Reuters ngày 6.2 đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hủy một thỏa thuận để Trung Quốc nghiên cứu khoa học ở thềm lục địa Philippines.
Ông Duterte còn lệnh cho hải quân Philippines đuổi các tàu nước ngoài ra khỏi khu vực thềm lụa địa, dù trước đó Manila cho phép các nhà nghiên cứu biển Trung Quốc hoạt động ở vùng bờ biển Philippines.
Theo Reuters, chưa có lời giải thích về quyết định của vị Tổng thống có tính khí thất thường (đến độ ông Duterte được gọi là Donald Trump của Philippines), và là người đã xây dựng quan hệ ấm nồng với Trung Quốc nhằm vay tiền và thu hút đầu tư cũng như để Philippines giảm lệ thuộc Mỹ.
Khu vực thềm lục địamà các nhà nghiên cứu biển Trung Quốc hoạt động có tên Benham Rise mà năm 2017, Philippines sửa tên thành Philippine Rise.
Theo Facebook của Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol, trong cuộc họp chính phủ chiều 5.2, Tổng thống Duterte nói: “Để tôi làm rõ chuyện này, Philippine Rise là của chúng ta, và bất kỳ lời bóng gió nào rằng nó mở toang cửa cho mọi người thì nên kết thúc với tuyên bố của tôi. Chỉ các nhà khoa học Philippines mới được phép tiến hành khảo sát và thám hiểm tại Philippines Rise”.
Theo ông Pinol, Tổng thống Duterte chỉ đạo như thế, sau khi “một nhà ngoại giao cấp thấp của nước khác” tuyên bố “Philippines Rise không của bất kỳ quốc gia nào”.
Ông Pinol nói Bộ Nông nghiệp đã cử hai tàu Philippines đến giám sát “các tàu nước ngoài” và quân đội đã triển khai máy bay không người lái nhằm theo dõi mọi diễn biến ở Philippines Rise.
Vị Bộ trưởng cho biết Tổng thống Duterte đã lệnh chohảiquân Philippines “xua đuổi” bất kỳ tàu nước ngoài nào được nhìn thấy đánh bắt hoặc tiến hành các hoạt động nghiên cứu ở Philippines Rise.
Ông Duterte còn yêu cầu lực lượng hải quân và không quân triển khai các tàu cũng như máy bay tới khu vực này, để giám sát sự hiện diện của các tàu nước ngoài.
Người phát ngôn Harry Roque xác nhận lệnh của Tổng thống Duterte là vì “vấn đề an ninh quốc gia”.
Ông Roque không giải thích tại sao vài tuần trước, chính ông Duterte cho phép Trung Quốc nghiên cứu khoa học ở Benham Rise, cùng với các nhà khoa học Philippines.
Ông Roque nói: “Chủ quyền của chúng tôi là không thể thắc mắc. Tất cả các giấy phép đều bị hủy. Không nước ngoài nào được phép nghiên cứu khoa học”, đồng thời nhấn mạnh quyền đi qua vô hại vẫn được áp dụng theo luật quốc tế.
Hồi tháng 1, chính quyền Philippines quyết định cho phép tàu Ke Xue Hao cua Trung Quốc tiến hành khảo sát tại Benham Rise. Theo kế hoạch, cuộc nghiên cứu này dự kiến kéo dài tới ngày 25.2.
Các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đã nghiên cứu Philippines Rise nhiều lần. Trung Quốc thì đề nghị được khảo sát 18 lần trong 17 năm qua.
Nhưng sự quan tâm của Trung Quốc vào khu vực thềm lục địa có tầm quan trọng chiến lược của Philippines đã làm dấy lên nhiều quan ngại về quyền tài phán cũng như an ninh quốc gia của Manila.
Các nghị sĩ Philippines đã kêu gọi Quốc hội mở cuộc điều tra về dự án nghiên cứu với sự tham gia của tàu Trung Quốc tại Benham Rise.
Trong khi đó, ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia đồng thời là một nghị sĩ và sĩ quan hải quân Philippines, nhận định “chuyến nghiên cứu của Trung Quốc phục vụ hai mục đích, và bất kỳ dữ liệu nào Trung Quốc thu thập được cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự”.
Ông Golez nói khu vực Beham Rise có thể trở thành một tuyến hàng hải thay thế cho các tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động. Tuyến đường hiện tại mà tàu ngầm Trung Quốc đang sử dụng qua kênh Bashi, nằm giữa Đài Loan và đảo Luzon, có diện tích hẹp.
Trong khi đó, Philippines Rise rộng 13 triệu hec-ta cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 250km, được cho là đa dạng sinh học và có nguồn cá ngừ dồi dào .
Và việc nghiên cứu nhiệt độ vùng nước sẽ cho phép Trung Quốc xác định cấu trúc lớp “nêm nhiệt”, lớp nằm giữa bề mặt nước ấm bên trên và phần nước lạnh sâu bên dưới, tại Benham Rise.
Ông Golez giải thích: “Lớp nêm nhiệt là khu vực nhiệt độ có thể giảm sâu đột ngột từ 25 độ C xuống gần 0 độ C. Điều này rất hữu ích cho chiến tranh tàu ngầm. Ngay bên dưới lớp nêm nhiệt, một tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn mình vì sóng sonar (của thiết bị phát hiện tàu ngầm) không thể xuyên qua lớp này”.
Ông nói thêm: “Nếu tôi nhận định đúng, dữ liệu mà họ (Trung Quốc) thu thập được sẽ cho phép họ nắm bắt thông tin về Benham Rise như một khu vực tiềm năng cho một cuộc xung đột trong tương lai”.
Giáo sư Jay Batongbacal, thuộc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines,cho biết việc các tàu Trung Quốc hoạt động ở khu vực Benham Rise là vấn đề “đáng quan ngại” vì trước đó, Bắc Kinh đã từng làm vậy dù “chưa xin phép, hoặc không có sự tham gia của Philippines”.
Dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), LHQđã công nhận Benham Rise là một phần của thềm lục địa Philippines hồi năm 2012.
Giáo sưJay, người từng góp phần khiến LHQ công nhận Benham Rise thuộc thềm lục địa Philippines, nói:Theo UNCLOS, Philippines có quyền tài phán duy nhất trong việc quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Việc cho phép các tàu Trung Quốc hoạt động tại Benham Rise sẽ dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Philippines”.
Vĩnh Thụy (theo Reuters)