Một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói vì phản ứng cuộc không kích Syria của Nga chỉ là “quát tháo ầm ĩ”, nên Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa áp thêm lệnh trừng phạt Nga.
Theo báo New York Times ngày 16.4 (giờ Mỹ), Nga không phản ứng quân sự với cuộc không kích tối 13.4. Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không Syria đánh chặn thành công nhiều tên lửa của đối phương, nhờ được trang bị các tên lửa S-125, S-200, Buk và Kvadrat sản xuất tại Liên Xô cũ hơn 30 năm trước, cùng với các khí tài tiên tiến trang bị sau này.
Máy bay Mỹ về căn cứ, tên lửa phòng không Syria mới triển khai
Đêm 13.4, Mỹ và 2 đồng minh Anh, Pháp không kích Syria, với cớ quân đội chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) chống lại thường dân ở thành phố Douma thuộc khu ngoại ô Đông Ghouta của thủ đô Damascus (Syria) ngày 7.4, làm chết 70 người dân Syria.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh: khi 105 tên lửa Mỹ đánh trúng Trung tâm nghiên cứu-phát triển Barzah-một phòng thí nghiệm nghiên cứu VKHH ở Damascus-cùng hai kho chứa VKHH và các lô-cốt ở tỉnh Homs, chính là một đòn giáng mạnh vào chương trình vũ khí của Tổng thống Assad.
Phòng thí nghiệm VKHH ở Barzah bị giáng đòn mạnh nhất, khoảng 76 quả tên lửa, gồm tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk cùng các tên lửa không đối đất JASSM.
Máy bay Mỹ, Anh, Pháp phóng 29 quả còn lại, đập nát kho VKHH Him Shinshar gần thành phố Homs, cùng một cơ sở ngầm chứa VKHH Him Shinshar gần đó.
Lực lượng phòng không Syria đã ráng đánh trả, nhưng khi hệ thống này được triển khai thì máy bay Mỹ đã trên đường về căn cứ, tàu chiến Mỹ hoàn toàn nhiệm vụ, theo các quan chức Mỹ cho biết. Họ phản đối việc Syria tuyên bố đã bắn trúng hàng chục tên lửa Mỹ.
Trung tướng Kenneth F. McKenzie, đại diện Hội đồng tham mưu liên quân (JCS) ở Lầu Năm Góc nói với các nhà báo sáng 14.4: “Chúng tôi xác nhận chế độ Syria đã phóng 40 tên lửa đất đối không, nhưng đa số được phóng sau khi đợt không kích cuối cùng của chúng tôi kết thúc”.
Vị tướng còn nói đòn phản kháng của Syria “vô hiệu quả”, và “rõ ràng họ tăng nguy cơ giết dân của họ từ phản ứng không phân biệt này, vì khi bạn bắn cục sắt vào bầu trời mà không có sự dẫn đường, thì không thể tránh khỏi cục sắt sẽ lại rơi xuống đất”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã thúc đẩy hạn chế tấn công vào các cơ sở vũ khí đã được điều tra kể trên, với hy vọng đòn tấn công hạn chế sẽ không kích hoạt đòn trả đũa từ Nga.
Liên quân Mỹ-Anh-Pháp mở đợt không kích tấn công 3 “cơ sở sản xuất và cất giấu vũ khí hóa học của Syria", nhằm gởi thông điệp mạnh mẽ rằng Syria chớ nên tái sử dụng VKHH.
Phương Tây nói mục tiêu không kích không phải can thiệp vào cuộc nội chiến hoặc để lật đổ ông Assad.
“Ông Trump ok với quân sư vào ngày chẵn, rồi bác bỏ vào ngày lẻ”
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói việc Nga phản ứng cuộc không kích Syria chỉ là “quát tháo ầm ĩ”, nên ông Trump chưa kết luận trừng phạt thêm là không cần thiết.
Nhưng theo Times, ít nhất vào lúc này, việc ông Trump trì hoãn đợt trừng phạt mới đối với Nga, cho thấy một sự phân hóa giữa chủ nhân Nhà Trắng với nhóm an ninh quốc gia.
Các nhà phân tích về Nga nói sự thay đổi chính sách xoành xoạch lại cho thấy: chính phủ Mỹ chật vật tìm một tiếng nói chung trong việc xử lý vấn đề Nga. Nước này trong 4 năm qua đã sáp nhập Crimea, can thiệp vào đông Ukraine, tác động kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016, đầu độc cha con cựu điệp viên phản Nga Sergei Skripal và ủng hộ chính phủ Assad.
Ông Stephen Sestanovich, nhà nghiên cứu ở Hội đồng quan hệ đối ngoại (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) và đại học Colombia, đồng thời từng là Đại sứ Mỹ ở Liên Xô những năm 1990, nói: “Xem ra ông Trump suy nghĩ vào ngày chẵn thì nên nghe theo cố vấn và bác đề xuất của họ vào ngày lẻ thì kết quả sẽ là một chiến lược. Nói rộng ra, các chính phủ khác không biết nên khóc hay cười vì sự thay đổi xoành xoạch này. Nhưng ở Nga, tiếng cười chiếm ưu thế”.
Ngày 15.4, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói lệnh trừng phạt sẽ giáng xuống Nga hôm 16.4. Nhưng vào ngày này, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders ra tuyên bố cho biết ông Trump chưa phê duyệt các biện pháp trừng phạt thêm: “Chúng tôi đang xem xét các mức trừng phạt thêm và trong tương lai gần sẽ có quyết định”.
Sau đó, vào lúc ông Trump đáp chuyên cơ Air Force One đến khu nghỉ dưỡng riêng ở bang Florida, bà Sanders nói thêm: “Tổng thống đã nói rõ ông sẽ cứng rắn với Nga, nhưng cùng lúc ông vẫn muốn có quan hệ tốt với họ”.
Tổng thống Trump đã công khai bày tỏ hy vọng tạo được quan hệ hữu nghị với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày 20.3, ông gọi điện chúc mừng ông Putin tái trúng cử nhiệm kỳ thứ tư, thậm chí gợi ý một cuộc gặp thượng đỉnh mà có thể ở Nhà Trắng.
Cùng lúc, chính phủ Mỹ áp hai đợt cấm vận Nga hồi tháng 3, trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa một lãnh sự quán Nga, nhằm phản đối vụ đầu độc cha con Skripal.
Ông Trump trì hoãn trừng phạt, làm bà Đại sứ và Mỹ bị nất uy tín quốc tế
Theo báo Washington Post, đích thân ông Trump can thiệp để trì hoãn lệnh trừng phạt. Báo dẫn các nguồn tin giấu tên nói Tổng thống Mỹ “bị bất ngờ trước sự trừng phạt được nói ra chính thức, vì ông cảm thấy chưa tiện thi hành sự trừng phạt này”.
Theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên, ông Trump tức bà Haley nói ra chính sách và việc ông quyết bác trừng phạt khiến uy tín của bà Haley bị lung lay.
Trong chính phủ Mỹ, bà Haley là một trong những người chỉ trích Nga mạnh nhất, thường nói lời cứng rắn hơn cả ông Trump. Bà Haley không bình luận gì hôm 16.4.
Người phê bình cũng nói quyết định không thực hiện tuyên bố của Đại sứ Haley sẽ làm uy lực Mỹ trên thế giới bị suy giảm. Hạ nghị sĩ Eliot L. Engel thuộc đảng Dân chủ ở Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói: “Tôi phẫn nộ việc Tổng thống Trump hoãn trừng phạt Nga đã ủng hộ Syria. Nó phát thông điệp đến các chính phủ trên toàn thế giới, rằng họ có thể ủng hộ những hành vi phạm pháp bạo tàn mà không phải chịu hậu quả nghiêm trọng”.
Một quan chức cấp cao cũng cho Reuters biết: ông Trump có thể không phê duyệt thêm lệnh trừng phạt nào, trừ phi Nga tiến hành tấn công mạng hoặc bày những trò khiêu khích khác.
Các quan chức chính phủ nói đến lúc nào đó, lệnh trừng phạt Nga mới sẽ được tung ra, nếu Nga có thêm những hành động nào khác. Nhưng họ cũng không thể giải thích bằng cách nào ông Trump giữ được lời hứa “Nga sẽ phải trả giá lớn” vì giúp Syria sử dụng VKHH. Ông Trump đã hứa như thế sau thông tin xảy ra vụ tấn công hóa học ngày 7.4.
Nga đã phản ứng mạnh trước thông tin bị trừng phạt thêm, trước khi biết tin ông Trump hoãn. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói: “Hướng trừng phạt Nga đã trở thành nỗi ám ảnh. Chúng tôi nhận định bất kỳ nhà kinh tế học nào cũng có thể đấy là toan tính công khai nhằm loại bỏ các công ty Nga khỏi các thị trường toàn cầu".
Bảo Vĩnh (theo New York Times)