UBND TP.HCM đã chấp thuận đầu tư 25 công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ sông tại huyện Cần Giờ và sẽ cấp kinh phí để nhanh chóng xử lý 3 điểm sạt lở ảnh hưởng đến dân cư tại khu vực Nhà Bè.
UBND TP.HCM đã ra văn bản gửi Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Nhà Bè về việc cấp bách xử lý 3điểm sạt lở trong khu vực Nhà Bè. Đồng thời chấp thuận đầu tư 25 công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ sông theo đề xuất của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và UBND huyện Cần Giờ.
Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND huyện Nhà Bè làm chủ đầu tư, khẩn trương triển khai hồ sơ xử lý cấp bách 2 vị trí sạt lở tại khu vực bến Trâm Bàu, xã Hiệp Phước và bờ trái Rạch Dơi của sông Kinh, xã Long Thới, huyện Nhà Bè để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người của dân trong khu vực.
Đối với vị trí sạt lở khu vực sông Rạch Giồng, đoạn từ cầu Bàu Le đến cầu Mương Bằng, UBND TP.HCM giao Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Nhà Bè khảo sát kiểm tra tiến độ thực tế, báo cáo UBND TP.HCM trong 10 ngày làm việc.
Riêng7 tuyến kè bảo vệ các khu dân cư giai đoạn 2016 - 2018, UBND TP.HCM giao UBND huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai hồ sơ thủ tục xử lý cấp bách các vị trí sạt lở là các tuyến kè trên địa bàn xã An Thới Đông gồm: kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Hòa (Tắc Ráng, tổ 27-28);kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Nghĩa (đoạn từ Cầu An Nghĩa đến rạch Nhánh); kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Nghĩa (đoạn từ rạch Nhánh đến ngã ba sông Lòng Tàu); kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Hòa (từ kè Bà Tổng đến ngã ba sông Soài Rạp); kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ven sông Soài Rạp (đoạn từ rạch Bà Tổng đến rạch Giông); kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp rạch Lá và kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp An Bình (từ ngã ba rạch Giông đến kênh Ngay).
Đối với 18 tuyến kè còn lại, UBND TP.HCM giao Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Cần Giờ kiểm tra, khảo sát thực tế để xây dựng quy mô, nhu cầu ưu tiên để thành phố xem xét, giải quyết trong thời gian tiếp theo.
Thông tin từ UBND TP cũng cho hay, đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất quy hoạch tuyến đê lấn biển Cần Giờ hiện hữu 15,3km(từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh)để hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất dự án.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tại TP hiện có 44 vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông (31 vị trí đặc biệt nguy hiểm), trong đó có 28 điểm đã được triển khai dự án chống sạt lở. Trong năm 2015 đã xảy ra 13 vụ sạt lở tập trung ở huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Thủ Đức, quận 2 gây thiệt hại hàng chục tỉđồng.
Quang Huy