Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào ngày 19.9 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tái khẳng định CHDCND Triều Tiên và Iran là ‘trục quỷ dữ’.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết trước: bài diễn văn của ông Trump sẽ chú trọng “các chế độ trên thế giới đe dọa an ninh toàn cầu”, và ông sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động đối đầu với Triều Tiên và Iran, hai quốc gia mà ông gọi là “mối đe dọa kép cho an ninh thế giới”.
Một quan chức cấp cao cho biết: Tổng thống Mỹ sẽ cảnh cáo các nước thành viên LHQ, rằng họ sẽ phải đứng bên lề lịch sử” nếu các nước không hành động đối phó với hai mối đe dọa này.
Vị quan chức cũng nói ông Trump sẽ dùng bài diễn vănđể vạch rõ tầm nhìn của ông, về các quốc gia có thể hợp tác khi đối mặt với những thử thách nêu trên, mà không gây tổn hại cho chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Người này nói: việc kêu gọi các nước tham gia một hành động chung phù hợp với cương lĩnh tranh cử “Nước Mỹ trên hết” của vị chủ nhân Nhà Trắng: “Rõ ràng một trong những nước chủ lực sẽ lên tiếng rằng chế độ Iran và chế độ Triều Tiên cùng những hành vi thù địch gây bất ổn và nguy hiểm là các chế độ đe dọa an ninh thế giới”.
Vị quan chức còn nói: “Lời kêu gọi các nước khác góp phần đương đầu với những đe dọa này, thấu hiểu đó là mối đe dọa chung và các nước không thể đứng bên lề lịch sử. Nếu quý vị không đối đầu với những đe dọa vào lúc này, chúng sẽ tập hợp thế lực và sẽ trở nên ghê gớm khi thời gian trôi qua”.
Bài diễn văn của ông Trump sẽ phân biệt rõ giữa chính phủ Iran với nhân dân nước này, và ông sẽ đề cập hai khối này ‘vênh’ nhau, theo vị quan chức Nhà Trắng vốn còn cho biết cuộc khủng hoảng ở Venezuela và mối đe dọa từ bọn khủng bố cũng sẽ được đề cập trong bài diễn văn của ông Trump.
Năm 2002, trong bài diễn văn liên bang, Tổng thống George Bush từng gọi Triều Tiên, Iran, Iraq là “trục quỷ dữ”, và không đầy một năm sau, ông xua quân xâm lược với sự vu cáo Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Theo Guardian, lời kêu gọi hành động chống Iran của ông Trump sẽ khó nhận được sự ủng hộ lớn như ông Bush đã có được hồi 15 năm trước.
Năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) và Đức, theo đó Iran chấp nhận hủy bỏ chương trình hạt nhân, đổi lại là nới lỏng lệnh cấm vận. Ủy ban năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) cũng đồng ý với thỏa thuận bắt buộc này.
Anh, Pháp, Đức và Nga, Trung Quốc đều không muốn kết nối Iran với Triều Tiên. Dù Hội đồng bảo an LHQ đều nhất trí Triều Tiên là mối đe dọa lớn cho an ninh và sự ổn định của thế giới, vẫn có những bất đồng về chuyện cấm vận kinh tế Triều Tiên, như Trung Quốc ngại chế độ Kim Jong-un sụp đổ đã phản đối việc Mỹ muốn cấm vận xăng dầu và bao vây hàng hải đối với Triều Tiên.
Mỹ hiện cô độc trong việc đòi phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói thỏa thuận này cần thiết cho an ninh thế giới, trong khi sau cuộc gặp ông Trump ngày 18.9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sẽ thuyết phục Mỹ tiếp tục tin tưởng thỏa thuận này.
Từ Tehran, Giáo chủ Ali Khamenei hôm 17.9 đã dọa sẽ phản ứng vũ lực, nếu ông Trump ‘hành động sai’ liên quan thỏa thuận này.
Theo báo Guardian, chính phủ cũng đối mặt với sự cô lập và bị cáo buộc chính họ “đứng bên lề lịch sử”, vì ông Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris chống thay đổi thời tiết. Vài ngày qua, các quan chức khẳng định nếu tái thương lượng, có thể Mỹ sẽ không rút hẳn”.
Brian Hook, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Tổng thống có nói với Tổng thống Macron, rằng ông ấy sẽ tiếp tục thảo luận với lãnh đạo Pháp” về Thỏa thuận Paris.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)