Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong thời gian tới, các siêu thị tại TP.HCM không đóng cửa mà chỉ thay đổi phương thức phân phối nhằm cung ứng thực phẩm cho người dân, phù hợp với từng địa bàn.

TP.HCM: Các siêu thị vẫn sẽ mở cửa nhưng thay đổi phương thức phân phối

Bài và ảnh: Hồ Đông | 22/08/2021, 13:58

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong thời gian tới, các siêu thị tại TP.HCM không đóng cửa mà chỉ thay đổi phương thức phân phối nhằm cung ứng thực phẩm cho người dân, phù hợp với từng địa bàn.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 22.8, nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh đã đổ xô xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để mua gom thực phẩm.

Siêu thị đông nghẹt từ sáng sớm

Từ sáng sớm, người dân đã đến xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm, siêu thị để được vào mua sắm hàng hóa dù thời gian mở cửa của các siêu thị là từ 7 – 7 giờ 30.

Tuy nhiên, do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ cho người vào với số lượng hạn chế nên nhiều người đã phải chờ trong nhiều giờ mới tới lượt vào mua sắm. Trước cửa nhiều siêu thị, người dân xếp hàng dài cả trăm mét.

Bên trong các siêu thị, người dân cũng tranh thủ mua hàng với số lượng lớn để dự trữ dùng trong nhiều ngày khiến nhiều nơi không kịp đưa hàng lên kệ. Nhiều kệ rau, quả, thịt, cá, trứng, mì ăn liền sạch bách.

Điển hình, tại siêu thị Emart Gò Vấp, từ sáng sớm 22.8, hàng trăm người đã xếp hàng để vào mua. Sức mua đối với các nhóm thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các mặt hàng thịt tươi, rau củ quả tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ vào một số thời điểm. Nhiều loại thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung nhưng vẫn xảy ra tình trạng không bổ sung kịp thời.

Nhân viên siêu thị cho biết lượng hàng trong kho vẫn còn nhưng do khách mua quá nhanh nên siêu thị không kịp đóng vỉ, dán tem giá, hàng vừa được chở từ kho ra là được người mua lấy hết sạch.

sieu-thi-22-8.jpeg
Người dân xếp hàng dài chờ vào siêu thị MM Mega Market Bình Phú

Tương tự, Aeon Tân Phú và Aeon Bình Tân cũng ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến gấp 3 lần so với các ngày trước đó. Khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống như các loại thịt, cá, trứng, rau củ quả cùng nhiều mặt hàng lương thực khô như mì, miến, bún và nhóm thực phẩm đông lạnh, sữa…

Còn tại MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) và Bình Phú (quận 6), khách cũng đổ dồn về từ sáng sớm. Siêu thị áp dụng giãn cách và giới hạn lượt người vào mua sắm nên lượng người xếp hàng dài bên ngoài.

Không riêng gì siêu thị, tại các cửa hàng tạp hóa bên ngoài người dân cũng tập trung mua mì ăn liền, bún khô, miến, nui, gạo, trứng và nhiều cửa hàng hết mì ăn liền, trứng. Còn các cửa hàng tiện lợi ghi nhận sức mua tăng cao trên kênh trực tuyến, nhiều sản phẩm xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ.

sieu-thi-chay-hang.jpeg
Nhiều siêu thị thiếu hàng cục bộ vào một số thời điểm

Không thiếu thực phẩm phục vụ người dân

Theo đại diện các hệ thống bán lẻ, các siêu thị đều đã có kế hoạch tăng thêm 4 - 5 lần mặt hàng thịt tươi các loại và tăng 10 lần các mặt hàng rau củ nên hàng hóa phục vụ người dân không thiếu.

Đơn cử, hệ thống SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Hệ thống MM Mega Market thì hàng tươi đông lạnh dự trữ 20 ngày, trong khi đặt hàng dự trữ 20 ngày, tổng dự trữ 40 ngày; hàng thực phẩm khô dự trữ 30 ngày, đặt hàng dự trữ 30 ngày, tổng cộng là 60 ngày.

Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng tăng lượng hàng thực phẩm dự trữ. Đối với hàng rau, củ, quả, thịt, cá tươi luôn có nguồn hàng về từng ngày, các siêu thị cũng tăng đặt hàng so với những ngày trước đó.

Đại diện Công ty Ba Huân (TP.HCM) thông tin có thể cắt nguồn cung trứng gia cầm ở các nơi, trứng dùng cho chế biến để dồn sức phục vụ riêng cho TP.HCM. Còn Công ty chăn nuôi CP mỗi ngày sẽ xuất bán khoảng 13.000 - 14.000 con heo cho thị trường cả nước, nhưng nếu cần, có thể tăng ngay lên mức 20.000 - 23.000 con/ngày. Lượng gà bán ra cũng có thể tăng lên ở mức 70.000 con/ngày. Trong trường hợp thị trường TP.HCM có nhu cầu nhiều hơn, đơn vị này sẵn sàng điều chỉnh tăng lượng xuất chuồng, giết mổ để cung cấp.

thuc-pham-sieu-thi.jpg
Các hệ thống bán lẻ khẳng định không thiếu thực phẩm, hàng hoá cho người dân TP.HCM

Về cung ứng và phân phối hàng hóa, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong các "vùng xanh", "vùng vàng" nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn của Sở thì vẫn mở chợ. Còn "vùng đỏ", "vùng cam" thì hệ thống phân phối, hệ thống siêu thị đang xây dựng kế hoạch để phối hợp với lực lượng chức năng cung ứng cho người dân. Điều này có nghĩa là sẽ có bộ phận đi chợ hộ, TP.HCM thay đổi cách thức phân phối chứ không đóng cửa siêu thị.

Ngoài ra, với những quận huyện ở "vùng đỏ", "vùng cam" sẽ có thêm biện pháp cung ứng hàng là những xe bán hàng lưu động, song xe này không bán hàng trực tiếp cho người dân mà lực lượng đi chợ hộ sẽ đến mua hàng, "đảm bảo chắc chắn không thiếu hàng cho người dân thời gian sắp tới".

 

Bài liên quan
Tăng cường giám sát giá cả, cung ứng hàng hóa tại TP.HCM
Trước tình hình người dân TP.HCM đổ dồn đi mua gom thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường khẳng định sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Các siêu thị vẫn sẽ mở cửa nhưng thay đổi phương thức phân phối