Trước tình hình người dân TP.HCM đổ dồn đi mua gom thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường khẳng định sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa tại đây.

Tăng cường giám sát giá cả, cung ứng hàng hóa tại TP.HCM

Tuyết Nhung | 21/08/2021, 17:52

Trước tình hình người dân TP.HCM đổ dồn đi mua gom thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường khẳng định sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa tại đây.

Sau khi có thông tin TP.HCM sẽ siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 23.8, từ 6 sáng nay (21.8) rất nhiều người dân đổ xô xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi...

Do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ cho người vào số lượng hạn chế nên mọi người phải chờ mất vài tiếng đồng hồ mới tới lượt mua sắm. Bên trong các siêu thị, dân chúng cũng tranh thủ mua hàng số lượng lớn để có thể dự trữ dùng trong nhiều ngày khiến nhiều siêu thị không kịp đưa hàng lên kệ, nhiều kệ thịt cá, rau củ quả, trứng, mì ăn liền... bị hết, thiếu hàng.

z2700171593960_c115e7efa094b69aa64ebfe82346618b.jpg
z2700171581775_5cf0219b6af55b4fe31dd439448dfa41.jpg
Sáng 21.8, người dân TP.HCM đã đổ dồn về các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống... để mua gom thực phẩm - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Tại siêu thị E.mart Gò Vấp, từ sáng sớm hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị, nhiều loại thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung nhưng vẫn xảy ra tình trạng không kịp thời khi sức mua sắm quá lớn tại thời điểm nhất định.

Đến hơn 12 giờ, dù trời nắng khá gắt nhưng tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market và các cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+, Bách Hóa Xanh... vẫn còn đông người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng.

Các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi đã tăng đặt hàng rau củ quả, trứng, thịt cá để phục vụ người dân nhưng nguồn cung ứng hạn chế, khó tăng mạnh do nhà cung cấp cũng gặp khó khăn về nhân lực.

Tại các cửa hàng tạp hóa, dân cũng tập trung mua mì ăn liền, bún khô, miến, nui, gạo, trứng..., nhiều cửa hàng hết hàng phải đóng cửa.

Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: "Mặc dù sức mua tăng rất cao, nhiều nơi thiếu hàng nhưng giá hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn được giữ như những ngày trước. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường giám sát tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa tại TP.HCM".

Theo thông tin từ các siêu thị, từ ngày 20.8 đến trưa nay, lượng khách đến mua sắm đã tăng gấp 3-4 lần so với những ngày trước. Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu gia tăng bất ngờ, các siêu thị đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lên các quầy kệ.

Ngoài ra là tăng thêm lượng rau củ, quả lên gấp 3-4 lần. Các siêu thị luôn đảm bảo dự trữ hàng hóa chuẩn bị nhu cầu người dân trong thời gian tới.

Hệ thống SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Hệ thống MM Mega Market hàng tươi đông lạnh tồn kho dự trữ 20 ngày, đặt hàng dự trữ 20 ngày, tổng dự trữ 40 ngày; hàng thực phẩm khô tồn kho dự trữ 30 ngày, đặt hàng dự trữ 30 ngày, tổng cộng là 60 ngày. Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng tăng lượng hàng thực phẩm dự trữ.

Đối với hàng rau củ quả, thịt, cá tươi thì luôn có nguồn hàng về từng ngày, các siêu thị cũng tăng đặt hàng so với những ngày trước đó nhưng các nhà cung cấp gặp khó khăn về nhân sự và đứt gãy chuỗi cung ứng nên khả năng tăng nguồn hàng bị hạn chế.

Tại buổi họp báo ngày 20.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết TP sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 23.8.

Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung 5 nhóm giải pháp chính, trong đó giải pháp thứ 5 là bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.

Vì vậy, lãnh đạo TP.HCM đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện "5K + vắc xin + thuốc uống", không tập trung thu gom hàng hóa thực phẩm.

Bài liên quan
Sáng 21.8: Có 690 ca COVID-19 nặng và rất nặng, TP.HCM triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên
Đến nay Việt Nam ghi nhận 323.268 ca mắc COVID-19, chữa khỏi 132.815 bệnh nhân. Trong số các ca bệnh đang điều trị có 690 ca nặng và rất nặng. TP.HCM triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường giám sát giá cả, cung ứng hàng hóa tại TP.HCM