Các nhà phân tích chính trị vẫn đang tranh luận về câu hỏi này dù Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã cam kết bảo vệ các quyền lợi của đất nước Philippines.

Tổng thống Philippines nghiêng về phía Mỹ hay tham gia một thế giới đa cực?

Bảo Vĩnh | 22/02/2023, 13:36

Các nhà phân tích chính trị vẫn đang tranh luận về câu hỏi này dù Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã cam kết bảo vệ các quyền lợi của đất nước Philippines.

Theo báo Đức Deutsche Welle (DW), chính sách đối ngoại thời Tổng thống Marcos hướng đến việc siết chặt quan hệ Philippines - Mỹ, xem ra tách khỏi quan điểm thân Trung Quốc thời Tổng thống Rodrigo Duterte vốn đã làm quan hệ với Mỹ trở nên lạnh lẽo.

marcos-2.jpg
Tổng thống Marcos (trái) trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: AP

Victor Andres Manhit, một nhà phân tích và là giám đốc công ty tư vấn Stratbase Group ở Philippines nói rằng, ông tin có sự khác biệt rõ ràng giữa cựu Tổng thống Duterte và Marcos: “Họ đều dùng đến chữ chính sách đối ngoại độc lập, nhưng ông Duterte thì theo hướng chống Mỹ nhiều hơn, không thật sự độc lập vì chính sách của ông nghiêng về Trung Quốc”.

Manhit nói với DW, Trung Quốc là mối đe dọa an ninh đối với khu đặc quyền kinh tế (EEZ) và một số vùng thuộc lãnh hải Philippines. Ông nói thêm rằng, Tổng thống Marcos chọn việc sống trong một thế giới đa cực và chọn làm thân với các nước để phục vụ cho lợi ích quốc gia của Philippines.

Là con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr, ông Marcos đắc cử tổng thống Philippines năm 2022, và hồi tháng 7 cùng năm, ông tuyên bố Philippines “là bạn của tất cả các quốc gia và không là kẻ thù của bất kỳ ai”.

Nhưng vị tân tổng thống cũng khẳng định, ưu tiên hàng đầu là kiên quyết bảo vệ các quyền lợi quốc gia.

Gần đây, căng thẳng leo thang giữa Philippines với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, với việc Tổng thống Marcos triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khuê Liên để phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc rọi tia laser cấp độ vũ khí vào tàu tuần duyên của Philippines khiến thủy thủ đang làm nhiệm vụ bị mù tạm thời.

Đáp lại, Trung Quốc nói tia laser không phải ở cấp độ vũ khí, được sử dụng để “di chuyển an toàn”. Vụ việc xảy ra một tháng sau khi Tổng thống Marcos gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

marcos-3.jpeg
Tổng thống Marcos (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Manila Bulletin

Giáo sư Aries Arugay, Trưởng khoa chính trị ở Đại học Philippines Diliman, nói phản ứng của ông Marcos là một cách tiếp cận khác đối với Bắc Kinh: “Đó là dấu hiệu đầu tiên để Trung Quốc thôi gây hấn trên Biển Đông. Các hành động khiêu khích của họ trước đây đều được chính phủ Duterte xoa dịu, nhưng thời ông Marcos thì không”.

Việc tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc không phải là điều mới, riêng năm ngoái Philippines đã có hàng trăm lần gửi công hàm ngoại giao để phản đối.

Theo nhà phân tích Manhit, sự phản đối công khai của ông Marcos đã cho thấy có sự thay đổi trong chính sách của Philippines đối với Trung Quốc: “Điều đó giúp động viên các quan chức cấp trung thật sự nói về những diễn biến tại Biển Đông. Lực lượng tuần duyên của chúng tôi bắt đầu báo cáo những việc xảy ra”.

Ngày 20.2, Philippines và Mỹ đồng ý tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông, đồng thời, quân Mỹ cũng được phép tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines. Vào cuối năm nay, hai nước cũng sẽ tiến hành cuộc tập trận chung hàng năm Balikatan.

Giáo sư Arugay nói rằng, Tổng thống Marcos đang đặt quyền lợi an ninh Philippines ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại: “Tôi cho rằng ông ấy đang nỗ lực cân bằng. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ "thân" Mỹ và chống Trung Quốc ngay lập tức”. 

Nhà phân tích chính trị Manhit nói Tổng thống Marcos thông minh trong quan hệ địa chính trị: “Ông ấy sẽ tiếp tục cởi mở với Trung Quốc nhiều hơn thông qua kinh tế. Philippines không bài Trung và các công ty Trung Quốc ở đây. Tôi nghĩ ông ấy là một chính khách khôn khéo. Khi là tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Norte, ông Marcos "thân Trung Quốc" vì nguồn du khách số 1 của tỉnh chính là người Trung Quốc”.

kishida-marcos.jpg
Tổng thống Marcos gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: AP

Tổng thống Marcos cũng hy vọng phát triển sâu quan hệ với Nhật Bản. Hồi đầu tháng 2, ông đã có chuyến thăm Tokyo. Philippines và Nhật Bản đã đồng ý hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn và đang có đàm phán về một thỏa thuận 3 bên giữa 2 quốc gia này và Mỹ.

Khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos mới đây, Tổng thống Marcos đã nhắc lại quan điểm của ông: “Tôi không làm việc cho Bắc Kinh hay Washington. Tôi phục vụ tổ quốc và nhân dân Philippines và bảo vệ quyền lợi quốc gia”.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Mỹ muốn hoạt động tại các căn cứ quân sự Philippines nhằm đối phó Trung Quốc
Washington đang theo đuổi thỏa thuận địa điểm quân sự với Philippines nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Philippines nghiêng về phía Mỹ hay tham gia một thế giới đa cực?