Tổng thống Zmbabwe tuyên bố ông "chưa tới số" sau khi ông thoát chết khỏi “vụ mưu sát” tại một cuộc vận động tranh cử, nhưng hai phó tổng thống bị thương.
Giới truyền thông Zimbabwe đưa tin "vụ mưu sát" xảy ra lúc Tổng thống Mnangagwa vừa rời khỏi bục phát biểu, tại sân vận động White City của thành phố Bulawayo, lúc trưa 23.6.
Chính quyền không đưa tin chi tiết nguyên nhân vụ nổ, nhưng xem ra một loại chất nổ đã được phóng lên trước khi nổ. Theo báo nhà nước Herald, ít nhất 8 người bị thương. Phó Tổng thống thứ hai Kembo Mohadi bị thương ở chân, Phó Tổng thống thứ hai Constantino Chiwenga (từng là tư lệnh quân đội Zimbabwe) bị trầy xước ở mặt. Người phát ngôn George Charamba của văn phòng tổng thống nói hầu hết người bị thương đều đã được xuất viện sau khi cứu chữa.
Chưa tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ nổ ở Bulawayo, nơi mà Tổng thống tổ chức cuộc vận động đầu tiên tại một thành phố mà đảng Zanu-chưa hề thắng ở các cuộc bầu cử kể từ năm 2.000 đến nay.
Tổng thống tuyên bố "Tôi chưa tới số"
Tổng thống Mnangagwa, 76 tuổi, không bị thương và đã được đưa đến một tòa nhà chính quyền ở Bulawayo, thành phố lớn thứ hai ở Zimbabwe.
Ông Mnangagwa có biệt danh “Cá sấu”, cũng cho biết Bộ trưởng Tài nguyên Nước, Môi trường và Khí hậu Oppah Muchinguri Kashiri và Phó Chủ tịch Quốc hội cùng vợ Phó tổng thống Chiwenga và một số vệ sĩ bị thương nhẹ.
Ông kể vụ nổ xảy ra sát gần ông nhưng “ông chưa tới số”, và ông nay đã quen với việc thoát chết khỏi những vụ mưu sát. Ông thường nói đùa về nhiều vụ âm mưu giết ông trong quá khứ.
Ông Mnangagwa nhắc trong cuộc tập kết hồi tháng 8.2018 ở bên ngoài Bulawayo, ông cũng bị đầu độc, khi ông là Phó tổng thống của ông Mugabe. Vụ này buộc ông phải chữa trị nhiều tuần ở Nam Phi láng giềng.
Ông Mnangagwa lên án vụ nổ là một “hành động hèn nhát”, sẽ không thể phá hoại cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên, kể từ sau nhà lãnh đạo Robert Mugabe bị quân đội cướp chính quyền hồi tháng 11.2017, và ông Mugabe phải từ chức sau 37 năm cầm quyền.
Zimbabwe sẽ tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 30.7 tới, và thời gian gần đây, các cuộc vận động tranh cử tương đối yên tĩnh, không như các lần trước nhuốm mùi bạo lực, chủ yếu do người ủng hộ đảng cầm quyền Zanu-PF chống phe đối lập.
Việc ông Mnangagwa trở thành Tổng thống đã đụng phải sự phản đối quyết liệt của những người trung thành với ông Mugabe, nhất là bà Grace, vợ ông Mugabe. Vị cựu lãnh đạo nói ôngMnangagwa phản bội sau gần 50 năm“núp bóng” ông.
Tổng cộng 23 ứng cử viên tranh cử, Tổng thống Mnangagwa hứa sẽ là cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Các quan sát viên quốc tế đã lần đầu tiên (kể từ năm 2002) đến Zimbabwe để chứng kiến cuộc bầu cử, và nếu họ công nhận bầu cử hợp lệ, Zimbabwe với 17 triệu dân có thể được các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính và trên hết là dỡbỏ lệnh cấm vận.
Hai ứng cử viên chính đều hứa phục hồi nền kinh tế bị tê liệt, chủ yếu từ việc chính quyền Mugabe mạnh tay thu hồi ruộng đất của nông dân da trắng thiểu số, cùng với các chính sách kinh tế sai lầm như quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài.
Đối thủ chính tranh chức tổng thống của ông Mnangagwa là ông Nelson Chamisa, thủ lĩnh Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC). Ông kêu gọi cảnh sát điều tra vụ nổ đến nơi đến chốn. Ông cũng nói Tổng thống đương nhiệm phải bị quytrách nhiệm đối với nền kinh tế, vì từng là phe cánh của ông Mugabe, tham gia chính quyền kể từ khi Zimbabwe độc lập năm 1980.
Đảng Zanu-PF nói Zimbabwe đang trong thời kỳ quá độ nhạy cảm, cần có người lèo lái giàu kinh nghiệm, ví dụ Tổng thống Mnangagwa.
ÔngMnangagwađội nón và đứng giữa 2 phó tổng thống - Ảnh: Daily Express
Tấn công lựu đạn không giết chết tân Thủ tướng Ethiopia
Vụ nổ ở Zimbabwe xảy ra vài giờ sau khi một quả lựu đạn ném vào một cuộc mít-tinh lớn ở Ethiopia, làm chết 1 người, 156 người bị thương gồm 8 người lâm tình trạng nguy kịch, nhưng tân Thủ tướng Abiy Ahmed không bị thuơng tổn, được vệ sĩ đưa đến chỗ an toàn.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Thủ tướng Abiy mặc áo thun xanh lá câykết thúc bài diễn văn trước hàng chục ngàn người tụ tập ở Quảng trường Meskel thuộc khu trung tâm thủ đô Addis Ababa.
Thủ tướng Abiy ngay trước khi xảy ra vụ tấn công - Ảnh: Getty Images
Một nhân chứng cho Reuters biết: một kẻ tấn công thủ một quả lựu đạn đã bị cảnh sát vật xuống đất trước khi quả lựu đạn nổ.
Cảnh sát nói đã bắt 6 nghi can, không cho biết chi tiết. Giới truyền thông nhà nước đưa tin 9 quan chức cảnh sát gồm Phó chánh thanh tra sở cảnh sát thủ đô Addis Ababa đã bị bắt vì không bảo đảm an ninh.
Thủ tướng Abiy, 41 tuổi, nói vụ tấn công lựu đạn này là một âm mưu của các thế lực muốn chia rẽ đất nước. Vị Thủ tướng nhậm chức hồi tháng 4, hứa chính phủ sẽ minh bạch hơn, đem lại hòa giải cho quốc gia đã chịu sự phân hóa từ năm 2015.
Dù Ethiopia là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi, phe phản đối nói các lợi ích không được san sẻ đều cho các cộng đồng thiểu số và các đạo giáo ở nước này.
Thủ tướng Abiy đã có 3 tháng cầm quyền đầu tiên, quyết mở cửa đất nước 100 triệu dân với thế giới bên ngoài sau hàng chục năm ẩn mình vì lo ngại an ninh.
Ông cũng đang thúc đẩy cải tổ chính trị-kinh tế, và gây bất ngờ cho người dân khi mới đây tuyên bố sẵn sàng tuân thủ một thỏa thuận hòa bình với kình địch Eritrea, vốn tách khỏi Ethiopia năm 1991sau một cuộc chiến tranh đòi độc lập.
Thỏa thuận này đạt được năm 2.000 sau cuộc chiến tranh hai năm, nhưng rồi Ethiopia từ chối thực hiện, nói cần đàm phán lại. Theo thỏa thuận, Ethiopia phải nhường thị trấn biên giới Badme cho Eritrea. Tuy nhiên, các cựu binh ở Badme không chấp nhận điều này, trong khi một số cư dân nói sẽ không rời khỏi thị trấn.
Eritrea đã cùng Mỹ và EU đều lên án vụ tấn công nhắm vào Thủ tướng Abiy.
Bảo Vĩnh (theo Guardian, Reuters)