Cuộc bầu cử tổng thống đảo quốc Maldives ngày 23.9 đã có kết quả tạm thời. Tổng thống Abdulla Yameen dù rất muốn tái trúng cử với một chương trình kinh tế nhờ vốn vay của Trung Quốc, nhưng đã thất bại trước nghị sĩ Ibrahim Mohamed Solih.

Tổng thống Maldives thất cử

Trần Trí | 24/09/2018, 11:30

Cuộc bầu cử tổng thống đảo quốc Maldives ngày 23.9 đã có kết quả tạm thời. Tổng thống Abdulla Yameen dù rất muốn tái trúng cử với một chương trình kinh tế nhờ vốn vay của Trung Quốc, nhưng đã thất bại trước nghị sĩ Ibrahim Mohamed Solih.

Theo hãng tin AP, sáng sớm 24.9, ông Solih tuyên bố trúng cử tổng thống, khi cuộc bầu cử được xem là cuộc trưng cầu dân ý về nền dân chủ non trẻ, vào lúc có cảnh báo đảo quốc ở Ấn Độ Dương này sẽ quay lại thời độc tài mà dân Maldives từng lật đổ trong cuộc nổi dậy hồi 10 năm trước.

Kết quả chính thức sẽ có vào ngày 29.9 tới

Các đảng đối lập ở Maldives đã lập một mặt trận thống nhất nhằm lật đổ Tổng thống Yameen, tố cáo chính phủ của ông đàn áp phe đối lập, tham nhũng và bỏ tù các ứng cử viên đối lập, các thẩm phán và giới truyền thông với những lý do vụn vặt.

Phe đối lập đã nhất trí chọn nghị sĩ Solih làm ứng viên thách cử, với cương lĩnh phục hồi nền dân chủ, bài trừ tham nhũng và cải thiện quan hệ với phương Tây.

Vào thời độc tài cầm quyền, ông Solih, 56 tuổi, là nhà hoạt động dân chủ và từng là thủ lĩnh phe đa số ở Quốc hội Maldives. Ông trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, sau khi các nhân vật cấp cao khác phải lưu vong hoặc bị chính quyền Yameen bỏ tù.

Ông Solih đã đi vận động từng nhà dân, hứa hẹn quảng bá nhân quyền và tôn trọng pháp luật, một thông điệp có ảnh hưởng với cử tri đã trông thấy các dấu hiệu Maldives quay lại thời độc tài chỉ sau 10 năm đạt được dân chủ.

Vào sáng sớm 24.9, đã kiểm xong 97,5% số phiếu bầu, ông Solih đạt 58,3% số phiếu, theo trang tin độc lập mihaaru.com. Ủy ban Bầu cử Maldives tuyên bố tớingày 29.9mới công bố kết quả chính thức, để các đảng có một tuần kháng nghị với Tòa án tối cao.

Sau chiến thắng bất ngờ của ông Solih, người ủng hộ ông đổ ra đường vẫy cờ Maldives, bấm còi xe và ôm nhau mừng thắng lợi. Ông Soleh với hàng ngàn người ủng hộ đứng quanh ở thủ đô Malé, kêu gọi mọi người bình tĩnh chờ kết quả chính thức. Trong tuyên bố thắng cử, ông gọi kết quả bầu cử là “thời khắc hạnh phúc, hy vọng và lịch sử”, nhưng nói thêm rằng ông không nghĩ tiến trình bầu cử minh bạch.

Đêm trước ngày bầu cử, cảnh sát khám xét trụ sở tranh cử của ông Solih, một động thái bị xem là Tổng thống Yameen muốn giành cơ hội tái trúng cử, theo Hamid Abdul Gafoor, một cựu nghị sĩ Maldives đang sống lưu vong ở Sri Lanka.

Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố không cử quan sát viên giám sát cuộc bầu cử, vì Maldives không đáp ứng các điều kiện bảo đảm công tác giám sát. Đầu tháng 9 và hồi tháng 7, Mỹ và EU lần lượt dọa trừng phạt các quan chức Maldives nếu cuộc bầu cử không tự do và minh bạch.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã chúc mừng nhân dân Maldives có cuộc bầu cử dân chủ và hòa bình, ghi nhận chiến thắng của phe đối lập và kêu gọi “bình tĩnh, tôn trọng ý nguyện của người dân” khi tiến trình bầu cử đã kết thúc.

Phe đối lập đã lo ngại nguy cơ gian lận lá phiếu để ông Yameen, người chưa tuyên bố thất bại, và người của ông từ chối bình luận với AP.

Phe đối lập cáo buộc luật bầu cử đã bị thay đổi đột xuất trong tuần này, gồm cả việc cấm các nhà quan sát đến phòng bỏ phiếu, điều sẽ khiến khó phát hiện nguy cơ gian lận lá phiếu.

Nhưng các quan chức trong Ủy ban Bầu cử (do chính quyền lập) phủ nhận, nóicác thay đổi luật bầu cử sẽ không tác động đến quá trình kiểm phiếu.

Bảng cổ động Tổng thống Yameen tái trúng cử - Ảnh:Reuters

Tổng thống Yameen địnhphát triền kinh tế bằng cách dựa vào Trung Quốc

Theo Guardian, các cuộc tranh cử bị hạn chế ở thủ đô Malé, phe đối lập chỉ được phép tổ chức mỗi một cuộc tập kết chính trị. Toàn thành phố hầu như chỉ có những biểu ngữ màu hồng của đảng Tiến bộ của Tổng thống Yameen, đôi lúc kèm theo các áp phích chân dung to bằng người thật của ông, người được bầu làm tổng thống hồi năm 2013.

Ông Aiman Rasheed của tổ chức giám sát bầu cử Maldives Minh bạch (ở Malé) nói: “Từ sau cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên năm 2008, có lẽ đây sẽ là cuộc bầu cử tệ hại nhất về chuyện minh bạch”.

Tổng thống Yameen còn bị cáo buộc toan tính hù dọa kênh truyền hình Raajje TV của phe đối lập, bằng cách phạt nhà đài này số tiền gần 130.000 USDvìlý do phát sóng một diễn văn “nói xấu chế độ” ở một cuộc tập kết của phe đối lập.

Meenakshi Ganguly, trưởng nhánh Nam Á của tổ chức Giám sát nhân quyền, nói: “Có những mối quan ngại nghiêm trọng, rằng Tổng thống Yameen muốn bám quyền lực bằng bất kỳ biện pháp nào, gồm bắt nhốt bất kỳ ai tính ngáng đường ông, kể cả thẩm phán, vu cáo ứng viên đối lập vi phạm luật hình sự nhằm gạt loại đối thủ, hoặc trực tiếp can thiệp vào tiến trình bầu cử”.

Tổng thống Yameen phủ nhận cáo buộc ông lạm dụng quyền lực. Khi đi tranh cử, ông từng nói: “Nếu các cáo buộc chế độ độc tài là đúng, thì khi tôi đến các đảo, tôi sẽ không trông thấy những nụ cười, không ai tiếp đón tôi, bắt tay tôi, nếu đúng tôi là kẻ độc tài”.

Các tổ chức nhân quyền nói trong nhiệm kỳ 5 năm, Tổng thống Yameen dần thâu tóm quyền lực, nhất là rạng sáng 6.2.2018, ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp 45 năm ngày, để phản ứng với phán quyết của Tòa án tối cao Maldives làtrả tự do cho 9 thủ lĩnh đối lập đang bị tù tại một nhà tù chính trên đảo hoang Dhoonidhoo.

Tiếp đó, cảnh sát bắt 2 thẩm phán và một cán bộTòa án tối cao, và cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayom, buộc tội 4 người này là “khủng bố” âm mưu lật đổ chính quyền. Tòa án tối cao Maldives chỉ còn 3 thẩm phán, sau đó hủy phải kết quả trả tự do cho nhóm thủ lĩnh đối lập.

Ngay sau vụ ban bố tình trạng khẩn cấp, cựu Tổng thống Mohammad Nasheed đề nghị Ấn Độ can thiệp quân sự và ngoại giao giúp giải thoát người bị bắt và chấm dứt khủng hoảng, nhưng Bắc Kinh phản đối.

Ông Nasheed trở thành tổng thống dân cử đầu tiên sau 30 năm Maldives sống dưới chế độ độc tài. Ông Nasheed nay 51 tuổi, hồi năm 2012 bị buộctừ chức mà người ủng hộ ông nghi là một cuộc đảo chính. Qua năm 2013, ông lại tranh cử tổng thống nhưng thua ông Yameen. Năm 2015, ông Nasheed bị kết án là khủng bố, nay sống lưu vong ở Sri Lanka.

Cầu Sinamale nối thủ đô Malé với sân bay quốc tế Velana- Ảnh: Getty Images

Quần đảo Maldives với diện tích 298km2, nổi tiếng với những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, và du lịch là nguồn thu ngoại tệ chính của quần đảo chỉ có 400.000 dân này.

Nhưng nhiều đường đứt gãy địa chất của địa cầunằmvắt qua đảo quốc này, khiến Maldives phải chịu nguy cơ nước biển dâng đe dọa một số trong 1.192 đảo và 26bãi san hô.Vị trí chiến lược của Maldives trên Ấn Độ Dương cũng khiến Maldives trở thành một tâm điểm để Ấn Độ với Trung Quốc tranh giành tầm ảnh hưởng khu vực.

Cựu Tổng thống Nasheed từng nói Trung Quốc đã thuê trọn 17 đảo và tiến hành nhiều hoạt động mờ ám, nhưng chính phủ Tổng thống Yameen phủ nhận.

Theo Trung tâm Phát triển toàn cầu (tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ), Maldives là một trong những nước có nguy gặp bất trắc nợ nần cao nhất trong số những nền kinh tế tham gia chương trình Vành đai -Con đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc khởi xướng.

Tổng thống Yameen, 59 tuổi, tự giới thiệu là một công dân Maldives yêu nước, chú trọng phát triển kinh tế, và nhấn mạnh các thành tựu của ông gồm những dự án cơ sở hạ tầng được xây khi ông cầm quyền, như chiếc cầu Sinamale dài 2km nối thủ đô Malé với sân bay quốc tế Velana vốn vừa khai trương hồi đầu tháng 9. Kinh phí xây cầu này là 126 triệu USD vay của Trung Quốc.

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng cũng có tổng kinh phí 1,3 tỉ USD, cũng vay của Trung Quốc. Món nợ này cao hơn 25% GDP của quốc đảo chưa đầy nửa triệu dân, và các nhà ngoại giao phương Tây sợ món nợ sẽ khiến Maldives lọt vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Bảo Vĩnh (theo AP, Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
36 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Maldives thất cử