Pháp sẽ tìm cách "làm rõ" về việc hủy bỏ đơn đặt hàng tàu ngầm. Việc hủy bỏ hợp đồng được ký vào năm 2016, đã khiến Pháp phẫn nộ vì cho rằng Paris không được các đồng minh tham khảo ý kiến.
Người phát ngôn chính phủ Pháp hôm nay 19.9 cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong vài ngày tới.
Cuộc điện đàm xuất hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra do việc Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Hôm 17.9, Pháp cho biết đã triệu hồi các đại sứ từ Washington và Canberra về nước như phản ứng liên quan đến một thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ - Anh – Úc dẫn đến Úc bỏ mua tàu ngầm Pháp.
"Tổng thống Biden đã yêu cầu được nói chuyện với Tổng thống Cộng hòa Pháp và sẽ có một cuộc thảo luận qua điện thoại trong vài ngày tới giữa Tổng thống Macron và Tổng thống Biden", người phát ngôn Gabriel Attal nói trên kênh tin tức BFM TV.
Ông Attal cho biết Pháp sẽ tìm cách "làm rõ" về việc hủy bỏ đơn đặt hàng tàu ngầm. Việc hủy bỏ hợp đồng được ký vào năm 2016, đã khiến Pháp phẫn nộ vì cho rằng Paris không được các đồng minh tham khảo ý kiến. Tuy nhiên, chính phủ Úc cho biết họ đã làm rõ những lo ngại của mình trong nhiều tháng.
Sau "cú sốc" ban đầu về việc hủy hợp đồng, các cuộc thảo luận sẽ cần diễn ra để bàn về các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là khoản bồi thường cho phía Pháp. Chính phủ Úc cho biết việc hủy bỏ hợp đồng khiến họ phải bồi thường khoảng 1,7 tỉ USD nhưng họ chấp nhận điều đó vì tàu ngầm Pháp không đáp ứng các yêu cầu của Úc trong tương lai.
Ông Attal cũng bình luận về vụ này với một số câu hỏi ngầm dành cho Mỹ: “Chuyện gì xảy ra trong vụ này, cuộc khủng hoảng này… là những vấn đề chiến lược trước khi là vấn đề thương mại. Câu hỏi đặt ra là... lực lượng hiện tại, sự cân bằng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi gắn với tương lai của chúng ta rồi sẽ thế nào và mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc".
Thỏa thuận của Mỹ với Anh - Úc phản ánh sự xoay trục của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được coi là ngày càng chiến lược khi Trung Quốc củng cố ảnh hưởng ở đó.
Pháp cảm thấy thỏa thuận của 3 đồng minh nói tiếng Anh đang đi giống như lộ trình của Pháp tại một khu vực mà Paris lâu nay đã có sự hiện diện mạnh mẽ và cũng đang nỗ lực để củng cố, ngoài hợp đồng với Úc.
Attal nói: “Pháp là một quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, luôn quan tâm đến lãnh thổ của Pháp ở New Caledonia, các công dân Pháp sống trong khu vực và các lực lượng quân sự đóng tại đó”. Ông cũng nói, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là một vấn đề của châu Âu.
Macron sẽ tìm kiếm lời giải thích từ Biden về điều gì đã dẫn đến "sự rạn nứt lớn về niềm tin", người phát ngôn nói thêm. Attal nói: “Đã có một khoảnh khắc sốc, tức giận... Bây giờ, chúng ta phải tiến bước".
Vào tối 17.9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã phản đối những gì mà Pháp coi là một sự phản bội được đánh dấu bởi "sự lật lọng, coi thường và dối trá."
Thủ tướng Morrison cho biết việc chuyển đổi này là do môi trường chiến lược đang xấu đi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông không đề cập cụ thể đến mối lo với sức mạnh quân sự khổng lồ của Trung Quốc, vốn có tốc độ phát triển trong những năm gần đây.
Thủ tướng Morrison nói: “Khả năng của các tàu ngầm lớp Attack không phải là thứ mà Úc cần để bảo vệ các lợi ích chủ quyền của chúng tôi. Họ (Pháp) sẽ có mọi lý do để biết rằng chúng tôi có những lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng rằng khả năng của tàu ngầm lớp Attack sẽ không đáp ứng lợi ích chiến lược của chúng tôi và chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng Úc sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích chiến lược quốc gia”.