Qua kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát hiện hàng loạt tồn tại trong việc thu phí BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Hệ thống thu phí không đọc được biển số xe, hệ thống camera không lưu giữ được hình ảnh và video liên tục...
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có thông báo kết quả kiểm tra việc bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông tại trạm thu phí của Công ty cổ phần BOTHà Nội - Bắc Giang trên tuyến QL1.
Tổng cục Đường bộ Việt Namđã tiến hành kiểm tra và chỉ ra một số tồn tại của trạm thu phí này như: để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài xảy ra vào ngày đầu tiến hành thu phí (25.5); dải phân cách giữa phía Hà Nội còn thiếu tấm phản quang và vuốt nối vào hàng rào; chưa có danh sách nhân viên điều tiết giao thông tăng cường cho các ca khi có sự cố ùn tắc giao thông; chưa có kế hoạch cụ thể giữa Công ty với Chi cục Quản lý đường bộ I.5 (Cục Quản lý đường bộ I, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và đội kiểm tra tuyến và lực lượng chức năng địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc.
Đặc biệt, đối với việc thu phí, qua kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Namđã phát hiệnhệ thống công nghệ thu phí đôi khi hoạt động còn trục trặc như không đọc được biển số xe; hệ thống camera chưa lưu giữ hình ảnh video liên tục theo quy định; không kết nối được tín hiệu giữa cabin và trung tâm điều hành; barie đóng mở chưa đều, có trường hợp đập vào thùng xe; đơn vị thu phí áp dụng xe ưu tiên qua trạm không đúng đối tượng quy định.
Để khắc phục những tồn tại trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt NamNguyễn Văn Huyệnyêu cầu đơn vị thu phí phải chịu trách nhiệm chính trong việc chống ùn tắc giao thông tại trạm.
Ông Huyện yêu cầu đơn vị thu phíphối hợp với nhàcung cấp phần mềm thu phí khẩn trương khắc phục lỗi phần mềm, đảm bảo hệ thống thu phí hoạt động liên tục, chính xác.
Đơn vị thu phí bổ sung thiết bị lưu trữ để lưu trữ đầy đủ và lâu dài các dữ liệu thu phí (hình chụp, video liên tục) theo tiêu chuẩn trạm thu phí một dừng và theo các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Các biện pháp khắc phục phải hoàn thành trước ngày 10.7.
Hệ thống hạ tầng an toàn trên tuyến còn tồn tại nhiều bất cập.
Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang phải rà soát áp dụng chế độ ưu tiên cho các xe đúng đối tượng đảm bảo phản ánh trung thực doanh thu của trạm.
Trước đó, như đã phản ánh,Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang dự kiến chính thức áp dụng thu phí trên đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang từ ngày 5.5.2016. Tuy nhiên, khi đến thời điểm trên, hệ thống hạ tầng an toàn trên tuyến chưa hoàn thiện nên các cơ quan chức năng đã không chấp nhận cho nhà đầu tư tiến hành thu phí.
Việc thu phí được lùi lại và dự kiến 10 ngày sau sẽ chính thức đi vào hoạt động, nhưng cho đến ngày 25.5, việc hoàn tất hệ thống hạ tầng an toàn trên tuyến mới cơ bản được hoàn thiện và được chấp thuận cho thu phí.
Mức phí được áp dụng trên đoạn tuyến BOT nàyđối với phương tiện lưu thông qua trạm thu phí thấp nhất 35.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Giá phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt áp dụng với xe tải có trải trọng từ 18 tấn trở lên và các xe chở hàng bằng container 40 feet.
Đáng nói là việc đặt trạm thu phí tại đoạn tuyến này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội, nhất là các hiệp hội vận tải. Họ cho rằngviệc đặt trạm thu phí tại đầu phía Hà Nội (đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh cũ) là bất hợp lý, nhà đầu tư tận dụng địa điểm đặt trạm thu phí để tận thu. Trong khi đường cao tốc mở mới lại được đầu tư mới là từ TP.Bắc Ninh đến TP.Bắc Giang.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị: “Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần nghiên cứu lại để đảm bảo sự công bằng cho người sử dụng. Việc đặt trạm thu phí ngay đầu Hà Nội là bất hợp lý, là tận thu. Nếu trạm thu phí được đặt ở đầu đường mới mở rộng là Bắc Ninh hoặc đầu Bắc Giang thì sẽ hợp lý hơn”.
Bài, ảnh: Nam Phong