Sau khi uống hết 1kg khế ép nước, ông T.V.Q (65 tuổi, ngụ ở TP.HCM) bất ngờ bị mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm, phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương thận cấp, cần phải chạy thận nhân tạo để cứu sống.

Tổn thương thận cấp vì uống cả kg nước ép khế

Hồ Quang | 16/01/2019, 14:29

Sau khi uống hết 1kg khế ép nước, ông T.V.Q (65 tuổi, ngụ ở TP.HCM) bất ngờ bị mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm, phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương thận cấp, cần phải chạy thận nhân tạo để cứu sống.

Ngày 16.1, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay bệnh viện vừa cấp cứu điều trị thành công một trường hợp bị tổn thương thận cấp do uống nước ép khế.

Theo người nhà của ông T.V.Q.( 65 tuổi, ngụ ở TP.HCM), trước đó ông này đã lên mạng tìm kiếm thông tin thì phát hiện có thông tin uống nước ép khế sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Do đó, ông Q. đã đặt mua 1kg khế rồi về nhà ép lấy nước uống.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ uống hết số nước ép khế trên, ôngQ.bất ngờ bị nôn ói, mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm, gia đình liền đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược để cấp cứu.

TS.BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược cho biết kết kiểm tra cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân Q. bị tổn thương thận cấp do nước ép khế.

"Ngay lập tức chúng tôi phải chỉ định cho bệnh nhân chạy thân nhân tạo. Rất may mắn sau thời gian chạy thận nhân tạo, tình trạng chức năng thận của bệnh nhân đã dần hồi phục. Hiện chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn”, bác sĩ Đức cho hay.

Theo bác sĩ Đức, suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, người bệnh có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5 đến 10 năm, trì hoãn giai đoạn lọc máu định kỳ. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 5 thì phải ghép thận hoặc lọc máu định kỳ. Nếu không, suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các biện pháp điều trị thay thế thận hiện nay bao gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng liên tục ngoại trú và ghép thận, ngày càng có nhiều tiến bộ,không những giúp duy trì cuộc sống mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống gần với người bình thường.

Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận -Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu người bị bệnh thận mạn, trong đó có khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối và mỗi năm có thêm 8.000 ca mắc mới.

Chỉ tính riêng tại khoa Nội thận – Thận nhân tạo của bệnh viện, mỗi năm có khoảng 30.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị bệnh thận.

Phân tích của bác sĩ Thảo cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động trên là do tâm lý chủ quan, lơ là với những biểu hiện ban đầu, dẫn đến bệnh tình trở nặng và đa số người bệnh đều nhập viện trong tình trạng muộn.

Suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh bị giữ nước, dẫn đến phù, huyết áp cao hoặc phù phổi. Nồng độ kali trong máu tăng đột ngột, có thể làm giảm chức năng tim và có thể đe dọa tính mạng.

Bên cạnh đó, bệnh còn dẫn đến biến chứng tại nhiều cơ quan trong cơ thể như loét đường tiêu hóa do urê máu cao, chảy máu đường tiêu hóa hệ tiêu hóa; hệ thần kinh gây co giật, hôn mê, xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do vữa xơ động mạch; hệ sinh dục gây rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, vô sinh, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát; hệ tim mạch làm tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim…

Hồ Quang
Bài liên quan
Các cơ sở y tế không được xử lý chậm trễ người bệnh cấp cứu trong dịp lễ 30.4
Ngày 22.4, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc bảo đảm công tác y tế trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổn thương thận cấp vì uống cả kg nước ép khế