Hàng năm, cứ vào đầu học kỳ 2, các trường cao đẳng, đại học lại nhộn nhịp hoạt động tuyển sinh. Học sinh lớp 12 cùng phụ huynh lại sôi nổi bàn luận việc “Chọn ngành gì?”, “Thi trường nào?”...

Tour tham quan trường đại học: Sản phẩm du lịch đặc trưng đang bị lãng phí

Nguyễn Văn Mỹ - Phạm Công Danh | 11/03/2023, 13:00

Hàng năm, cứ vào đầu học kỳ 2, các trường cao đẳng, đại học lại nhộn nhịp hoạt động tuyển sinh. Học sinh lớp 12 cùng phụ huynh lại sôi nổi bàn luận việc “Chọn ngành gì?”, “Thi trường nào?”...

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022, có xấp xỉ một triệu thí sinh đăng ký thi hoặc xét tuyển cao đẳng, đại học. Mỗi trường đều có hoạt động quảng bá tuyển sinh riêng như: xây dựng video giới thiệu về ngành đào tạo, tư vấn trực tuyến trên kênh truyền thông chính thức nhà trường, cử cán bộ tuyển sinh xuống tận các trường THPT tư vấn tại điểm... Tuy nhiên, chưa hoạt động nào tạo được sự hào hứng và ngạc nhiên đối với học sinh.

Trăm nghe không bằng một thấy, được “mục sở thị” nơi mình dự định sinh hoạt và học tập trong tương lai là trải nghiệm tích cực và hiệu quả nhất. Hoạt động này thường do trường THPT, phối hợp Ban tuyển sinh trường đại học cùng thực hiện.

Theo đó, học sinh được tham quan cơ sở vật chất nhà trường, trao đổi trực tiếp với giảng viên các khoa, tìm hiểu ngành học, chia sẻ với sinh viên đi trước, cùng nhiều hoạt động thể hiện văn hóa riêng từng trường. Những trải nghiệm thật và sống động giúp học sinh giảm bớt đắn đo, góp phần quan trọng trong việc quyết định nộp hồ sơ thi hoặc xét tuyển.

mot-goc-ngay-hoi-tu-van-tuyen-sinh-va-huong-nghiep-do-bao-tuoi-tre-to-chuc.jpg
Một góc ngày hội tuyển sinh

Chương trình tham quan trường đại học thường được tổ chức vào mùa tuyển sinh dành cho học sinh cuối cấp, tuy nhiên điều này cũng có nhiều bất cập. Học sinh vừa bước vào THPT đã chọn chuyên ban. Nếu được tham quan trường đại học sớm hơn thay vì đợi đến lớp 12, nhiều em sẽ tận dụng được cơ hội, chuẩn bị tốt hơn suốt giai đoạn phổ thông.

Bất cập tiếp theo là đối tượng tham quan là học sinh, trong khi học phí đại học do phụ huynh chi trả. Rất ít sinh viên tự cân đối được chi phí học tập đại học, hoặc tận dụng khoản vay ưu đãi dành cho sinh viên và trả lại sau khi ra trường. Phụ huynh cũng rất cần được trải nghiệm nơi con mình sẽ theo học, vì họ chịu trách nhiệm chi trả dịch vụ đó.

Vấn đề không chỉ ở chuyện tiền bạc, nhiều gia đình không tìm được quan điểm chung với con khi lựa chọn ngành học hoặc trường đại học. Phụ huynh, với nhiều trải nghiệm sống, thường định hướng áp đặt con cái. Tuy nhiên, các sinh viên tương lai lại không nghĩ vậy. Tham quan trường đại học là giải pháp để gia đình tìm tiếng nói chung trong quá trình lựa chọn và quyết định.

Vấn đề đặt ra là làm sao để học sinh từ nhiều cấp lớp và gia đình có thể tham quan trường đại học vào những thời điểm thuận tiện cho cả đôi bên, chứ không nhất thiết đóng khung trước mùa tuyển sinh? Ở các nước phát triển, thuật ngữ "University Campus Tour - UCT" (tour tham quan trường đại học) khá phổ biến. Trong các UCT, sinh viên tiềm năng, bạn bè và gia đình cùng trải nghiệm thực tế về môi trường học tập, sinh hoạt, giải trí của đại học.

UTC được tổ chức quanh năm (trừ các kỳ thi, các đợt kiểm tra, thẩm định), có bộ phận phụ trách và hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Họ cũng được đào tạo nghiệp vụ và huấn luyện kiến thức căn bản. Chi phí tham quan, trải nghiệm được tính toán và báo giá như tour du lịch thông thường. Khách đăng ký UCT được cung cấp thông tin cần thiết, nội quy tour, quy định cơ sở đại học tham quan… để ký hợp đồng và tích cực chuẩn bị.

ngayhoi2.jpeg
Học sinh chia sẻ về ngành học và trường học

Bên cạnh trải nghiệm thực về môi trường đại học, hỗ trợ học sinh và gia đình quyết định, UCT mở ra thế giới mới về các trường mà lâu nay chỉ nghe nói.

Một giảng viên trẻ ở đại học kể: “Hai cô con gái tôi, dù ở tuổi tiểu học vẫn đọc, xem qua truyền thông và tự hào về trường của ba. Có dịp là năn nỉ theo ba vào trường bất cứ khi nào có cơ hội vì trường ba “đã lắm”. Hai bạn học tốt, tự gieo động lực là ráng học để sau thành sinh viên trường của ba - điều tôi không chủ đích định hướng khi dẫn con đến trường”.

Trải nghiệm ở những cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học giúp truyền cảm hứng và động lực học tập. Nếu UCT được tổ chức chuyên nghiệp thì nhà trường, phụ huynh, học sinh và công ty lữ hành... cùng nhận được rất nhiều lợi ích như quảng bá hình ảnh, văn hóa nhà trường, tạo mối quan hệ kết nối từ sớm với “khách hàng tiềm năng, tiết kiệm chi phí, có thêm nguồn thu”… Những việc mà bất kỳ ai làm công tác tuyển sinh lẫn gia đình học sinh đều mong muốn.

Vấn đề là làm sao tổ chức bộ phận chuyên trách vận hành thường xuyên và hiệu quả. Cách tốt nhất là nhà trường kết nối, hợp tác với các công ty lữ hành chuyên nghiệp, tổ chức UCT như một dịch vụ, có chi phí, mô tả rõ nội dung để các công ty lữ hành cùng quảng bá và tổ chức. Nếu vận hành tốt, các trường có thể khai thác được công suất chưa sử dụng trong cơ sở vật chất hiện có.

Những UCT nổi tiếng của Mỹ thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan và mang về hàng triệu USD mỗi năm. TP.HCM hiện có 66 trường đại học, học viện; 49 trường cao đẳng chưa kể trung cấp, là thị phần UCT rất lớn, gần như còn bỏ ngỏ. UCT là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng đang bị lãng phí, rất đáng tiếc.

Phụ huynh và học sinh quốc tế cũng có nhu cầu tìm hiểu về các trường học Việt Nam có chương trình đào tạo quốc tế, đặc biệt vào mùa hè. Hè nào, homestay A Chu (Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La) cũng dành trọn tháng 7 để đón 4 đợt sinh viên từ trường đại học Singapore đến Việt Nam giao lưu, trải nghiệm và hoạt động thiện nguyện.

Mùa tuyển sinh năm 2023 đang đến. Ngay bây giờ, các trường đại học thay vì loay hoay tự làm thì có thể bắt tay với các công ty lữ hành, thiết kế sản phẩm, biến UCT thành sản phẩm đặc thù. Đây là cách tăng cường quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả giáo dục.

Sinh viên không phải đợi đến lúc tốt nghiệp mới được mời bố mẹ vào trường. Bất cứ khi nào thuận tiện, sinh viên cũng có thể tự hào mời ba mẹ tham gia UCT, đến thăm nơi mình sinh sống và học tập. Càng nhiều người “bước vào ngưỡng cửa đại học” thì chất lượng, tinh thần học tập suốt đời sẽ càng lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng.

Đó là nền móng vững chắc, xây dựng thành công xã hội học tập, nhân tố quyết định quốc gia hưng thịnh, văn minh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
44 phút trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tour tham quan trường đại học: Sản phẩm du lịch đặc trưng đang bị lãng phí