Vì các cuộc biểu tình bạo lực khiến 25 người chết, Tổng thống Nicaragua đã phải hủy chính sách mất lòng dân này: sửa đổi luật an sinh - xã hội vốn buộc giới hưu trí bị giảm trợ cấp, đồng thời người lao động và chủ lao động đóng thuế nhiều lần hơn và mức thuế tăng cao hơn.

Tổng thống Nicaragua phải hủy chính sách thuế mất lòng dân

Trần Trí | 23/04/2018, 16:10

Vì các cuộc biểu tình bạo lực khiến 25 người chết, Tổng thống Nicaragua đã phải hủy chính sách mất lòng dân này: sửa đổi luật an sinh - xã hội vốn buộc giới hưu trí bị giảm trợ cấp, đồng thời người lao động và chủ lao động đóng thuế nhiều lần hơn và mức thuế tăng cao hơn.

Theo Reuters, hôm 22.4, Tổng thống Daniel Ortega đã tuyên bố hủy kế hoạch, nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng lớn nhất của chính phủ. Đứng cạnh lãnh đạo các công ty có khoảng 130.000 việc làm và thu về hàng triệu USD nhờ hàng xuất khẩu, ông Ortega nói trước ống kính truyền hình phát sóng toàn quốc: “Nghị quyết ký ngày 16.4.2018 đã gây ra tình hình bất ổn, đã được thu hồi, hủy, loại qua một bên”.

Ngay sau tuyên bố này, các cuộc phản đối bạo lực giảm đáng kể ở thủ đô Managua, nhưng ít nhất một cuộc tuần hành phản đối khác sẽ diễn ra ngày 23.4 (giờ Nam Mỹ).

Quỹ trợ cấp bị “hóa thành tiền tiêu vặt” của chính phủ

Vụ bất ổn bắt đầu từ khi chính phủ thuộc đảng cầm quyền Mặt trận giải phóng quốc gia Sandinista (FSLN) thúc đẩy sửa đổi hệ thống an sinh quốc gia để phản ứng cuộc khủng hoảng tài chính, gây tổn thất cho Viện An sinh xã hội quốc gia (INSS).

Trước đó, các chính phủ liên tiếp ở Nicaragua bị cáo buộc đã dùng INSS như “heo đất để moi tiền tiêu vặt”, khiến nhiều người cảm thấy người hưởng trợ cấp và giới lao động nay bị “đè đầu” ra trả giá cho sự lợi dụng hệ thống an sinh xã hội.

Ngày 17.4, Phó Tổng thống Rosario Murillo - vợ Tổng thống Daniel Ortega ở vai trò người phát ngôn chính phủ, đã bảo vệ sự sửa đổi hệ thống an sinh xã hội, nhấn mạnh rằng tuổi hưu trí không nâng quá 60 tuổi, số lần đóng góp hàng tuần cho quỹ trợ cấp quốc gia sẽ ở mức 750 lần, và người hưởng trợ cấp sẽ được thưởng thêm một tháng trợ cấp vào mùa Noel.

Sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 18.4, tăng 5 % thuế lên mức trợ cấp cho người già và người tàn tật, người lao động cùng chủ lao động đều phải đóng thuế cao hơn.

Ngay sau đó, hàng trăm người hưu trí bắt đầu biểu tình phản đối hôm 18.4, có sự tham gia của hàng ngàn sinh viên, công nhân ở nhiều thành phốvà xảy ra đánh nhau với cảnh sát. Kèm theo là bùng phát nạn hôi và người dân đổ xô mua sắm trong hoảng loạn tại thủ đô Managua.

Đêm 20.4, trang tin điện tử El 19 Digital của đảng cầm quyền Mặt trận giải phóng quốc gia Sandinista (SNLF) đưa tin quân đội cầm súng AK đã vào thủ đô Managua và vài thành phố lớn để “bảo vệ các cơ quan công quyền”.

Theo báo Guardian ngày 22.4, đã có cáo buộc cảnh sát quốc gia dùng đạn thật bắn chết người biểu tình. Số người chết tăng lên 25 người gồm một cảnh sát viên, một nhà báo tên là Angel Gahona, người cầm điện thoại di động để đến gần mặt tiền Tòa thị chính, tường thuật trực tiếp cuộc biểu tình phản đối qua Facebook. Vài giây sau, tiếng súng vang lên, nhà báo đổ vật ra đường vì trúng đạn.

Theo các tổ chức nhân quyền, 67 người bị cảnh sát bắn bằng đạn thật hoặc đạn cao su, hoặc bị đoàn viên Đoàn Thanh niên Sandinista cùng các nhóm thân chính phủ đánh đập dã man. Còn có thông tin 43 người “mất tích”.

Cáo buộc nghiêm trọng nhất là các tay súng bắn tỉa núp trong sân vận động quốc gia, bắn người biểu tình trú ẩn trong nhà thờ chính của thủ đô Managua. Người biểu tình đã kéo đổ tượng đài Những Cây Đời mà vợ Tổng thống Ortega cho dựng lên.

Nicaragua vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Mỹ. Nhà xã hội học Cirilo Otero nói: “Chúng tôi đang chứng kiến hỗn loạn xã hội ở Nicaragua, vì thiếu vai trò lãnh đạo của chính phủ, cuộc khủng hoảng này kết hợp với cái nghèo mà với bất kỳ xã hội nào, đấy đều là bom hẹn giờ”.

Cảnh sát bị tố bắn đạn cao su vào người biểu tình - Ảnh: Getty Images

“Sinh viên biểu tình vì bị Mỹ tài trợ, kích động”

Trưa 21.4, Tổng thống Ortega xuất hiện cạnh tư lệnh cảnh sát, nói ông đã sẵn sàng xét lại việc sửa đổi hệ thống an sinh xã hội. Nhưng ông nói cuộc đối thoại chỉ giữa chính quyền với giới doanh nghiệp, không mời những thành phần khác của xã hội.

Ông Ortega cũng nỗ lực bào chữa phản ứng mạnh tay của chính quyền và các nhóm đồng minh, cáo buộc người biểu tình, đa số là sinh viên đại học đã bị các đảng cánh hữu có Mỹ tài trợ kích động và bị bọn lưu manh xâm nhập.

Vị Tổng thống nói: “Những gì xảy ra với nước ta không có tên. Các cháu nhỏ thậm chí không biết phe nào đang thao túng họ. Bọn lưu manh đã lẻn vào cuộc biểu tình của các cháu”.

Vợ ông Orteta, Phó Tổng thống Murillo cũng lên sóng radio, nói người biểu tình “toan tính phá đổ nền hòa bình mà chính phủ đã xây dựng ở Nicaragua”và so sánh họ với “ma cà rồng cần uống máu để nuôi kế hoạch chính trị”.

Theo Guardian, tuyên bố của vợ ông Ortega xem ra càng “trút dầu vào lửa”: ngay sau đó, hàng ngàn người đổ xuống đường ở 7 thành phố gồm thủ đô Managuasau khi tình hình căng thẳng đã dịu xuống đêm 20.4.

Người biểu tình đòi vợ chồng Phó Tổng thống -Tổng thống nên ra đivì tình hình đã vượt quá chuyện an sinh-xã hội, đã có người chết và bị thươngmà ông Ortega lại không có lời xin lỗi về việc chính quyền giết người và đàn áp đồng bào.

Giáo Hoàng Francis, chính phủ Mỹ, Ủy ban nhân quyền LHQ và các lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ sự lo ngại tình trạng bạo lực, kêu gọi chính quyền Nicaragua ngưng những hành động chống lại người biểu tình và giới truyền thông.

Từ đó, Tổng thống Ortega tuyên bố hủy kế hoạch áp dụng hệ thống an sinh xã hội sửa đổi.

Chính phủ từng nói sự sửa đổi là cần thiết để tăng nguồn thu cho đất nướcvà ông Ortega nói sẽ có đối thoại để soạn kế hoạch mớinhằm củng cố hệ thống an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tổ chức vận động hành lang lĩnh vực tư nhân COSEP lại ủng hộ các cuộc biểu tình trong hòa bình để phản đối chính phủ. Họ ra tuyên bố cho biết sẽ không đàm phán với chính phủ về kế hoạch sửa đổi hệ thống an sinh xã hộicho đến khi nào chính quyền ngưng ra lệnh cho cảnh sát đàn áp, thả người bị bắt và tái lập quyền tự do ngôn luận.

Tuyên bố của COSEP viết: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ lập tức thực hiện các điều kiện để tránh thêm những vụ đổ máu”.

Tổng thống Orgeta và vợ cũng là Phó Tổng thống - Ảnh: Reuters

Tổng thống Orgeta bị tố toan lập chế độ độc tài gia đình trị

Ông Ortega từng là du kích quân chống Mỹ, làm Tổng thống Nicaragua lần thứ hai hồi 11 năm trước. Ông có công tạo ra một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhờ kết hợp các chính sách của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản.

Nicaragua là một trong những quốc gia ổn định ở Trung Mỹ, tránh được sự bất ổn chính trị và bạo lực đường phố đang “ám” Honduras, El Salvador và Guatemala trong những năm gần đây.

Nhưng phe đối lập chỉ trích vợ chồng ông Ortega muốn lập chế độ độc tài gia đình trị, vì ông siết chặt quyền kiểm soát các cơ quan công quyền.

Theo Reuters, những nghi án gian lận trong các cuộc bầu cử những năm gần đây đã cho phép ông Ortega nắm Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp, và ông có quyền làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Ông hiện nắm hầu hết các nhánh của chính phủ, trong khi những sửa đổi luật liên quan quân đội và cảnh sát cũng khiến 2 lực lượng này đứng sau ông.

Cùng lúc, chính phủ phản ứng mạnh tay với bất kỳ hình thức đối lập nào. Tháng 6.2013, trong một cuộc phản đối cũng liên quan hệ thống an sinh xã hội, cảnh sát đứng yên cho người ủng hộ chính phủ phá chặn một cuộc biểu tình vốn ủng hộ quyền hưởng trợ cấp của người già.

Bảo Vĩnh (theo Reuters, Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Nicaragua phải hủy chính sách thuế mất lòng dân