Loan là một khoản hậu thuẫn cho Nhật Bản”. Ngài có nghĩ rằng công chúng Nhật Bản có chung quan điểm đó không?

Nhật Bản và Đài Loan chỉ cách nhau 100 km. Trong trường hợp tấn công vũ trang vào Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải tiến vào không phận Nhật Bản để đảm bảo ưu thế trên không. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra một "tình huống nguy cấp" theo Luật Hòa bình và An ninh, và chúng tôi sẽ hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ. Nhiều người Nhật đang tham gia vào các hoạt động kinh doanh tại Đài Loan. Tôi chắc chắn rằng điều này sẽ được nhiều người Nhật hiểu rõ.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn bộ cuộc trả lời phỏng vấn của cựu thủ tướng Abe, từ chuyện Ukraine đến Đài Loan, không ngại điều cấm kỵ