“Cán bộ ta không nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Phải có cơ quan độc lập để kiểm tra, xác minh tài sản cán bộ, công chức, đặc biệt là trước khi bổ nhiệm, bầu cử, chứ nếu bầu xong rồi mới xác minh thì rất phức tạp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm VPQH nêu.

Tổng thư ký Quốc hội: Cán bộ ta không nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo

Trí Lâm | 11/04/2018, 16:26

“Cán bộ ta không nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Phải có cơ quan độc lập để kiểm tra, xác minh tài sản cán bộ, công chức, đặc biệt là trước khi bổ nhiệm, bầu cử, chứ nếu bầu xong rồi mới xác minh thì rất phức tạp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm VPQH nêu.

Tiếp tục phiên họp thứ 23, ngày 11.4, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Một trong điểm mới đáng chú ý, dự thảo luật trình ra phiên họp lần này đã bổ sung quy định về xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Theo đó, Chính phủ đề xuất hai phương án: Phương án 1, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời với đó, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23) quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN. Đây là phương án được Chính phủ lựa chọn.

Phương án 2, cơ quan, đơn vịkiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Không nên suy đoán có tội

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, hiện nay chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ thì cần phải hoàn thiện đồng bộ nhiều luật chuyên ngành khác như: Đấu thầu, Đầu tư công, Đất đai… chứ không riêng gì Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Vân, tài sản không chứng minh được nguồn gốc xác định rất khó khăn và chủ yếu do hệ thống pháp luật còn nhiều lỗ hổng. Tài sản bất minh có thể bắt nguồn từ tham nhũng, từ trốn thuế… nhưng cũng có thể từ truyền thống tích tụ tài sản, từ việc công chức, cán bộ làm nhiều việc khác để tăng thu nhập ngoài lương…

“Nhất là ở Việt Nam, hệ thống tài chính, hóa đơn, thuế… chưa minh bạch nên những hoạt động kinh tế của cá nhân thống kê rất khó. Nhiều nguồn tài sản người ta có được từ nhũng dịch vụ, việc làm không qua đóng thuế nên cũng khó xác định”, ông Vân nói và cho rằng, nếu phát hiện thì phải truy thu thuế và phạt hành chính, kỷ luật.

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng chống tham nhũng gốc là công tác cán bộ

Theo vị này, trong những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì khả năng về tham nhũng là có. Đối với hành vi tham nhũng, không chỉ tịch thu tài sản mà còn phải truy tố về tội tham nhũng.

“Nhưng vấn đề là dựa vào căn cứ nào để chứng minh đuợc tài sản tham nhũng. Nghĩa vụ chứng minh phải là cơ quan bảo vệ pháp luật, trong trường hợp không chứng minh được thì không thể suy đoán theo hướng có tội”, ông Vân băn khoăn.

Do đó, ông Vân cho rằng cần phải củng cố chặt chẽ các quy định của pháp luật. “Chống tham nhũng không chỉ ở việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mà còn phải sửa chữa, hoàn thiện nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…”, ông Vân nói.

Vị này cũng nhấn mạnh, tham nhũng từ quyền lực mà ra, do đó cần phải sàng lọc, lựa chọn cán bộ để ngăn chặn ngay được từ đầu vào, không làm dụng quyền lực. Vấn đề này là gốc chứ không riêng gì chế tài đối với tài sản bất minh.

“Ví dụ như trường hợp Phan Văn Vĩnh, là cán bộ nhưng lại có nhiều hành vi tội phạm. Cần phải hạn chế tới mức tối đanhững cán bộ phẩm hạnh, năng lực kém. Gốc rễ vẫn là phẩm hạnh cán bộ”, ông Vân nhấn mạnh.

UB Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ phạm pháp chưa chứng minh được.

Do đó, cần bổ sung quy định xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của công dân nên cần thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.

Theo đó, tài sản của người dân cũng như cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành tài sản. Về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.

Nhiều quan điểm trái chiều

Theo UB Tư pháp, có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 của dự thảo luật và cho rằng đối với các khoản thu nhập, tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế là phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Về mức thuế, đa số ý kiến của ủy ban tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật vì cho rằng, mối quan hệ giữa nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính; cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật phòng chống tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì Nhà nước sẽ xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch về tài sản, thu nhập.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, chưa quy định về thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Do đó, nếu áp dụng theo phương án này thì cần sửa đổi Luật này, cùng với đó là sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt.

Theo UB Tư pháp, cũng có ý kiến cho rằng tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì không thuộc sở hữu của người phải kê khai và nhà nước sẽ tịch thu qua trình tự tố tụng dân sự, có tranh tụng để đảm bảo được quyền lợi của các bên. Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ là chủ thể thay mặt nhà nước để khởi kiện và bảo vệ quyền lợi của nhà nước trước tòa án.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khi xác minh là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải tịch thu đã, còn nếu không đồng ý thì kiện ra toà. Có ý kiến rằng nếu tham nhũng 100 triệu, bị đánh thuế 45 triệu thì còn lại 55 triệu mặc nhiên là hợp pháp.

“Cán bộ ta không nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Phải có cơ quan độc lập để kiểm tra, xác minh tài sản cán bộ, công chức, đặc biệt là trước khi bổ nhiệm, bầu cử, chứ nếu bầu xong rồi mới xác minh thì rất phức tạp”, ông Phúc nêu.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thư ký Quốc hội: Cán bộ ta không nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo